Đài RT dẫn nguồn các quan chức Nga và Áo ngày 10/4 cho biết, Thủ tướng Áo Karl Nehammer dự kiến thăm Thủ đô Moskva trong ngày 11/4.
Kronen Zeitung của Áo là tờ báo đầu tiên đưa tin về chuyến thăm sắp tới của ông Nehammer. Kronen Zeitung dẫn nguồn tin thân cận cho biết Thủ tướng Áo tìm cách trở thành “người bắc cầu” và trung gian cho hoà bình giữa Moskva và Kiev.
Văn phòng của Thủ tướng Nehammer cũng đã xác nhận chuyến thăm sắp tới với hãng tin TASS, trong khi người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết nhà lãnh đạo Áo sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. "Đúng. Chúng tôi xác nhận [các cuộc đàm phán]”, ông Peskov nói với RIA Novosti.
Trước đó, ngày 10/4, ông Nehammer đã đến thăm Kiev, gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng như các quan chức hàng đầu khác. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Áo bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Kiev, tuyên bố rằng EU sẽ tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Nga “cho đến khi chiến tranh chấm dứt”.
Cùng ngày, ông Nehammer đã đến thăm thị trấn Bucha, ngoại ô Kiev, nơi Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc có hàng trăm thường dân được tìm thấy đã thiệt mạng sau khi lực lượng Nga rút lui.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/4 đã bác bỏ cáo buộc của Ukraine rằng quân đội Nga sát hại dân thường ở Bucha. Bộ này cho biết quân đội Nga đã rời Bucha ngày 30/3 trong khi những bằng chứng giả về vụ việc được đưa ra 4 ngày sau đó, khi lực lượng an ninh Ukraine đã đến địa phương này.
Về phần mình, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Áo Karl Nehammer, Tổng thống Zelensky nêu rõ Ukraine luôn sẵn sàng đối thoại để tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện nay.
Trước đó, ngày 6/4, Tổng thống Zelensky trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi phải tìm ra những cơ hội, dù là nhỏ, cho tiến trình đàm phán. Nếu không có tiến trình này, tôi cho rằng khó có thể kết thúc chiến tranh”.
Áo là thành viên của Liên minh châu Âu và đã ủng hộ các lệnh trừng phạt của khối 27 quốc gia chống lại Nga, mặc dù cho đến nay nước này vẫn phản đối việc cấm nhập khẩu khí đốt của Nga.
Áo trung lập về quân sự và không phải là thành viên của NATO. Thủ tướng Nehammer cho biết ông tự thực hiện chuyến đi và đã tham khảo ý kiến của các quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu, cũng như đã thông báo cho cả Tổng thống Ukraine Zelenskyy và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Nga đã đưa quân vào Ukraine vào cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk ký năm 2014. Moskva tuyên bố mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt này là nhằm “phi quân sự hoá” và “phi phát xít hoá” Ukraine. Nga đưa ra một trong những yêu cầu quan trọng để ngừng chiến dịch là Ukraine phải cam kết theo đuổi quy chế trung lập, vĩnh viễn không gia nhập NATO.
Ngày 8/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Moskva hy vọng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có thể hoàn tất trong "những ngày tới". Ông Peskov lưu ý chiến dịch vẫn tiếp diễn và đang đạt được các mục tiêu, song song với thúc đẩy tiến trình đàm phán với Ukraine.
Bình luận