Bà Lam khẳng định các phiên đối thoại sẽ hết sức cởi mở và tất cả người dân đều có thể tham dự.
"Xã hội Hong Kong đã gặp phải hàng loạt các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị. Tôi hy vọng các hình thức đối thoại khác nhau có thể tạo ra nền tảng để chúng ta thảo luận", bà Lam nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 17/9.
Mỗi phiên đối thoại cho phép 100-200 người tới tham dự. Chính quyền sẽ chọn ngẫu nhiên những người tham dự từ tất cả các lĩnh vực với các độ tuổi và lập trường khác nhau.
Bà Lam khẳng định, trong 3 tháng qua, chính quyền luôn lắng nghe ý kiến từ người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội và sẽ tiếp tục làm như vậy.
"Chúng tôi mời mọi người đến đối thoại vì chúng tôi tin rằng giao tiếp tốt hơn nhiều so với đối đầu. Sau ba tháng bất ổn xã hội, khi chính thức rút dự luật dẫn độ, mọi người nhận ra rằng các vấn đề đã vượt xa dự luật", bà nói.
Khi được hỏi về kỳ vọng các cuộc đàm phán sắp tới, bà Lam cho biết: "Điều quan trọng là chính phủ phải lắng nghe và tham gia với cộng đồng để hiểu rõ hơn về những vấn đề đó".
Tuy nhiên, lãnh đạo Hong Kong cũng nhấn mạnh việc xây dựng nền tảng đối thoại không có nghĩa là chính phủ dung thứ cho các hành vi bạo lực.
Cuối tuần qua, người Hong Kong tiếp tục đổ xuống đường biểu tình, nối dài chuỗi ngày bất ổn ở Hong Kong suốt hơn 3 tháng qua. Cảnh sát phải huy động tới vòi rồng và hơi cay để trấn áp các đối tượng quá khích.
Nhiều người cho biết, họ sẽ biểu tình cho tới khi cả 5 yêu cầu được đáp ứng thay vì chỉ dự luật dẫn độ được rút lại.
"Tôi nghĩ rằng động lực cho hoạt động phản kháng này vẫn còn. Bạn thấy đấy, chính phủ chỉ đang thỏa hiệp một yêu cầu. Cảnh sát đang bắt người. Chúng tôi đưa ra 5 yêu cầu, ít hơn 1 cũng không được", Peter, 1 người tham gia biểu tình cho biết.
4 yêu cầu còn lại bao gồm, rút lại từ bạo loạn khi mô tả về các cuộc biểu tình; phóng thích những người bị bắt; mở một cuộc điều tra độc lập về các hành động lạm quyền của cảnh sát trong biểu tình và quyền của người dân Hong Kong trong việc chọn lãnh đạo của họ vẫn chưa được đáp ứng.
Bình luận