Bị kẹt ở giữa một cuộc cạnh tranh khốc liệt về thương mại và sức mạnh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, các lãnh đạo châu Âu đang cố gắng tìm ra một hướng đi mới.
Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels tới đây, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận để vạch ra sách lược mới cho tình trạng hiện nay với trọng tâm là đối phó với Trung Quốc.
"Chúng tôi hoàn toàn cởi mở. Trung Quốc thì không và điều đó làm dấy lên các nghi vấn", Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jyrki Katainen nói.
Gặp gỡ vào thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình đang bắt đầu chuyến công du châu Âu, các lãnh đạo EU, những người thường xuyên chia rẽ trong các vấn đề liên quan tới Trung Quốc muốn đi tới môt sự đồng thuận, thống nhất trước thềm hội nghị EU-Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 9/4 tới đây.
Theo một dự thảo tuyên bố về hội nghị thượng đỉnh tháng 4 mà Reuters có được, EU đang tìm cách đưa ra các hạn chót buộc Trung Quốc phải hoàn thành các cam kết thương mại và đầu tư mà Bắc Kinh từng đề cập trước đây nhưng đã nhiều lần viện cớ trì hoãn.
"Trong quá khứ, việc xây dựng một chiến lược rõ ràng với Trung Quốc là hết sức khó khăn và các tài liệu chính sách trong quá khứ không thống nhất về mặt chiến lược. Giờ đây đã có những nỗ lực rõ ràng để làm điều đó", ông Duncan Freeman tới từ Trung Tâm nghiên cứu EU-Trung Quốc tại Đại học Châu Âu cho hay. Trong tài liệu chuẩn bị cho hội nghị tới đây, Ủy ban châu Âu gọi Trung Quốc là "đối thủ có hệ thống".
Theo Reuters, một trong các lý do thúc đẩy các lãnh đạo châu Âu ngồi vào bàn thảo luận cấp cao nhất để đối phó với Trung Quốc là chiến dịch chống lại gã khổng lỗ viễn thông Trung Quốc Huawei mà Mỹ đang tích cực kêu gọi.
Với hàng tỷ euro giao thương qua lại mỗi ngày, EU đang là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh chỉ đứng sau Mỹ trong danh sách các thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của châu Âu. Tuy nhiên các báo cáo mới đây của Công ty Nghiên cứu kinh tế Rhodium Group và Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator cho thấy các hạn chế thương mại của Trung Quốc hà khắc hơn các rào cản của EU trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc triển khai các chính sách mới của châu Âu để đối phó với Bắc Kinh trong thời gian tới sẽ hết sức phức tạp khi mà một số quốc gia tại lục địa già vẫn đang muốn thu hút nguồn đầu tư từ Trung Quốc.
Đơn cử như Italia mới đây đánh tiếng sẽ tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc bất chấp sự phản đối của nhiều nước láng giềng.
Trong bối cảnh đó, vai trò của Đức được đánh giá là hết sức quan trọng khi mà Berlin từng nhiều lần kêu gọi các phản ứng cứng rắn trước sự cạnh tranh không lành mạnh tới từ các đối thủ của Trung Quốc nhưng cũng đang hướng đến một mối quan hệ gần gũi hơn với nền kinh tế thứ 2 của thế giới.
"Vị trí của họ cần ổn định. Vào thời điểm này, nó thay đổi mỗi ngày trong tuần", một quan chức EU giấu tên cho hay.
Bình luận