Cùng dự có các thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo các Cục, Vụ Văn phòng Chính phủ.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đồng chí Nguyễn Vũ Trường Sơn, Phó Bí thư Phụ trách Đảng uỷ, Thành viên phụ trách Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc và các Ban chuyên môn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chuyển lời thăm hỏi, động viên và khen ngợi PVN của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Thủ tướng nói rằng trong lúc này, PVN gặp nhiều khó khăn nhất, nhưng càng khó khăn càng phải quyết tâm lớn nhất, đoàn kết, thống nhất, vững tin. Rất mừng là trong 6 tháng đầu năm 2017, PVN đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh”.
Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, những năm qua, PVN có nhiều đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất biết những nỗ lực của PVN, mong PVN không vì những biến cố mà mất niềm tin.
Bộ trưởng cũng đề nghị PVN làm rõ 4 vấn đề: Một là mục tiêu tăng trưởng; hai là vấn đề xử lý các dự án chưa hiệu quả; ba là tiến độ đầu tư xây dựng một số dự án nhiệt điện quan trọng; bốn là tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, kỷ luật.
Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Công Thương giao. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đều vượt mức chỉ tiêu từ 12 – 19% so với kế hoạch với những kết quả nổi bật: Sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 577 nghìn tấn so với kế hoạch Chính phủ giao từ đầu năm (so với kế hoạch giao bổ sung tăng thêm 1,0 triệu tấn thì vượt 141 nghìn tấn so với kế hoạch) - góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước (GDP 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5,73%); sản lượng điện 6 tháng đầu năm đạt 11,11 tỷ kWh, bằng 55,2% kế hoạch năm; sản xuất phân đạm đạt 9 nghìn tấn, vượt 8,8% kế hoạch 6 tháng và bằng 59,8% kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 2,99 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch 6 tháng…
Công tác an toàn trên các công trường/nhà máy được các nhà thầu dầu khí, các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc; tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh ổn định.
Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn (tổng doanh thu, nộp ngân sách nhà nước) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, cụ thể: Doanh thu toàn Tập đoàn vượt 15,0% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016; nộp ngân sách nhà nước vượt 14% kế hoạch, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2016.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2017 mà Chính phủ, Bộ Công Thương giao. Để đạt mục tiêu này, Tập đoàn đã đề ra một loạt các giải pháp như tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về khai thác dầu khí, phấn đấu cả năm khai thác đạt 13,28 triệu tấn dầu thô và 10,61 tỷ m3 khí; bám sát diễn biến giá dầu để có các giải pháp kịp thời ứng phó với những biến động của giá dầu từng thời điểm; kiểm soát, vận hành an toàn, ổn định các nhà máy, công trình dầu khí; đẩy mạnh công tác đầu tư, ưu tiên vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2017; tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của Tập đoàn, chỉ đạo các đơn vị thành viên tự kiểm điểm để kịp thời khắc phục các tồn tại nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.
Trong những tháng cuối năm 2017, trên cơ sở phương án đã hoàn thành và phê duyệt của Chính phủ, Tập đoàn sẽ tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp về 5 dự án yếu kém (xơ sợi Đình Vũ, 3 dự án nhiên liệu sinh học, đóng tàu Dung Quất) theo đúng tinh thần kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, của Bộ Công Thương. Đặc biệt là khởi động lại hai Nhà máy Ethanol Bình Phước và Dung Quất nhằm đáp ứng nguồn cung E100 để phối trộn xăng E5 RON 92 , góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống của Chính phủ.
Để đạt được những mục tiêu trên, PVN kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy chế tài chính, Điều lệ tổ chức hoạt động, Kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2016 – 2020; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn, nguồn để bù chênh lệch thuế suất nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ đối với Dự án Liên hợp Lọc Hoá dầu Nghi Sơn, cơ chế hoàn trả tiền PVN thay mặt Chính phủ bù cho Công ty TNHH Lọc Hoá dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại; cấp bảo lãnh Chính phủ đối với phần vốn vay của PVN cho dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam…
Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao PVN, từ 1/1/2016 đến 10/7/2017, PVN được Chính phủ giao thực hiện 189 nhiệm vụ. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ này định kỳ hàng tháng Tập đoàn đều có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ. Đến hết ngày 10/7/2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 141/189 nhiệm vụ; đang triển khai thực hiện 45 nhiệm vụ trong thời hạn xử lý; chưa hoàn thành theo đúng tiến độ 3 nhiệm vụ.
Sau khi Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn báo cáo, các đồng chí Phó Tổng giám đốc trực tiếp phụ trách các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã báo cáo chi tiết tình hình triển khai; những khó khăn, vướng mắc cũng như các đề xuất, kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tiếp đó, các thành viên của Tổ công tác của Thủ tướng đã đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được Chính phủ, Bộ Công Thương giao. Các thành viên của Tổ công tác cũng chia sẻ với những khó khăn mà PVN đã và đang phải đối diện. Đồng thời bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, với những khó khăn, vướng mắc đã được chỉ đặt ra, PVN sẽ có giải pháp phù hợp, quyết liệt tháo gỡ, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí.
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Tổ công tác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Các báo cáo, giải trình của PVN rất chi tiết, điều này cho thấy việc xử lý công việc của PVN rất cụ thể, quyết liệt, được quán triệt sâu sắc.
Trên cơ sở các ý kiến được lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Tổ công tác, chúng tôi cho rằng: PVN là tập đoàn lớn, có nhiều thành tựu, đóng góp lớn cho đất nước. Qua 42 năm xây dựng trưởng thành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quý.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy, thời gian qua, sự gắn kết giữa các bộ, ngành chưa được tốt, nhiều vướng mắc, khó khăn của PVN đưa ra chưa được xử lý kịp thời, thoả đáng, thậm chí nhiều văn bản chậm trễ, nhiều cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất kinh doanh cũng trong tình trạng như vậy, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn.
Bộ trưởng đề nghị Tổ công tác tập hợp những kiến nghị của PVN để báo các các đồng chí lãnh đạo phụ trách trực tiếp, kịp thời xử lý: bảo lãnh vốn cho công ty con; quỹ tìm kiếm thăm dò khai thác, vấn đề tái cơ cấu... Các cơ quan có thẩm quyền cần bám sát, tháo gỡ vướng mắc, trong lúc PVN khó khăn, nếu lảng tránh, không bám sát là không được.
Đối với 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành, Bộ trưởng cho rằng đây đều là nhiệm vụ rất khó, liên quan không chỉ đến nỗ lực của Tập đoàn mà còn là của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan.
Đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu suy giảm, Bộ trưởng đề nghị PVN cần xây dựng giải pháp cụ thể, quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng một lần nữa nhắn mạnh: Lãnh đạo Đảng, nhà nước đặt trọn niềm tin vào PVN. Mong các Bộ, ngành, Cục, Vụ Văn phòng Chính phủ vào cuộc, xử lý dứt điểm các vấn đề, kiến nghị của PVN.
Về phía PVN, Bộ trưởng đề nghị cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ được Thủ tướng. Nếu có vướng mắc, khó khăn gì trong quá trình triển khai thì báo cáo ngay các Bộ, ngành, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo PVN cũng nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử hơn 40 năm của Tập đoàn, PVN luôn là doanh nghiệp có đóng góp ngân sách hằng năm lớn nhất cả nước. Các thế hệ người đi tìm lửa luôn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, người lao động Dầu khí cũng mong được Đảng, Nhà nước tin tưởng, ủng hộ trong quá trình xây dựng, phát triển ngành Dầu khí nước nhà.
Bằng ý chí, niềm tin, người lao động tại các đơn vị trong Tập đoàn đã nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trở thành Tập đoàn lớn, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Thông qua nguồn đóng góp này, PVN đã gián tiếp tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác phát triển.
Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế, giá dầu xuống thấp, suy giảm kéo dài nhưng đóng góp của ngành Dầu khí vào ngân sách Nhà nước hằng năm vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 10%.
Đặc biệt, giai đoạn 2007-2017, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì PVN vẫn duy trì đà tăng trưởng, phát triển góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm đều đạt 15-20%; nộp trung bình 20% tổng thu ngân sách hằng năm; tỉ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 13%/năm. PVN đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân và an ninh - quốc phòng…
Với những đóng góp đặc biệt quan trọng đó, lãnh đạo PVN và người lao động Dầu khí bày tỏ mong muốn, thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương sẽ có những nhìn nhận khách quan hơn, tổng thể hơn, đánh giá một cách toàn diện những nỗ lực, đóng góp của PVN. Qua đó giúp dư luận xã hội hiểu hơn về ngành Dầu khí, thêm chia sẻ những khó khăn, vất vả của người lao động Dầu khí.
Bình luận