(VTC News) – Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, các loại án man rợ xảy ra trên địa bàn TP.HCM từ trước tới nay đều có liên quan đến tội phạm ma túy.
Đó là khẳng định của Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP.HCM tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy vào chiều ngày 7/11.
Báo cáo tại buổi làm việc này, thay mặt cho lãnh đạo ngành Công an TP.HCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP cho biết: Tính đến tháng 9/2014, theo danh sách mà TP.HCM quản lý được thì trên toàn địa bàn có khoảng 19.000 người nghiện ma túy, tăng 33% so với năm 2013.
Hầu hết các đối tượng nghiện ma túy đều không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, hoặc nếu có thì cũng không đủ để mua ma túy sử dụng, nên khả năng gây án, chiếm đoạt tài sản, lừa đảo để có tiền mua ma túy là rất cao.
Thiếu tướng Phan Anh Minh nhấn mạnh: Từ trước tới nay, các loại án man rợ xảy ra trên địa bàn như giết người, chặt xác làm từng khúc, chặt tay… khi điều tra ra thì đều có liên quan đến ma túy. Chính vì con nghiện quá nhiều sẽ gây áp lực rất lớn cho lực lượng Công an TP.HCM trong việc đấu tranh, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là vào các dịp lễ, tết.
Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, các loại án nghiêm trọng trên địa bàn TP.HCM đều có liên quan đến ma túy (Ảnh: P.C)
Lãnh đạo ngành Công an TP.HCM cũng đã chỉ ra rằng: Pháp luật còn nhiều điểm bất cập trong công tác xử lý người sử dụng ma túy trái phép. Bởi lẽ, căn cứ theo luật xử lý vi phạm hành chính, lập biên bản người sử dụng ma túy, nhưng sau đó người nghiện không chấp hành, thì người lập biên bản sẽ bị truy trách nhiệm.
Ngoài ra, theo luật thì người nghiện ma túy hoàn toàn có thể tự do đi lại, nhưng lại quy định giao người nghiện cho tổ chức xã hội quản lý là hoàn toàn không khả thi. Lý do, Thiếu tướng Minh giải thích “cho phép đi lại tự do, nhưng lại bắt quản lý thì làm sao mà quản nổi”.
Có quá nhiều vướng mắc trong việc xử lý người nghiện đi cai, nên TP.HCM đành bó tay, để cho người nghiện ở ngoài cộng đồng quá nhiều, gây nhiều bất an cho người dân và cả xã hội.
Lập 2 trung tâm tiếp nhận người cai nghiện tập trung
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM – ông Trần Trung Dũng thông tin: Toàn địa bàn TP.HCM có 14 trung tâm cai nghiện ma túy, có thể tiếp nhận được khoảng trên 30.000 người nghiện, nhưng trong năm nay chưa thể tiếp nhận được người nào, vì vướng luật xử lý vi phạm hành chính.
Hiện TP.HCM đã có kiến nghị cho phép đưa người nghiện đến các trung tâm để quản lý, cắt cơn, giải độc, rồi sau đó luân chuyển. Toàn bộ kinh phí thực hiện sẽ do TP.HCM chi trả. Khi có lệnh của xã, phường địa phương nơi cư trú, các trung tâm này sẽ hoàn tất hồ sơ để đưa người nghiện đi cai.
TP.HCM đề xuất áp dụng thí điểm đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện tập trung (Ảnh minh họa từ internet)
TP.HCM đã hoàn tất phương án chuyển đổi trung tâm cai nghiện Bình Triệu (Quận Thủ Đức), trung tâm cai nghiện Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) để tiếp nhận người nghiện, cắt cơn và điều trị. Nếu được cho phép thí điểm, TP.HCM sẽ bắt đầu thực hiện ngay trong tháng 11 này.
Từ trước tới nay, TP.HCM có khoảng 13.000 cán bộ làm công tác cai nghiện, hoàn toàn có thể đủ sức lo cho hàng chục ngàn người nghiện tham gia cai nghiện tập trung. Nhiều bậc phụ huynh có con em nghiện ma túy cũng muốn đưa tập trung vào các trung tâm để cai nghiện, cắt cơn, phục hồi sức khỏe, do nhiều con nghiện đã lên cơn loạn thần.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, vấn đề người nghiện luôn được Chính phủ quan tâm, lưu ý, nhất là tại 2 địa phương như TP.HCM và Hà Nội. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, phần lớn các loại tội phạm đều xuất phát từ nghiện ma túy, nên cần phải có biện pháp hạn chế tối đa nhất để tránh ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Vị Bộ trưởng này đề nghị TP.HCM cần phải chuẩn bị thật kỹ càng, chu đáo đề án, để khi được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm sẽ không còn bị vướng mắc điều gì, mà chỉ cần thực hiện cho thành công, trôi chảy đề án.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị TP.HCM cần xây dựng quy chế quản lý rõ ràng, quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các bộ phận.
Phương Linh
Bình luận