Lãnh đạo bệnh viện: Không để 'dồn toa' khi gỡ rối khó khăn thuốc, vật tư y tế

Tin tứcThứ Sáu, 10/03/2023 11:26:57 +07:00

Theo lãnh đạo một số bệnh viện, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 gỡ rối những khó khăn cấp bách hiện nay nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.

Trao đổi với PV VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Bệnh viện Việt Xô) cho biết, quay ngược lại mốc thời gian ngày 5/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144 giúp tháo gỡ khá nhiều khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nghị quyết này chỉ có hiệu quả ngắn hạn và từ đó đến nay bộc lộ những khó khăn. Trong đó những hợp đồng được ký trước 5/1/2022, khiến nhiều bệnh viện gặp khó khăn về vật tư y tế. Với Bệnh viện Việt Xô, không có Nghị quyết 30 sửa đổi Nghị quyết 144 đơn vị cũng sẽ rơi vào tình trạng khó khăn. 

“Nghị quyết 30 giải quyết kịp thời cho các bệnh viện. Cụ thể là cho phép thanh toán Bảo hiểm y tế, thực hiện kỹ thuật trên các máy mượn, máy đặt, máy được cung ứng kèm hóa chất hay vật tư tiêu hao, nhất là thực hiện xét nghiệm. Nghị quyết cho phép các cơ sở y tế dùng các máy tài trợ, trao tặng ngay từ khi nhận được trong khi chờ đợi xác lập tài sản công được sử dụng và được Bảo hiểm y tế thanh toán. Đây là điểm rất khác, bởi ngày trước phải mất 1-2 năm chờ xác lập tài sản công mới được sử dụng, thanh toán bảo hiểm. Việc “đắp chiếu” các thiết bị này rất lãng phí, và người bệnh thiệt thòi đầu tiên”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà khẳng định.

Đây là nút thắt cực kỳ khó và kéo dài từ hàng chục năm trước, vì các bệnh viện không thể tự giải quyết được. Do máy mượn, máy đặt không phải là tài sản công, nên không được thanh toán với giá Bảo hiểm y tế quy định. 

Cùng với đó, Nghị quyết 30 cho phép các bệnh viện thí điểm triển khai các gói thầu, mà giá trị các gói thầu được xác định trên tính năng kỹ thuật và nhu cầu sử dụng của chính cơ sở y tế và khả năng tài chính. 

Lãnh đạo bệnh viện: Không để 'dồn toa' khi gỡ rối khó khăn thuốc, vật tư y tế - 1

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Xô trao đổi với PV VOV.VN

“Nếu như chúng ta cứ so sánh cùng một thiết chụp CT, mà mỗi bệnh viện lại thu với giá khác nhau là khập khiễng và rất vô lý. Nó khiến các bệnh viện luôn luôn lo sợ vì bị quy kết vi phạm, thông thầu, thất thoát. Điều này rất nguy hiểm, khiến các bệnh viện không dám mua sắm trang thiết bị”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà hoanh nghênh Nghị quyết 30 giúp tháo gỡ ngay những vấn đề cấp bách của ngành y.

Nhiều lần thẳng thắn lên tiếng về những khó khăn, vướng mắc thuốc, vật tư y tế, máy móc… lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng hoan nghênh khi Nghị quyết 30 và Nghị định 07. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đang đối mặt với các khó khăn chồng chất, nhất là sau thanh tra, kiểm tra vừa qua. “Giờ đây, những khó khăn này đã được tháo gỡ. Đặc biệt, Nghị định 98 đã được thay bằng Nghị định 07 - cho phép nhập khẩu thông quan, cấp phép cho thuốc, các thiết bị vật tư, hóa chất một cách rất thuận lợi”.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trong Nghị quyết 30 chỉ mang tính cấp bách, giải quyết tình thế. Trong nghị quyết cũng đã giao cho các bộ, ngành xây dựng những văn bản pháp quy một cách căn cơ. Đây chính là những biện pháp về lâu dài trong công tác quản lý mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị, hóa chất… của ngành y tế.

Đây cũng là điều Giám đốc Bệnh viện Việt Xô băn khoăn. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Nghị quyết 30 vẫn còn điều khó hiểu: “Tức là cho phép sử dụng, thanh toán trên máy mượn máy đặt nhưng đến khi nào và sau đó ra sao thì điểm này không ghi rõ. Ở điểm a, khi hợp đồng ký trước ngày 5/11/2022 thì thực hiện theo thời hạn hợp đồng. Nhưng nếu sau 1 năm hết hạn thì sẽ như thế nào? Hợp đồng ký từ ngày 5/11/2022 thực hiện đến khi có văn bản mới quy định” là điều khó hiểu và nếu Bảo hiểm y tế dựa vào điều này, không thanh toán nữa thì sẽ như thế nào? 

Với Nghị định 07, lãnh đạo Bệnh viện Việt Xô cũng đặt vấn đề về kê khai giá trang thiết bị. "Vấn đề này làm khó cho chúng tôi, bởi công ty kê khai thiết bị với giá cao thì ai là người kiểm soát giá đấy. Mua dưới giá công ty kê khai cũng chưa đảm bảo an toàn. Đây là điểm chưa rõ”.

Với việc cấp phép nhập khẩu, rất nhiều hóa chất, vật tư y tế hết hạn nhập khẩu đã được gia hạn đến 31/12/2024 cũng tháo gỡ ngay lập tức cho các công ty nhập khẩu hóa chất vật tư y tế, thậm chí đang tồn đọng tại hải quan có thể được thông quan. Việc giấy phép lưu hành cũng được gia hạn đến 31/12/2024 và có một số có giá trị không thời hạn. Tuy nhiên, đến hết năm 2024 thì sau đó ra sao?

“Nếu Chính phủ, Bộ Y tế không cấp phép mới hay gia hạn thì nhiều mặt hàng, nhiều vật tư y tế và hóa chất sẽ hết hạn. Theo tôi, sau năm 2024 sẽ phải thường xuyên cập nhật, và cấp phép chứ đừng để “dồn toa” vào cùng một thời điểm sẽ không ổn. Việc làm dồn, làm gấp cũng sẽ dễ sai sót”,  PGS.TS Nguyễn Thanh Hà đề xuất.

Thiên Bình(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn