• Zalo

Lạng Sơn: Chung tay phòng bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe cộng đồng

Tin nóngThứ Tư, 08/05/2024 17:25:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tỉnh Lạng Sơn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để tuyên truyền phòng bệnh tan máu bẩm sinh nhân ngày Thalassemia Thế giới với 8/5.

Thalassemia (Bệnh tan máu bẩm sinh) là một bệnh di truyền lặn, không phụ thuộc vào giới tính. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng, làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động...

Theo số liệu thống kê của Cục Dân số - Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện có khoảng 13 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số mắc bệnh chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20-40%. Hiện nay, có hơn 20.000 người bệnh đang cần được điều trị.

Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh, trong số này có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh mức độ nặng, cần được điều trị cả đời. Người mắc bệnh tan máu bẩm sinh ở nước ta chủ yếu được điều trị tại các Bệnh viện Nhi Trung ương, Huyết học truyền máu Trung ương và bệnh viện Đa khoa các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có gần 80% người dân là dân tộc Nùng và dân tộc Tày. Theo kết quả “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ gen bệnh Thalassemia của dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” của Bộ Y tế, tỷ lệ mang gen Thalassemia chung của dân tộc Tày, Nùng là 27,5% cao hơn tỷ lệ mang gen chung của các dân tộc ít người sống ở trung du và miền núi phia bắc.

Người dân xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn được cán bộ y tế tư vấn cách phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh.

Người dân xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn được cán bộ y tế tư vấn cách phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh.

Bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh chưa thể chữa khỏi, ước tính mỗi năm Việt Nam cần hàng ngàn tỷ đồng và hàng triệu đơn vị máu an toàn để điều trị tối thiểu cho tất cả các bệnh nhân mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Hiện nay, số lượng bệnh nhân tan máu bẩm sinh đã làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội.

Ngày Thalassemia thế giới (8/5) năm 2024 có chủ đề: “Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”. 

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn Trung tâm y tế các huyện/thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh máu bẩm sinh, cung cấp, cập nhật thông tin về bệnh tan máu bẩm sinh, nguyên nhân gây bệnh và các giải pháp chủ yếu trong điều trị và phòng tránh bệnh.

Phụ nữ sau sinh và trẻ sơ sinh được tiêm chủng theo quy định.

Phụ nữ sau sinh và trẻ sơ sinh được tiêm chủng theo quy định.

Mục tiêu tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguy cơ của kết hôn cận huyết thống với bệnh tan máu bẩm sinh, cũng như tầm quan trọng của hoạt động tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, từ đó giúp cho người dân có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh.

Để truyền tải thông tin tích cực hơn đến người dân, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lạng Sơn đã tập trung tuyên truyền mạnh mẽ về những lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn đối với nữ giới, nam giới trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên, các cặp vợ chồng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phụ nữ mang thai, bà mẹ mới sinh... nhất là các đối tượng có nguy cơ cao.

Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, giúp người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc, biên giới.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm, từ năm 2016, Chi cục đã triển khai và chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai khám sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.

Theo đó, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh gửi Trung tâm Xét nghiệm BIONET Việt Nam (tại Hà Nội) để phát hiện sớm 5 bệnh bẩm sinh. Đây là việc hết sức quan trọng, sẽ giúp các bác sĩ can thiệp và điều trị sớm để trẻ có thể có một cuộc sống bình thường. 

Các hình thức tuyên truyền như treo băng rôn, khẩu hiệu, giao lưu, triển khai khám bệnh tại các cơ sở y tế được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình triển khai tích cực.

Các hình thức tuyên truyền như treo băng rôn, khẩu hiệu, giao lưu, triển khai khám bệnh tại các cơ sở y tế được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình triển khai tích cực.

Ngoài ra, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lạng Sơn đã triển khai chương trình ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên lồng ghép tuyên truyền về lợi ích của việc khám, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn cho học sinh các trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã phối hợp với Phòng GD&ĐT trên địa bàn tổ chức giao lưu, tuyên truyền chuyên đề về bệnh tan máu bẩm sinh, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh cho cán bộ, giáo viên, học sinh các trường THCS và THPT.

Việc đẩy mạnh công tác phòng bệnh, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh, cần chung tay của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, góp phần đẩy lùi căn bệnh và nâng cao chất lượng dân số.

Đỗ Tươi
Bình luận
vtcnews.vn