• Zalo

Làng rượu ‘quốc lủi’ tất bật ngày cận Tết

Kinh tếThứ Sáu, 18/01/2013 12:10:00 +07:00Google News

(VTC News) – Cả làng Tó (xã Tả Thanh Oai) tất bật chuẩn bị những mẻ rượu cung cấp cho thị trường trong đợt Tết Nguyên đán tới mà không hề quan tâm Nghị định 94.

(VTC News) – Cả làng Tó (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, HN) tất bật chuẩn bị những mẻ rượu cung cấp cho thị trường trong đợt Tết Nguyên đán tới mà không hề quan tâm Nghị định số 94 chính thức có hiệu lực từ 1/1 vừa qua đã xóa sổ các cơ sở sản xuất rượu “chui”.


Chính quyền không biết Nghị định(?!)


Theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu (Nghị định 94) từ ngày 1/1/2013, các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu đều phải đăng kí giấy phép sản xuất và tiến tới từ năm 2014 sẽ phải dán tem  để lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên cho đến nay, cả người dân và chính quyền địa phương nơi sản xuất rượu đều chưa biết đến Nghị định này.

"Rượu  quê" vẫn được sản xuất ồ ạt

Chúng tôi có mặt tại xã Tả Thanh Oai, nơi nấu rượu nếp nổi tiếng đất Hà thành và cũng là nơi nổi tiếng bán rượu pha cồn, từ chính quyền địa phương đến người dân đều chưa biết đến Nghị định về Nghị định số 94 của Chính phủ.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là mức độ cảnh giác của các hộ sản xuất tại làng với người lạ đến đặt mua rượu luôn được đặt ở mức cao nhất.

Theo quan sát của chúng tôi, tất cả mọi dụng cụ dùng để sản xuất “rượu quê” đều cất trong nhà vì vậy nếu chỉ nhìn bên ngoài vào khó ai phân biệt được nhà nào nấu rượu, nhà nào không.

Chúng tôi theo chân ông Phan, phó trưởng thôn đến nhà bà Phượng, một cơ sở nấu rượu tương đối lớn trong làng, tuy nhiên khi chúng tôi hỏi thì chủ nhà chối đây đẩy  là nhà không nấu rượu bán, chỉ nấu cho chồng, con uống. Sau một hồi nói chuyện cởi mở, cuối cùng tôi được bà Phượng dẫn xuống nơi nấu rượu, là ở một nhà khác tận trong cùng của 3 phòng trọ cho thuê.

Tại đây bà mở từng mẻ rượu ủ men theo kiểu truyền thống. Bà cho biết gia đình nhà bà chỉ nấu rượu đặt khi khách hàng yêu cầu.
 

“Tôi chưa hề biết đến Nghị định 94, chỉ sau khi trên đài truyền hình phát thông tin gia đình mới biết đến”, bà Phượng chia sẻ. Cũng theo bà Phượng, các quy định này đã làm khó cho dân, “chúng tôi chỉ là cơ sở nhỏ lẻ, mỗi lần nấu vài chục lít để phục vụ dân làng, xin phép mới được nấu rồi lại còn phí nọ phí kia thì lấy đâu ra lãi”.

Tại một hộ nấu rượu khác trong làng, ông Thành chủ hộ cũng lắc đầu khi chúng tôi hỏi về Nghị định 94.

Ông Thành cho biết, bản than chưa nghe đến thông tin nào “kì” thế này, cũng chưa thấy cán bộ xã đến tuyên truyền gì về vấn đề này.

Song, ông cũng bày tỏ quan điểm: “Việc phải được cấp giấy phép, phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác... mới được sản xuất rượu thì chỉ nên  áp dụng với những công ty, cơ sở kinh doanh lớn, còn những hộ nhỏ lẻ trong làng thì khó. Bởi nếu áp dụng như thế thì họ sẽ bỏ nghề hoặc lại nấu vụng, trộm và bán ra thị trường cho những cửa hàng, quán nhậu nhỏ lẻ khác”.

Liên hệ với ông Nguyễn Tiến Hưng, chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai, ông Hưng cho biết, Nghị định 94 ông cũng mới biết được thông qua một số báo viết trên mạng, ông đang chờ hướng dẫn từ trên xuống.

Tuy nhiên khi chúng tôi đi vào làng gặp một số cán bộ xã trực tiếp quản lí về việc cấp giấy phép cho các cơ sở nấu rượu, cán bộ này cho biết, từ khi đài báo nói về vấn đề này, các cán bộ cũng đang lên kế hoạch để thông báo cho các cơ sở nấu rượu.

Vị cán bộ  này cũng cho biết, hộ nấu rượu nào khi được biết về vấn đề này đều kêu khó, bởi mức thu chưa rõ ràng và quá nhiều thủ tục với một cơ sở nhỏ lẻ.

Ông Phạm Văn Tái, một gia đình nấu rượu tại xã Đoàn Kết (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) cho biết, ông chưa nghe thấy Nghị định này, cũng chưa thấy có cán bộ xã nào phổ biến về vấn đề này, tuy nhiên chỉ là cơ sở nấu rượu nhỏ, do có nuôi lợn nên kết hợp nấu rượu thêm, lãi chẳng đáng là bao. Nếu có quy định này chắc sẽ khiến ông và nhiều gia đình nữa bỏ nghề nấu rượu.

Liên hệ với bà Trịnh Thị Mùi một hộ nấu rượu ở thôn Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) bà Mùi cũng chưa hề biết về Nghị định 94, cũng chưa nghe thông báo gì, chỉ nghe con bà loáng thoáng bàn về truyền hình có nói đến Nghị định 94.

Theo bà Mùi, Nghị định này không khả thi, bởi nhà bà không buôn bán kinh doanh lớn, chỉ là ai có nhu cầu đặt hàng thì bà mới làm. Nếu nhà nước bắt buộc thì cũng vẫn phải làm theo thôi.

Quản lí thế nào?

Trước tình trạng rượu không đảm bảo chất lượng, rượu pha cồn... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khẻo người dân, Nghị định 94 ra đời đã siết chặt quản lí mặt hàng rượu từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Đây là một động thái tốt của chính phủ nhằm hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng quản lí như thế nào?
Không ủ cơm rượu trong các chum đất như xưa, giờ đây các hộ ủ cơm rượu trong các thùng nhựa

Dù vào làng Tó, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) thời điểm này, mọi người không còn nhìn thấy công nghệ nấu rượu sắn hay rượu làm bằng cồn và nước lã như trước nữa.

Bản thân ông chủ tịch xã cũng khẳng định, người nấu rượu làng nghề này giờ làm gì còn ai nấu rượu, có còn cũng chỉ còn một số hộ nấu rượu nếp truyền thống nhưng vào ngày 5/5 âm lịch về đây họ mới nấu. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, các gia đình nấu rượu vẫn hoạt động bình thường, chỉ là rút lui vào hoạt động bí mật.

Có hộ không nấu trong nhà mà lại nấu sang một nhà khác trong quẩn thể gia đình của họ. Gặp ai hỏi, họ cũng chối đây đẩy là không nấu rượu bán, chỉ nấu rượu phục vụ gia đình hoặc nấu cho người dân, người làng.

Tuy nhiên tại một số đại lí tổng hợp lớn ở đầu làng, rượu bán buôn, bán lẻ không bao giờ thiếu, kể cả khách hàng có nhu cầu mua đến hàng nghìn lít. Giá cả tùy thuộc vào nhu cầu khách hàng.

Rượu nếp nấu theo kiểu truyền thống là 45.000 đồng/lít, nếu khách hàng có nhu cầu rẻ hơn thì đại lí này cũng đáp ứng bằng loại rượu chất lượng kém theo giá tiền.

Một người dân ở làng Tó tiết lộ, làng này làm cả rượu sắn, thậm chí là nước lã pha cồn lên độ. Cứ ra các đại lí đầu làng hỏi, loại gì cũng có. Rượu pha cồn chỉ bán được cho những quán nước vì giá rẻ từ 15.000 - 18.000 đồng/lít, rượu sắn từ 20.000 - 22.000 đồng/lít.

Thực trạng này cho thấy, nếu Nghị định ra đời mà không quản lí chặt chẽ, không sát xao từ trên xuống dưới thì không những không đi vào cuộc sống mà nó còn khiến cho người nấu rượu lại nấu "chui", và rượu tuồn ra thị trường vẫn là rượu "quốc lủi" như tên gọi một thời của nó.

Minh Đức

Bình luận
vtcnews.vn