Lâng lâng với giai điệu hào hùng của 'Ngày chiến thắng'

VideoChủ Nhật, 30/10/2011 11:03:00 +07:00

(VTC News) - Nhân 70 năm cuộc duyệt binh lịch sử của Hồng quân Liên Xô trước khi tiến thẳng ra mặt trận, xin gửi đến quý độc giả bản hùng ca "Ngày chiến thắng".

(VTC News) - Nhân kỷ niệm 70 năm ngày diễn ra cuộc duyệt binh lịch sử của Hồng quân Liên Xô trước khi tiến thẳng ra mặt trận chọc thủng vòng vây phát xít Đức đang dần thít chặt Matxcơva, xin gửi đến quý độc giả bản hùng ca "Ngày chiến thắng".

Bài hát được viết vào năm 1975, sau 30 năm chiến thắng Phát xít Đức tại Liên xô và các nước châu Âu, được NSND Liên Xô Lev Leshenko trình bày.

Chiến tranh trên bất kỳ đất nước nào cũng giống nhau, đó là sự hy sinh xương máu, những mất mát không gì bù đắp nổi. Mỗi khi nghe đến câu hát: “Mẹ ơi, chúng con đã về đây, nhưng không còn đủ/ Với chân trần đã chạy bộ trên sương mai/ Nửa châu Âu, nửa Địa cầu đã vượt qua/ Rồi ngày đó chúng con đã cố gắng tiến về”, chắc hẳn nhiều người không cầm được nước mắt khi nghĩ đến ngày giải phóng, gia đình được đoàn tụ, nỗi vui mừng trào nước mắt, thương tiếc đồng đội và những người thân đã nằm lại nơi chiến trường…


Loading the player ...

Nguồn: nuocnga.net

Số phận kỳ lạ của bài hát

Vào năm 1975, nhà thơ Vladimir Kharitonov (Владимир Харитонов) gặp nhạc sĩ David Tukhmanov (Давид Тухманов) với lời đề nghị sáng tác bài hát kỷ niệm chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Cả đất nước Liên Xô lúc bấy giờ chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 30 ngày chiến thắng phát xít, trong hội các nhạc sĩ đã công bố cuộc thi viết bài hát hay về chiến tranh.

Chỉ vài ngày trước khi kết thúc cuộc thi Vladimir Kharitonov đã gửi bài thơ của mình cho hội nhạc sĩ. David Tukhmanov đã nhanh chóng viết nhạc và bài hát đã kịp phát trong buổi kiểm duyệt cuối cùng của hội thi. “Ngày Chiến thắng” chẳng nhận được bất kỳ giải thưởng gì.

Trong khi kiểm duyệt, bài hát còn gây các phản ứng gay gắt từ những đồng nghiệp lớn tuổi của nhạc sĩ David Tukhmanov. Thậm chí, các nhạc sĩ già còn chống lại việc phát hành bài hát với những lời chỉ trích cay nghiệt. Chuyện này nhanh chóng được mọi người biết đến qua đài phát thanh, truyền hình quốc gia.


Nguyên nhân: Nhà thơ Vladimir Kharitonov là cựu chiến binh, nhiều bài hát được các nhạc sĩ có tên tuổi viết trên thơ của ông từ những năm 1950 đã giành thắng lợi lớn như nhạc sĩ Anatolyi Novikov, Vano Muradeli và nhiều người khác. Còn nhạc sĩ David Tukhmanov là tác giả trẻ, mới nổi lên trong giới nhạc nhẹ.

David Tukhmanov là nhạc sĩ tài năng, giành nhiều giải thưởng với các bài hát “Chiếc xe điện cuối cùng”, “Những đôi mắt đối diện ấy”, "Vũ điệu trắng”, “Bài ca về người thợ giày”, “Nước Nga ơi, tôi mến yêu người”, “Địa chỉ của tôi- Liên bang Xô Viết”... Nhưng ông chưa hề có danh hiệu hay huân huy chương ngoài giải thưởng Komsomol Matxcơva. Vì thế mà mãi tới năm 1973, ông mới được nhận vào Liên đoàn nhạc sĩ.

Trong thời gian đó tất cả các đường lối âm nhạc của quốc gia đều do Liên đoàn nhạc sĩ lãnh đạo, chủ yếu là những người lớn tuổi. Những người khoảng 30 tuổi và nhiều hơn vẫn coi là chưa trưởng thành. Theo ý kiến của ban lãnh đạo Liên đoàn nhạc sĩ và các nhà lãnh đạo phát thanh truyền hình, David Tukhmanov quá trẻ và không tương xứng với danh sách các tác giả bài hát trong toàn quốc gia.


Một thời gian dài, 'Ngày chiến thắng" bị cấm phát sóng trên radio cũng như trên truyền hình với lý do chả theo một kiểu nhạc gì hết. Tuy nhiên, một cựu lãnh đạo cũ của Đài phát thanh truyền hình quốc gia đã bảo lãnh phát sóng bài hát “Ngày Chiến thắng”.


Người thể hiện đầu tiên bài hát “ Ngày Chiến thắng” là Leonid Smetannikov, được phát sóng trước ngày 9 tháng 5 năm 1975 trong chương trình “ Ngọn lửa Xanh”.


Mãi đến tháng 11 năm 1975, trong buổi ca nhạc mừng ngày Công an, Lev Leshenko thể hiện bài “Ngày Chiến thắng” trực tiếp trong chương trình của đài truyền hình. Công chúng ngay lập tức đón nhận bài hát “Ngày Chiến thắng” và bài hát được hát thêm một lần nữa tại sân khấu. Bài hát nhanh chóng lan truyền trên toàn Liên bang Xô Viết. “Ngày Chiến thắng” nổi tiếng dưới dạng khúc quân hành, và đã được nhiều ban nhạc trên thế giới thể hiện.

P.V (Nguồn: nuocnga.net)

Bình luận
vtcnews.vn