Đời sống

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết'

Chủ Nhật, 21/01/2024 06:13:00 +07:00

(VTC News) - Lượng khách đặt hàng dịp cuối năm giảm hơn 30% khiến người làm trống cổ truyền ở làng Bắc Thai (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) buồn thiu, đứng trước nỗi lo 'mất Tết'.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 1

Thôn Bắc Thai, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà là làng nghề làm trống nổi tiếng, được biết đến như một sản phẩm đặc trưng ở tỉnh Hà Tĩnh. Sản phẩm trống của làng Bắc Thai bền, đẹp, tiếng kêu tròn vang nên được nhiều thị trường khó tính khắp cả nước ưa chuộng.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 2
Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 3

Hiện nay làng Bắc Thai có gần 20 hộ làm trống thường xuyên, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm các loại.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 4

Khác với cảnh nhộn nhịp thường thấy ở các làng nghề dịp cuối năm, năm nay người làm trống tại Bắc Thai ảm đạm do lượng khách đặt hàng giảm mạnh. Các công xưởng nay chỉ lác đác một vài công nhân, nhiều hộ đã phải chuyển sang nghề khác.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 5

Có thâm niên hơn 30 năm làm trống cổ truyền, ông Bùi Văn Tráng (65 tuổi, thôn Bắc Thai) cho biết, so với mọi năm thì năm nay lượng khách đặt hàng Tết giảm khoảng 30-40%. Việc các nguyên liệu đắt đỏ và khan hiếm, khiến lợi nhuận từ nghề làm trống cũng thu hẹp.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 6

“Nếu như mọi năm thì gia đình tôi phải làm việc xuyên ngày đêm mới có thể đủ hàng giao cho khách. Tuy nhiên năm nay đơn hàng giảm, máy móc nhiều lúc bỏ không, lượng khách đến đây chủ yếu là sửa trống”, ông Tráng bộc bạch.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 7

Cũng theo người dân địa phương, nguyên nhân dẫn đến lượng khách năm nay hạn chế hơn nhiều so với mọi năm là do ảnh hưởng của dịch bệnh, một phần cũng do nhiều loại trống không còn phù hợp với thời đại ngày nay.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 8
Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 9

Muốn làm nên một chiếc trống bền, không mối mọt, âm vang xa thì nhất thiết phải có nguyên vật liệu đạt chất lượng tốt. Theo đó, người dân phải vào rừng sâu để tìm cây song (một dạng như cây mây nhưng có thân lớn hơn) làm nịt trống.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 10

Tang trống được chọn lọc từ những thân gỗ mít có độ tuổi từ 50 năm trở lên. Mỗi nan gỗ được xẻ dày 2cm, kích thước mỗi nan tùy theo loại trống.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 11

Phần mặt trống được làm từ bộ da của con bò cái già, ít nhất đã sinh được 10 lứa. Đây cũng là yếu tố góp phần tạo nên thương hiệu trống Bắc Thai được thị trường ưa chuộng.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 12

Ngoài xẻ gỗ thì công việc làm trống được làm hoàn toàn thủ công, để hoàn thành một sản phẩm phải mất từ 7-10 ngày.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 13

Giá bán của trống Bắc Thai không chỉ tùy vào kích cỡ mà còn tùy vào yêu cầu của khách. Hiện tại, trống con có giá 500.000–600.000 đồng/cái, còn các loại trống lớn hơn dao động từ 3.000.000-12.000.000 đồng/cái.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 14

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thạch Hội cho biết, hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn lại 17 hộ dân theo nghề làm trống, giảm khá nhiều so với thời gian trước. Nhiều người dân làm trống trước đây đã chuyển đi nơi khác hoặc chuyển nghề.

Làng làm trống cổ truyền đứng trước nỗi lo 'mất Tết' - 15

“Nguyên nhân nghề làm trống ngày một ít thu nhập là do mặt hàng này không tiêu thụ được nhiều, chỉ bán thời vụ. Trước đó chúng tôi cũng đã thành lập hợp tác xã làm trống để kết nối giúp người dân tuy nhiên hiện nay đã tan rã vì họ còn làm nhỏ lẻ và theo hộ gia đình. Khó khăn nhất hiện tại vẫn là đầu ra cho các sản phẩm”, đại diện UBND xã chia sẻ thêm.

TRỌNG TÙNG
Bình luận
vtcnews.vn