Tối 16/5, Chương trình giao lưu nghệ thuật Huyền thoại Trường Sơn do Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thái Bình Dương và Ban Văn học nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức nhân Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn lịch sử.
Chương trình tái hiện lại những hình ảnh thực tế của một thời gian khổ nhưng oanh liệt, kiên cường bất khuất của bộ đội ta để tạo nên con đường huyết mạch đi vào những trang lịch sử của dân tộc ta - Đường Hồ Chí Minh.
Những cảm xúc ấy, những khí thế ấy được truyền tải qua lời kể sống động của thiếu tướng Tô Đa Mạn, Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Anh hùng lực lưỡng vũ trang nhân dân Phan Văn Quý.
Trong một không gian ấm áp, gần gũi, các khách mời chia sẻ những cảm xúc, những vần thơ về con đường Trường Sơn huyền thoại, cùng những kỷ niệm về quá trình mở đường huyết mạch của người lính năm xưa.
Làm nên huyền thoại Trường Sơn chính là những người lính Trường Sơn. Và nhắc đến những trang vàng đường Trường Sơn, không thể không nhắc đến vị Tư lệnh - Tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Đêm thơ cũng như một lời tri ân tới ông, vị chỉ huy mở đường Trường Sơn, người có công lớn trong vận dụng sáng tạo tư tưởng cách mạng tiến công và nghệ thuật quân sự của Đảng ta và Bác Hồ vào chiến trường Trường Sơn.
Trường Sơn - chiếc đòn gánh thần kỳ, gánh cả hai miền Nam Bắc trở thành đề tài bất tận của nhiều tác giả trẻ ngày ấy. Những hình ảnh "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" được thổi vào thơ ca, âm nhạc và nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng. Mỗi áng thơ viết về con đường này, đều thấm đẫm những thanh âm lịch sử, giữ cho hào khí của một thế hệ anh hùng vang vọng mãi đến tận ngày hôm nay.
“Nói về Văn học thì hiếm có một chiến trường nào được khai thác nhiều như Trường Sơn, nhiều nhạc sỹ cũng có những sáng tác rất hay về Trường Sơn. Chính Văn học Nghệ thuật đã bồi đắp ý chí quyết tâm của người lính, vậy nên trong hoàn cảnh khó khăn như thế, cuộc chiến ác liệt như thế nhưng người lính vẫn vượt qua và hết sức lạc quan, hết sức yêu đời để chiến đấu về độc lập tự do của Tổ quốc", ông Nguyễn Văn Ninh - Trưởng Ban tổ chức Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam nói.
Đến với Đêm thơ Huyền thoại Trường Sơn, nhà thơ Trần Đăng Khoa thể hiện bài thơ Cái cập kênh và bày tỏ sự cảm mến về cái tài, về ý nghĩa từng câu thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Những vần thơ mộc mạc, chân phương phần nào lột tả được sự khó khăn, gian khổ ngày ấy của người lính mở đường, mang đến nhiều xúc động cho các đại biểu và công chúng.
PGS - TS. Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: “Hôm nay tôi đến với cảm xúc, sự biết ơn công lao của các tướng lĩnh, các anh hùng, chiến sỹ, quân đội cũng như thanh niên xung phong đã làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại.
Thực sự trong lịch sử bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc, ít một đất nước nào có một con đường như Trường Sơn, một con đường có ý chí, có khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một con đường mỗi tấc đất đều có máu, có nước mắt của bộ đội ta, của nhân dân ta.”
Nhà thơ Tố Hữu viết Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình. Chắc chắn, những con người đã làm nên một thời Đường Trường Sơn huyền thoại, làm nên kỳ tích anh hùng của dân tộc trong thế kỷ XX sẽ sống mãi trong những vần thơ, những giai điệu, và cả trong tiềm thức của mỗi người con Việt Nam.
Bình luận