Đã có biết bao những cảnh nhà tan cửa nát, con mất cha mẹ, vợ mất chồng, bố mẹ mất con. Nhiều gia đình dòng tộc dẫn nhau vào vòng lao lý. Cơn bão ma tuý tràn qua đã tàn phá mảnh đất này đến hoang tàn và còn để lại những dư chấn nặng nề...
Làng của những tử tù
Chúng tôi về Ngọc Vân đúng vào vụ thu hoạch lúa. Những cánh đồng vàng ươm thơm mùi thóc mới vẽ nên một khung cảnh thôn quê bình yên như bất cứ vùng quê nào tình cờ gặp trên suốt dọc đường Nam - Bắc.
Chỉ nhìn vậy thôi, không ai biết được đây là "tâm bão", là "rốn ma tuý", là "điểm nóng", là nơi trung chuyển và là địa phương có số người tham gia vận chuyển, buôn bán ma tuý đã bị bắt, kết án lớn nhất nhì cả nước. Ngọc Vân, vì ma tuý mà cả chục năm nay, nơi đây không còn yên bình và đẹp như cái tên nó có.
Khác với hình dung của tôi trước khi đặt chân tới nơi đây. Cứ nghĩ rằng đã là "làng ma túy" ắt hẳn kinh tế nơi này phải rất "khủng", nhà cửa phải hoành tráng và người dân cũng phải rất "hiện đại". Vậy mà không, những gì được nhìn thấy trái ngược hoàn toàn với những gì tôi tưởng tượng.
Nỗi đau của mẹ và vợ tử tù Thịnh |
Còn quá nhiều những ngôi nhà cấp bốn lụp xụp, còn quá nhiều những "gia đình ma túy" vẫn phải ăn đói mặc rét sống qua ngày. Theo lý giải của hầu hết những gia đình đó thì, người thân của họ "đi" ma túy nhưng chỉ để phục vụ nhu cầu hút hít, ăn chơi của bản thân chứ hầu hết không có một sự giúp đỡ nào về gia đình. Nên cuộc sống của những người thân không có gì thay đổi.
Khởi nguồn cái nghề này là từ một người phụ nữ quê ở Bắc Ninh lấy chồng về Ngọc Vân. Đối tượng này thường xuyên đi buôn thuốc phiện từ Sơn La mang bán kiếm lời. Từ người đàn bà này đã có rất nhiều người đi theo "nghề", tự lao đầu vào con đường diệt vong.
Đến đầu năm 1999 việc buôn bán thuốc phiện đã được nâng cấp, chuyển đổi sang heroin và ma túy tổng hợp. Khi mức độ lên cao, toàn xã có tới 19 thôn với hơn 170 đối tượng đủ "nam, phụ, lão, ấu" chuyên buôn bán ma túy với số lượng lớn, có tên buôn bán hàng trăm bánh.
Chưa có con số thống kê chính xác tổng lượng ma túy được phân phối qua những tay buôn ở Ngọc Vân là bao nhiêu, thế nhưng có thể chắc rằng nếu ở Ngọc Vân có hàng trăm gia đình chịu hậu quả của ma túy thì đối với xã hội con số, mức độ nặng nề của nó sẽ là cấp số nhân.
Tất cả các đối tượng ở Ngọc Vân bị bắt chỉ có 3 người không biết chữ. Đa số đều nhận thức, ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật và gây nên hậu quả nặng nề cho xã hội nhưng vì lợi nhuận họ vẫn bất chấp. Hàng trăm đối tượng vẫn lao như thiêu thân vào vòng tội lỗi. Đã có 7 kẻ phải đền tội bằng bản án cao nhất, hàng trăm kẻ khác đang phải ngồi tù.
Đau xót hơn, các đối tượng phạm pháp về ma tuý đều để lại cho Ngọc Vân một mớ rối bòng bong, là thân nhân của họ. Nhiều gia đình vắng chồng, mất vợ, nhiều đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của cha mẹ... Hầu hết các gia đình có người phạm tội ma túy đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó.
Có chồng hờ hững cũng như không
Ngôi nhà của tử tù Thân Nhân Thịnh đóng cửa im lìm. Hỏi thăm mới biết, đang ngày mùa nên vợ của anh này là chị Nguyễn Thị Thủy đang đi cắt lúa thuê. Nhờ một người hàng xóm đi tìm hộ. Một lát sau, chị Thủy bước thấp bước cao hớt hải về nhà. Ngôi nhà cấp bốn lụp xụp tưởng như sắp đổ.
Thấy thái độ của tôi có vẻ ngạc nhiên khi chứng kiến gia cảnh nhà mình, chị Thủy mau mắn giải thích: "Ai cũng nghĩ có chồng đi buôn ma túy chắc sẽ giàu có lắm. Nhưng nói thật với chị em chưa từng tơ hào được của anh ấy một xu nào. Mà từ khi anh ấy dính đến cái thứ này là cũng coi như bỏ rơi mẹ con em luôn. Em nghe nói anh ấy có cơ sở hai ở đâu đó".
Ngôi nhà lụp xụp này cũng không phải do tự tay vợ chồng chị cất được mà của mẹ chồng chị cho. Đồ đạc trong nhà từ bộ bàn ghế cũng do bà sắm nốt. Lấy nhau rồi sinh liên tiếp hai đứa con. Mọi việc trong gia đình chị đều phải một tay lo liệu. Từ việc đồng áng cho tới việc cái bóng đèn, đường ống nước trong nhà bị hỏng cũng đều đến tay chị. Chồng chị lặn mất hút, lâu thật lâu mới ghé thăm nhà.
Hồi đó chị cũng bán tín bán nghi chồng dính dáng đến ma túy. Thế nên mỗi lần Thịnh về nhà chị hết nước hết cái nịnh chồng vào miền Nam lập nghiệp nhưng anh ta không nghe. Hắn còn bảo nếu chị thích thì tự đi một mình.
Bất lực trước những bước chân lầm đường lạc lối của chồng, nhiều đêm chị chỉ biết ôm con mà khóc. Hai đứa con một trai, một gái khôn ngoan, kháu khỉnh nhưng hầu như chả mấy khi được bố nó hỏi han. Đầu năm học này, mỗi đứa cũng phải đóng đến vài triệu tiền học phí.
Chạy vạy mãi, nai lưng ra làm thuê chị vẫn chưa lo đủ tiền cho hai con đóng học. Đâu chỉ lo cho hai con ăn học, hàng tháng chị vẫn phải lo tiền để đi thăm nuôi chồng. Chồng chị bị kết án tử nhưng chưa thi hành án nên đều đặn tháng nào chị cũng phải đi tiếp tế cho chồng. Cũng may, ông trời cho chị sức khỏe nên chị làm bất kể việc gì miễn có tiền nuôi con. Từ cắt lúa thuê đến hàng ngày đi xách vôi vữa phụ hồ chị đều làm tất.
Câu chuyện giữa chúng tôi hãy còn đang dở dang thì mẹ chồng chị là bà Đặng Thị Mai bước vào. Nghe nói có người lạ đến chơi nhà nên bà qua thăm. Khi biết tôi là phóng viên muốn đến tìm hiểu gia cảnh của con trai bà, câu đầu tiên bà nói: "Trăm sự nhờ chị có kêu với nhà nước xin cho con trai tôi cơ hội để về nuôi mẹ, nuôi con".
Cuộc đời của người phụ nữ vừa bước vào tuổi 70 này là một chuỗi những bi kịch đớn đau. Bà Mai sinh được bốn người con trai thì hai người đã chết, một người đang chờ thi hành án tử. Nước mắt tuôn rơi, bà lần lượt kể lại sự ra đi của từng đứa con mình: "Cuộc đời tôi khổ lắm. Chồng mất, thằng cả thì chết trong tù vì bệnh xã hội. Nó cũng buôn bán ma túy. Nó mất mãi tận trong trại giam ở Thanh Hóa, nhà đã nghèo thì chớ tôi phải chạy vạy vay mượn tiền của anh em mỗi người một tí để đem xác con về.
Không bao lâu sau, thằng thứ hai cũng bị người anh em trong họ đâm nhầm đến chết. Còn thằng Thịnh, chồng của con dâu tôi đây này. Lúc nó bắt đầu đi, tôi đã khóc van xin nó rằng: Họ Thân nhà mày đi thằng nào là chết thằng đấy. Thôi mẹ xin con ở nhà có rau ăn rau có cháo ăn cháo miễn sao giữ được cái mạng người nhưng nó không nghe vẫn nhất quyết theo anh em bạn bè ra đi. Giờ ra nông nỗi này đây".
Bà bảo, cũng may là thằng con trai út của bà đã rời làng lập nghiệp ở mãi tận Sóc Trăng chứ nếu nó vẫn ở lại cái làng này thì có lẽ cũng đã đi theo bước chân của các anh nó rồi. Nhìn người mẹ già lau từng giọt nước mắt lăn dài trên má mới thấu hiểu nỗi đau thấu tận tâm can khi phải bất lực chứng kiến từng người con lần lượt ra đi. Bốn đứa con trai nhưng bà vẫn phải sống cô quạnh những ngày tháng cuối đời.
Rửa ảnh cưới để tưởng nhớ chồng
Ngay gần nhà chị Thủy là nhà của chị Tạ Thị Hạt, vợ của tử tù Dương Ngô Trung. Khác hẳn với sự xơ xác, khốn khó đến tận cùng của gia đình chị Thủy, ngôi nhà chị Hạt và các con đang ở được xây kiên cố, ba tầng hoành tráng. Chợt nghĩ hai người đàn ông là bạn của nhau, cùng tham gia buôn bán một đường dây, cùng bị bắt một ngày và cùng bị kết án tử hình mà sao gia tài để lại cho vợ con lại khác nhau đến vậy.
Nhưng rồi, những thắc mắc hồ nghi ấy của tôi đã dần dần được giải đáp. Thì ra, họ cũng giống nhau cả thôi. Đó là đi buôn ma túy trước hết cũng để phục vụ nhu cầu của bản thân và bản chất lười lao động nhưng lại muốn có thật nhiều tiền. Tuy nhiên cả Trung và Thịnh đều rất giống nhau, đó là khi đã bập vào buôn bán ma túy họ đều rời xa gia đình của mình và đều có phòng nhì ở nơi khác.
Người phụ nữ với dáng người nhỏ thó, trải qua biết bao sóng gió nhưng trông chị vẫn có gì đó trẻ hơn so với cái tuổi 40. Tuy nhiên, bên trong con người này là hổ lốn những bệnh tật. Chị bảo, chị vừa bị bệnh huyết áp, vừa bị tim, lại vừa bị mắc bệnh trầm cảm. "Tôi đi chạy chữa nhiều nơi lắm rồi nhưng chả ích gì. Đến bệnh viện nào người ta cũng trả về và bảo chẳng có bệnh gì hết. Thế là nhiều người làng đồn tôi là sắp chết vì bị bệnh viện trả về".
Chồng đi ma túy liên miên hết năm này qua năm khác, chị Hạt ở nhà một mình nuôi ba con thơ và cáng đáng việc đốt hai lò gạch. Nhờ có gạch tự đốt được và nhờ anh em mỗi người một ít chị xây dựng cơ ngơi khang trang này. Chị bảo, chị không biết đồng tròn đồng méo nào của chồng. Không biết anh ta có của chìm của nổi gì. Chỉ biết rằng bắt đầu đi ma túy là chồng chị bỏ bê mẹ con chị. Không biết bao lần chị khuyên nhủ chồng từ bỏ cái thứ chết người ấy để về với vợ con là bao lần chị bị chồng đánh những trận nhừ tử.
Mười lăm năm chị một mình trông nom, quán xuyến hai lò gạch. Nhờ có tiền đốt lò nên chị mới có thể một mình nuôi ba đứa con thơ. Nay sức khỏe đã yếu đi nhiều, bệnh tật đầy người nên chị không thể theo nghề đó được nữa. Giờ bốn mẹ con chị cũng chỉ biết dựa vào mấy sào lúa và màu mà thôi. Dù không có sự kèm cặp, nuôi nấng của bố nhưng ba đứa con của chị Hạt vẫn rất ngoan ngoãn và biết yêu thương mẹ. Đứa con gái lớn dù học lực rất tốt nhưng đã phải bỏ dở giữa chừng vì mẹ ốm liên miên rất cần người chăm sóc.
Đứa con gái thứ hai của chị sau một trận ốm nặng người ta kết luận nó bị ung thư vú. Mới hôm qua thôi, chị cùng với một người chị họ đưa con gái mình đi khám bệnh ở tận Việt Trì, Phú Thọ. Lọ mọ đi từ 3 giờ sáng nhưng nhầm đường liên miên, phi một mạch xuống gần Hà Nội rồi lại lộn trở ngược nên mãi đến cuối giờ chiều mẹ con chị mới lên tới Phú Thọ. Lên tới nơi, ông bác sĩ bảo hết giờ nên không khám cho nữa. Chị buồn bã bảo: "Đời tôi đã bao giờ vượt ra khỏi cái bến Cầu Vát đâu".
Ở phòng khách bức ảnh cưới khổ lớn còn rất mới, được treo long trọng ở điểm giữa, tôi hỏi chị Hạt: "Chắc đây là bức ảnh anh chị mới chụp kỷ niệm ngày cưới phải không?". Chị lắc đầu bảo rằng: "Có kỷ niệm ngày gì đâu cô, nghĩ là anh ấy đằng nào cũng chết nên tôi mang ảnh đi rửa lại treo lên đó coi như để tưởng nhớ mà" - Chị nói mà nước mắt tràn mi.
Nhìn người đàn bà nhỏ bé, liêu xiêu trong bóng chiều cuối hạ tôi tự hỏi lòng: "Không biết trong ngôi nhà bề thế ấy đã có phút giây nào chị cảm thấy hạnh phúc hay chưa?"
Theo Cảnh sát toàn cầu
Bình luận