Video: Làng bánh gai truyền thống ở Hà Tĩnh bận rộn ngày cuối năm
Ở làng Khóng thuộc xã Đức Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có nghề làm bánh gai truyền thống nổi tiếng với tuổi đời hàng trăm năm.
Từ lâu bánh gai làng Khóng đã trở thành đặc sản của người dân Hà Tĩnh, thường được dùng vào các dịp ăn hỏi, làm quà biếu. Đặc biệt những ngày cuối năm nhu cầu sử dụng bánh gai càng tăng cao, người dân phải hối hả gói bánh để kịp trả hàng cho khách.
Bà Nguyễn Thị Nho (62 tuổi) cho biết, nghề làm bánh gai do cha ông để lại, chúng tôi cũng không nhớ nó xuất hiện từ khi nào. Trước đây, trong làng có rất nhiều hộ dân làm bánh gai, nhưng do nghề này phải thức khuya dậy sớm, vất vả nên hiện nay các hộ theo nghề đã giảm dần.
“Bánh gai ở làng Khóng hấp dẫn nhiều người vì loại cây gai trồng ở vùng này có mùi vị khác biệt. Trước đây người ta đã thử trồng ở nhiều nơi nhưng không cho kết quả tốt hơn.
Ngoài ra từng loại nguyên liệu của chúng tôi cũng được trộn theo công thức do cha ông để lại, những nguyên liệu đó đều là nông sản của người dân tạo nên thứ bánh mang đậm hương vị đồng quê”, bà Nho nói.
Theo bà Nho, nguyên liệu làm bánh gai gồm lá gai, bột nếp, đậu xanh, mật mía, cùi dừa. Để làm ra một chiếc bánh gai thơm ngon phải trải qua khá nhiều công đoạn.
Trước hết, lá gai sau khi thu hoạch được phơi hoặc sấy khô, tiếp đó cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng, sau đó tiếp tục rửa sạch.
Tiếp đó là gai sẽ được xay nhuyễn và trộn với bột nếp, mật mía thành một hỗn hợp màu sẫm.
Nhân của bánh gai là những viên đậu xanh. Loại đậu này trước khi gói bánh cần phải chọn lựa kĩ lưỡng, sau khi nấu chín thì trộn với cùi dừa rồi vắt thành viên.
Cuối cùng là gói bánh vào trong những tấm lá chuối khô và cho vào hấp cách thủy trong vòng 1 giờ.
Sau khi chín, bánh gai được xếp vào thùng xốp, chờ phân phối ở nhiều cửa hàng, đại lý trong huyện, tỉnh với giá 3.000-5.000 đồng/chiếc.
“Muốn thưởng thức bánh gai ngon phải chờ lúc nó nguội hẳn, khi nóng nó dễ dính vào tay. Bánh gai làng khóng có mùi thơm dịu của hương lúa nếp và đậu xanh, vị ngọt lịm của mật mía không nơi đâu có được”, một vị khách chia sẻ thêm.
Bà Nguyễn Thị Hợi - Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Đức Thọ cho biết, nghề làm bánh gai làng Khóng có từ lâu đời. Hiện có gần 30 hộ dân duy trì nghề.
"Năm 2022 làng nghề bánh gai làng Khóng được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Nghề được truyền lại từ thời ông bà, đến nay có lẽ hơn 100 năm rồi. Công việc không chỉ mang lại thu nhập cao cho các hộ dân mà góp phần tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương", bà Hợi nói thêm.
Bình luận