Cứ đến hè hay những ngày Tết, các ngôi làng ở xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân, Phú Yên) lại hiu quạnh bởi người đã dẫn theo trẻ con lên thành phố hành khất.
Những ngày giữa tháng 6, hàng loạt căn nhà ở làng thôn Soi Nga, xã Xuân Lãnh cửa đóng then cài. Đầu làng cuối xóm vắng hẳn bóng dáng trẻ con. Cụ So Lưới – Giàng làng thôn Soi Nga móm mém: “Chỉ vài đứa lên nương rẫy giữ bò, hầu hết trẻ con theo bố mẹ ra phố". Ông lão cũng giải thích, "phố" ở đây nghĩa là Nha Trang (Khánh Hòa) hoặc Quy Nhơn (Bình Định), nơi mà người làng có thể xin ăn, kiếm được rất nhiều tiền.
Những đứa con riêng của chồng bà Chính kể chuyện được mẹ kế dẫn đi xin. |
Anh Mang Vác (người dân tộc Chăm), trưởng thôn Soi Nga cho biết vào mùa hè được nghỉ học trẻ em ở đây đã theo người lớn đi hành khất. Dừng chân trước một ngôi nhà xộc xệch, anh Vác bảo đó là nhà của chị Mang Thị Chính. "Gia đình có nương rẫy nhưng chị không muốn cơ cực nên ra phố ăn xin. Mấy lần như thế, làng nghiêm cấm, chồng bắt bỏ nghề mới cho về nhà nhưng chị không nghe. Chính dẫn đứa con chung với chồng về quê ngoại ở thôn Xí Thoại, tiếp tục hành nghề rồi", anh Vác nói.
Thất thểu bên hiên nhà, bé gái chưa học hết lớp 5 và cậu em lớp 2 đen nhẻm, gầy còm. Chúng là con riêng của chồng Chính. “Bố lễn rẫy, mẹ Chính bỏ đi phố rồi, anh trai (12 tuổi) của con cũng đang ở phố làm việc”, bé gái nhanh nhảu.
Còn cậu em 9 tuổi đã có 3 năm trong nghề xin ăn, nói rành rọt: “Hồi trước mẹ dẫn cháu và anh trai xuống Quy Nhơn đi xin. Tụi cháu xin từ hàng nước đến hàng ăn, mang tiền về cho mẹ ngồi ở quán đợi. Mỗi ngày cũng xin được mấy trăm nghìn. Đói thì tự mua đồ ăn. Cứ thế từ sáng đến tối mới nghỉ. Tụi cháu ngủ ở công viên, ghế đá, bệnh viện, bãi biển..."
Ngôi nhà của vợ chồng Lơ O Vang bị ngân hàng niêm phong vì nợ nần. |
Lúc đầu, Chính chỉ dẫn các con đi xin vào những ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày được nghỉ. Nhưng sau thấy kiếm được nhiều tiền, người mẹ kế bắt chúng nghỉ học, đi xin quanh năm. "Từ hồi bố bắt mẹ bỏ nghề, anh cháu dẫn cháu đi. Còn giờ, anh trai cháu đang đi xin một mình ở phố", cậu bé nói.
Trưởng thôn chỉ vào ngôi nhà bị niêm phong sát nhà của mấy đứa trẻ, cho biết: “Vợ chồng anh La O Vang đi phố sướng quen rồi, về quê không thèm làm nương làm rẫy nữa. Họ vay 25 triệu đồng tiêu xài, không trả nổi nên phải dắt cả con cái bỏ làng đi. Căn nhà giờ đã bị ngân hàng niêm phong. Hiện chính quyền địa phương và gia đình dòng họ không biết vợ chồng họ ở đâu nữa”.
Theo trưởng thôn Soi Nga, đa phần các gia đình ở đây sống phụ thuộc vào nương rẫy và chăn nuôi bò. Thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng, số tiền này chi tiêu hợp lý cũng đủ sinh hoạt cho gia đình. Trong gần 40 hộ thiếu đất sản xuất phải đi làm thuê làm mướn, có 5 hộ lười lao động bỏ làng đi ăn xin chuyên nghiệp. Nhiều nhà thấy "nghề" này có tiền cũng làm theo. Nạn ăn xin bùng phát mạnh nhất vào tết Nguyên Đán và dịp hè.
“Tết vừa qua có nhà trong thôn huy động toàn lực đi xin hai tuần, về mua được chiếc xe máy Trung Quốc. Nhiều người làng thấy thế lại bắt chước đi theo. Nên dù có tuyên truyền, ngăn chặn họ vẫn cứ làm”, trưởng thôn Soi Nga nói. Anh cũng cho biết, làng quy định, lần đầu đi xin sẽ phạt 200.000 đồng, lần 2 tăng lên 500.000 đồng, lần ba vừa phạt tiền vừa cảnh cáo răn đe. Tuy nhiên, mức phạt này không làm họ kiêng dè.
Hành khất nhí ở thành phố Quy Nhơn. |
Ở xã Xuân Lãnh, những người thôn Soi Nga chủ yếu ăn xin ở Quy Nhơn (Bình Định), thì người thôn Da Dù lại chuyên đi ăn xin ở Nha Trang (Khánh Hòa). Mỗi nhóm trẻ đi xin tiền đều có người lớn đi theo canh giữ. Hiện tượng này rộ lên từ năm 2008. UBND xã Xuân Lãnh phối hợp với Phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân tổ chức tuyên truyền cho bà con hiểu đi ăn xin là xấu nhưng chỉ được một thời gian ngắn là đâu vẫn hoàn đấy.
Ông Hồ Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân (Phú Yên) cho biết, trước thực trạng ăn xin trở thành cái nghề, thành tệ nạn xã hội, chính quyền địa phương đang cố gắng ngăn chặn. UBND xã đã xuống địa bàn 2 thôn Da Dù và Soi Nga tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền. Các thôn đề nghị thay đổi hương ước, nâng mức phạt đối với những người có đời sống ổn định mà vẫn đi ăn xin để răn đe.
Năm 2013, địa phương tiếp nhận 10 người và đưa ra kiểm điểm trước dân. Hồi tháng 3 vừa qua, xã tiếp nhận quản lý thêm hai mẹ con bà Mụng, ăn xin chuyên nghiệp tại thành phố Quy Nhơn, do Sở LĐTB XH tỉnh Bình Định bàn giao. Ngoài những trường hợp do cha mẹ dẫn đi ăn xin, ở xã Xuân Lãnh còn có nhiều trường hợp do các bậc phụ huynh lo bám rừng rẫy kiếm cái ăn mà lơ là chuyện kiểm soát con cái. Ở nhà, bon trẻ theo những người cầm đầu, chuyên quy tập trẻ em lại thành nhóm, dắt đi ăn xin.
Còn Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Bình Định, ông Phan Như Hải, cho biết năm nào cũng phối hợp với chính quyền địa phương xã Xuân Lãnh tuyên truyền, vận động và ngăn chặn tệ nạn người dân từ đó đổ lên Quy Nhơn hành nghề ăn xin. Nhất là dịp hè này có nhiều trẻ con được họ dẫn đến đây.
"Thú thật, Sở nỗ lực làm hết trách nhiệm nhưng chúng tôi ở phần ngọn, chính quyền địa phương phần gốc mà không giải quyết triệt để nên chúng tôi gần như bất lực”, ông Hải nói.
Theo VNE
Bình luận