• Zalo

Lan tỏa những làn điệu dân ca ví giặm

Ca NhạcThứ Ba, 15/11/2022 13:03:00 +07:00Google News
(VTC News) -

"Dân ca ví giặm đã vượt ra ngoài ranh giới tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để đến với đồng bào cả nước, thậm chí ra cả nước ngoài", nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp nói.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 9 năm thành lập Câu lạc bộ Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội và 8 năm UNESCO công nhận dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (27/11/2014), ông Lê Doãn Hợp nói: “Dân ca ví giặm đã đi sâu vào tâm hồn những người con xứ Nghệ, thấm vào làn da, thớ thịt, thấm đến mức ở đâu có người xứ Nghệ là ở đó có dân ca ví giặm. Và vì thế, dân ca ví giặm đã vượt ra khỏi đất Nghệ An, Hà Tĩnh ra với đồng bào cả nước, thậm chí ra cả nước ngoài".

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, phong trào hát dân ca ví giặm trở nên sôi động từ năm 1999, khi UBND tỉnh Nghệ An ra chỉ thị đưa dân ca vào trường học. Từ đó, phong trào dạy và hát dân ca trở nên sôi nổi trong cả tỉnh, từ nông thôn đến miền núi. Đến năm 2014, khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ví dặm càng lan tỏa mãnh liệt.

Lan tỏa những làn điệu dân ca ví giặm  - 1

Ông Lê Doãn Hợp tại buổi lễ kỷ niệm.

Câu lạc bộ Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội ra đời cách đây 9 năm, ngày càng thu hút nhiều thành viên. Cùng chung tình yêu với những làn điệu dân ca xứ Nghệ, họ cùng nhau sáng tạo, biểu diễn và lan tỏa nét độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian này trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội. Các buổi biểu diễn của câu lạc bộ theo đề xuất của các cơ quan, đơn vị, hay trong những lần sinh hoạt thường kỳ đều được khán giả đón nhận nhiệt tình.

Nghe những làn điệu dân ca xứ Nghệ tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Lương Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch nói: "Dân ca ví giặm có lịch sử song hành cùng với lịch sử đất nước. Dù không được sinh ra trên mảnh đất Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng những câu dân ca đã nuôi dưỡng chúng tôi trong cả quá trình phát triển và góp phần giúp chúng tôi được trưởng thành như ngày hôm nay”.

Lan tỏa những làn điệu dân ca ví giặm  - 2

Ông Nguyễn Lương Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chúc mừng CLB Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội.

Lan tỏa những làn điệu dân ca ví giặm  - 3

Một tiết mục biểu diễn tại chương trình kỷ niệm.

Ông Thắng cho biết, 2022 là năm chủ đề xây dựng môi trường văn hóa và công tác tổ chức cán bộ và đến cuối năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng kết, đưa ra các mô hình văn hóa điểm để từ đó nhân rộng ra toàn quốc. "Mô hình Câu lạc bộ Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội sẽ được đề xuất là một trong những mô hình điểm, để dân ca ví giặm cùng với các làn điệu dân ca khác ngày càng đi sâu vào cuộc sống, thấm đẫm tình người, lan tỏa không những ở cộng đồng Việt Nam mà còn ở tất cả các nước trên thế giới”, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh.

Lễ kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Câu lạc bộ Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội và 8 năm UNESCO công nhận Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại do UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Hội đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh tại Hà Nội tổ chức. Tham gia biểu diễn có hơn 200 văn nghệ sĩ, diễn viên quần chúng, nghệ nhân bảo tồn văn hóa đến từ hơn 20 câu lạc bộ ví giặm của Nghệ An, Hà Tĩnh và Hà Nội. Trong đó, có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Vương Hà, NSND Hồng Năm, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Phương Hồng, nghệ sĩ Anh Thơ, ca sĩ Thanh Tài, Vĩnh Toàn…

Tùng Nguyễn
Bình luận
vtcnews.vn