Autralia trở thành quốc gia mới nhất tham gia chiến dịch toàn cầu tẩy chay quảng cáo độc hại, cực đoan, kích động bạo lực, phân biệt chủng tộc trên YouTube của Google, theo tờ Người Australia (The Australian).
Theo thông cáo báo chí được phát đi từ Quốc vụ khanh đặc biệt Scott Ryan, Chính phủ nước này đã áp dụng những hành động cần thiết theo đề xuất của Tập đoàn Truyền thông Dentsu Mitchell.
“Các biện pháp mà Chính phủ áp dụng mang tính chất phòng ngừa, ngăn chặn và quảng cáo được gỡ bỏ khỏi một số trang web. Chính phủ sẽ tiếp tục gửi khuyến cáo đến người dân Australia,” ông Scott được Người Australia dẫn lời, nói.
Quốc vụ khanh Scott cho biết thêm rằng động thái của Chính phủ cũng là nhằm giảm thiểu nguy cơ tiền thuế chảy vào những tổ chức mờ ám qua nền tảng Youtube.
Động thái của Canberra được tiến hành sau khi Chính phủ Anh áp dụng những hành động tương tự trước mối lo ngại Google không thể kiểm soát các chương trình quảng cáo tự động của những thương hiệu danh tiếng trên những nội dung độc hại, cực đoan.
Với việc đại diện Google được Chính phủ Anh yêu cầu đến giải thích, Quốc vụ khanh Scott Ryan cũng nói rằng người khổng lồ Google cũng đã được yêu cầu cung cấp thông tin thường xuyên cho Canberra về các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu những mối nguy hại.
Tờ Người Australia cũng đề cập việc hàng loạt chính phủ và công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới mạnh tay với quảng cáo trên nội dung độc hại, kích động bạo lực, phân biệt chủng tộc, trong đó có Chính phủ Việt Nam.
Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam đã phát hiện những video độc hại và đưa ra những yêu cầu cứng rắn với Google. Sau Chính phủ Việt Nam, tới giữa tháng 3, Chính phủ Anh gỡ bỏ quảng cáo trên YouTube sau khi phát hiện một số đoạn quảng cáo có thể tạo ra lợi nhuận cho những kẻ cực đoan theo chủ nghĩa hãm hiếp hoặc những kẻ truyền giáo không chính thống.
Tạp chí Times tin rằng những kẻ tạo ra video này có thể kiến được khoảng 7,6 USD cho 1.000 lượt quảng cáo được xem.
Đại diện Google bị triệu tập bởi các Bộ trưởng hôm 16/3 để giải trình về việc các đoạn quảng cáo hiển thị kèm clip có nội dung tiêu cực.
Sau Anh, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cũng cố gắng xóa những video này khỏi YouTube. Báo cáo minh bạch 6 tháng đầu năm của người khổng lồ công nghệ này cho thấy 70% video bị gỡ của YouTube đều theo yêu cầu của Chính phủ hoặc cảnh sát Mỹ.
Doanh nghiệp tẩy chay
Cuối tháng 3, làn sóng tẩy chay YouTube nổ ra trong cộng đồng doanh nghiệp. Đầu tiên, ngân hàng lớn nhất Anh quốc đã ngừng quảng cáo trên YouTube và trên nhiều nền tảng khác của Google.
Ngày 22/3, nhà mạng AT&T phản đối các quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh những video có nội dung xấu, tuyên truyền chủ nghĩa khủng bố. AT&T đã tuyên bố sẽ gỡ bỏ quảng cáo khỏi mọi dịch vụ của Google, ngoại trừ dịch vụ tìm kiếm.
Một nhà mạng khổng lồ của Mỹ Verizon cũng tham gia làn sóng tẩy chay Youtube và Google. Verizon nhanh chóng gỡ các quảng cáo này và tiến hành điều tra. Verizon cho biết họ không muốn thương hiệu của họ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nhiều doanh nghiệp khổng lồ cũng xác nhận ngừng sử dụng dịch vụ quảng cáo trên YouTube. Có thể kể một vài tên tiêu biểu như PepsiCo, Walmart, Starbucks, Dish, GM, Johnson & Johnson,…
Tại Việt Nam, làn sóng tẩy chay Youtube cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Đại diện Unilever Việt Nam cho rằng việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp xuất hiện trên các clip có nội dung xấu, độc, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam là không thể chấp nhận.
Google thiệt hại
Trong tháng 3/2017, YouTube lao đao vì nhiều video quảng cáo trên YouTube chứa nhiều nội dung độc hại, mang thông điệp tiêu cực. Nhiều Chính phủ quyết liệt gỡ bỏ những quảng cáo độc hại này. Tiếp sau đó, hàng loạt doanh nghiệp lớn tẩy chay YouTube. Dù rất cố gắng cải thiện tình hình nhưng Google, đơn vị sở hữu YouTube vẫn "bốc hơi" gần 20 tỷ USD vốn hoá trên thị trường.
Trước làn sóng tẩy chay YouTube diễn ra mạnh mẽ, Google có nhiều động thái cải thiện tình hình. Google cho biết hãng đang thuê “rất nhiều người” ngăn chặn quảng cáo xuất hiện trên các video cực đoan của Youtube.
Trên một bài viết blog, Philipp Schindler, giám đốc kinh doanh của Google, đã viết rằng công ty đã bắt đầu các thay đổi xung quanh "chính sách quảng cáo, thực thi các chính sách quảng cáo và những kiểm soát mới cho các nhà quảng cáo”.
“Chúng tôi biết rằng cách nhà quảng cáo không muốn quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh những nội dung không phù hợp với giá trị của họ. Vì vậy, để bắt đầu ngày hôm nay, chúng tôi giữ lập trường cứng rắn hơn về những nội dung xúc phạm, gây hấn”, Philipp Schindler viết.
“Để quảng cáo hiệu quả hơn, điều này bao gồm việc loại bỏ những quảng cáo có nội dung phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính hoặc các vấn đề tương tự. Thay đổi này sẽ cho phép chúng tôi hành động”, Ông cho biết thêm.
Ông Philipp Schindler cho biết Google sẽ gỡ bỏ những nội dung vi phạm trên các video Youtube, kể cả những video có thể kiếm tiền được.
Sau đó, Google giới thiệu hệ thống mới, cho phép các doanh nghiệp bên ngoài xác minh tiêu chuẩn chất lượng quảng cáo trên dịch vụ video, đồng thời mở rộng định nghĩa nội dung xấu.
Dù vậy, Google vẫn không tránh được những thiệt hại nặng nề. Đầu tiên là giá cổ phiếu sụt giảm. Đóng cửa phiên giao dịch 13/4, cổ phiếu Google dừng ở mức 823,56 USD/CP, giảm 14,99 USD/CP so với phiên đầu tiên của tháng Tư và giảm 28,56 USD/CP so với "đỉnh" của năm thiết lập trong ngày 17/3/2017.
Như vậy, vốn hóa thị trường của Google "bốc hơi" 10,4 tỷ USD so với đầu tháng 4 và giảm gần 20 tỷ USD so với ngày 17/3.
Ngoài ra, nguy cơ hao hụt doanh thu của Google đang hiển hiện rõ nét. Theo tờ Financial Times, nhiều khách hàng đang yêu cầu Google giảm giá tiền quảng cáo sau scandal video cực đoan của YouTube. Dự báo, doanh thu của Google có thể sụt giảm nhiều trăm triệu USD.
Bình luận