• Zalo

Làn sóng dịch đang càn quét châu Âu khủng khiếp thế nào?

Thời sự quốc tếThứ Tư, 24/11/2021 10:27:20 +07:00Google News
(VTC News) -

Các nước châu Âu phải áp đặt các biện pháp mạnh trong bối cảnh làn sóng dịch chết chóc đang lây lan mạnh ở hàng loạt quốc gia.

Hôm 22/11, Áo bước vào đợt phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ 3 đang lây lan chóng mặt khắp châu Âu. Ở Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cảnh báo trong vài tháng tới phần lớn người dân Đức sẽ rơi vào 3 nhóm: tiêm vaccine, tự hồi phục hoặc chết. 

"Sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng. Câu hỏi là thông qua tiêm chủng hay lây nhiễm. Chúng tôi đề xuất đạt được mục tiêu đó với vaccine", ông Spahn nói trong một cuộc họp báo tại Berlin.

Các chính phủ châu Âu đang triển khai các biện pháp mạnh để đối phó với làn sóng COVID-19 hiện tại. Mỗi tuần, lục địa già ghi nhận tới hơn 2 triệu ca COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. 

Tuy nhiên, nỗ lực của các chính phủ đang vấp phải sự phản kháng từ người dân. Hàng chục nghìn người ở Áo, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch đổ xuống đường biều tình, phản đối phong tỏa và quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc. Cảnh sát phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán các đám đông quá khích. 

Làn sóng dịch đang càn quét châu Âu khủng khiếp thế nào? - 1

Người biểu tình đối đầu với cảnh sát gần trụ sở EU tại Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Một số cuộc biểu tình được tổ chức bởi các đảng cực hữu, nhưng hầu hết là những người tham gia đã chán ngán với 2 năm bị trói chân bởi các lệnh phong tỏa. 

4 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới

Ahmed Aboutaleb - Thị trưởng Rotterdam cho biết các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành “bạo động”. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thừa nhận người dân có quyền phản kháng. 

"Nhưng tôi không thể chấp nhận việc sử dụng bạo lực để chống lại những người làm việc cho bạn và giữ cho quốc gia của chúng ta an toàn", ông cho hay. 

Châu Âu hiện là tâm điểm của đại dịch, chiếm hơn 1/2 số ca tử vong trên thế giới trong tháng này. 

4 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới trong tuần qua là Áo, Slovakia, Slovenia và Cộng hòa Séc. 

Với chương trình tiêm chủng đang chững lại và mùa đông tới gần, chính phủ các nước châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói đợt bùng phát COVID-19 mới tồi tệ hơn bất cứ điều gì Đức từng trải qua và kêu gọi siết chặt hạn chế để kiểm soát.

Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức thúc giục người dân tiêm mũi vaccine tăng cường. Nhưng nước này cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine Pfizer. 

Tại Áo, các công dân từ chối tiêm chích ngừa vaccine COVID-19 sẽ bị phạt tới 4.000 USD khi yêu cầu bắt buộc tiêm chủng được kích hoạt từ tháng 2 năm sau.

Khoảng 68% người dân Đức, 66% người dân Áo đã chủng ngừa 2 liều vaccine và các bệnh nhân nhân nhập viện hầu hết là những người chưa tiêm chủng. 

Hồi đầu dịch, các nhà khoa học dự đoán tỷ lệ tiêm chủng 70-80% sẽ giúp đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng với dịch lan rộng và xuất hiện nhiều biến thể mới, các chuyên gia tin rằng gần như không thể đạt miễn dịch cộng đồng.

"Phong tỏa với người chưa tiêm chủng"

Tỷ lệ tiêm chủng của châu Âu đang rất chênh lệch. 

Trong khi tỷ lệ chích ngừa các nước Tây Âu khá cao, con số này ở Đông Âu còn khá thấp. 

Séc, Bulgaria mới chỉ tiêm vaccine cho lần lượt 59%, 24% dân số.

Làn sóng dịch đang càn quét châu Âu khủng khiếp thế nào? - 2

Các nước châu Âu áp đặt loạt hạn chế để chặn làn sóng COVID-19 đang càn quét. (Ảnh: Reuters)

Tại Bỉ, dù tỷ lệ tiêm đủ vaccine lên tới 75%, số ca COVID-19 vẫn tăng mạnh. Điều này buộc chính phủ phải áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn. 

Điều này là nguồn cơn dẫn tới đợt biểu tình với 35.000 người tham dự gần trụ sở EU. Đám đông biểu tình ném đá vào cảnh sát, phóng hỏa. 

Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo gọi việc người dân dùng đến bạo lực để phản đối chính sách là không thể chấp nhận. 

Ở Hy Lạp, chính phủ nước này từ tuần này cấm người chưa tiêm chủng tới các không gian công cộng trong nhà. 

Thủ tướng Slovakia tuyên bố "phong tỏa với những người chưa tiêm vaccine" từ 22/11. Slovakia và Séc trước đó cấm người chưa chích ngừa tới nhà hàng, quán bar, trung tâm mua sắm.

Hồi đầu tháng, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) châu Âu, ông Hans Kluge khẳng định việc chậm chạp tiêm chủng dù có đủ vaccine là lý do dẫn tới thảm họa COVID-19 hiện tại ở châu Âu. Ông này cũng cảnh báo lục địa già có thể sẽ ghi nhận thêm nửa triệu người thiệt mạng từ nay tới tháng 2. 

"Chúng ta phải thay đổi chiến thuật, từ đối phó với COVID-19 cho tới việc ngăn chặn nó ngay từ đầu", vị quan chức WHO nói thêm. 

Song Hy(Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn