Buổi họp Bộ chính trị của Đảng Lao động Triều Tiên hôm 12/5 trở nên khác biệt chưa từng có.
Lần đầu tiên, toàn bộ các quan chức tham gia, kể của Chủ tịch Kim Jong-un đều đeo khẩu trang. Nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ tháo bỏ khẩu trang khi phát biểu.
"Đây là lần đầu tiên truyền thông Triều Tiên chiếu hình ảnh ông Kim Jong-un đeo khẩu trang trong một sự kiện công khai. Điều này cho thấy chính quyền Triều Tiên coi trọng tình hình dịch COVID-19 ở nước này như thế nào",Yonhap cho biết.
Hình ảnh khác biệt trên được truyền thông Triều Tiên đăng tải không lâu sau khi Bình Nhưỡng ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên.
Cũng chỉ vài giờ sau đó, quốc gia Đông Bắc Á xác nhận nước này phát hiện hàng trăm nghìn trường hợp có triệu chứng sốt và 6 người chết, trong đó một người nhiễm biến chủng Omicron.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA thừa nhận COVID-19 đã lây lan khắp nước này với "tốc độ bùng nổ" kể từ cuối tháng trước.
Hôm 16/5, KCNA đưa tin đến nay tổng cộng 50 người chết, hơn 1 triệu trường hợp sốt và ít nhất 564.860 người đang được điều trị y tế.
Pháo đài bị xuyên thủng
Triều Tiên được ví như "pháo đài" chống dịch trong suốt 2 năm COVID-19 hoành thành khắp thế giới. Khi các nước gồng mình chống dịch, các báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới đều cho thấy Bình Nhưỡng "miễn nhiễm" với virus SARS-COV-2.
Hồi tháng 7/2020, ông Kim từng phải triệu tập họp khẩn cấp sau khi nhận được báo cáo một người đào tẩu tới Hàn Quốc 3 năm trước trở về thành phố Kaesong và có khả năng nhiễm COVID-19.
Nhưng không có đợt dịch nào bùng phát sau ca nghi nhiễm này.
Kịch bản này đã không lặp lại.
“Dịch bệnh lây lan đã gây ra biến động lớn đối với đất nước chúng ta kể từ khi thành lập", KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un phát biểu tại cuộc họp khẩn của Đảng Lao động ngày 14/5.
Ngay sau khi ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên vào cuối tuần trước, Bình Nhưỡng đã triển khai hệ thống phòng chống dịch khẩn cấp tối đa, đồng thời áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.
Truyền thông Triều Tiên không đề cập tới việc làm thế nào COVID-19 xâm nhập được vào nước này.
Bình Nhưỡng đình chỉ vận tải đường sắt xuyên biên giới với Trung Quốc từ tháng 4 do tình hình dịch bệnh phức tạp ở quốc gia tỷ dân. Nhưng các chuyến hàng vận chuyển đường biển vẫn tiếp tục.
Tờ NK News chuyên phân tích tình hình Triều Tiên đặt giả thiết các thủy thủ Triều Tiên có thể đã nhiễm bệnh khi tương tác với thủy thủ khác trước khi truyền virus cho nhân viên cảng.
Một số chuyên gia khác tin rằng virus có thể đã lây lan trong lễ duyệt binh mà Bình Nhưỡng tổ chức tháng trước. Tại sự kiện với sự tham gia của các quan chức cấp cao, binh sỹ và hàng chục nghìn người dân này, hầu như không ai đeo khẩu trang.
"Mọi người từ khắp nơi trên khắp Triều Tiên tham dự các sự kiện này và có thể đã mang virus trở lại", Park Won Gon - giáo sư tại Đại học Ewha (Hàn Quốc) cho hay.
Trong cuộc họp hôm 12/5, ông Kim ra chỉ thị phong tỏa toàn bộ các thành phố và các khu dân cư. Theo ông Kim, chính quyền phải nhanh chóng loại bỏ virus SARS-CoV-2, ngăn dịch lây lan, đồng thời tiến hành việc chữa trị nhanh chóng.
Nhưng việc dập dịch không phải là chuyện đơn giản với quốc gia chưa từng “cọ xát” với đợt dịch nào trong suốt 2 năm qua như Triều Tiên.
Khác với các nước khác từng phải đối phó với chủng gốc và đủ loại biến chủng của COVID-19, Triều Tiên không có kinh nghiệm đối đầu trực tiếp với dịch.
Trên thực tế, việc trải qua các làn sóng dịch giúp các nước tập làm quen, thích ứng và chủ động đón đầu các đợt dịch mới. Nhưng Triều Tiên không có các bước đệm này.
Ca COVID-19 đầu tiên mà nước này xác nhận nhiễm Omicron - biến chủng lây lan với tốc độ chóng mặt.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Triều Tiên là một trong hai quốc gia duy nhất chưa triển khai bất cứ chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 nào, cùng Eritrea.
Năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố nước này tự phát triển thiết bị xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong khi Nga cho biết đã giao một số nhỏ bộ kít xét nghiệm cho Bình Nhưỡng.
Dù vậy, các chuyên gia lo ngại nguồn lực hiện tại khiến Triều Tiên gặp khó trong việc xét nghiệm hàng loạt.
"Triều Tiên xét nghiệm cho khoảng 1.400 người mỗi tuần. Giả sử làm việc với công suất cao nhất, họ có thể thực hiện tối đa 400 xét nghiệm mỗi ngày, điều đó là không đủ để kiểm tra hàng trăm nghìn người có triệu chứng", chuyên gia Kee Park tới từ Trường Y Harvard, từng làm việc trong các dự án chăm sóc sức khỏe ở Triều Tiên đánh giá.
Bình Nhưỡng hiện xếp cuối trong bảng xếp hạng về khả năng ứng phó kịp thời và giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, theo Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu mới nhất vào tháng 12/2021. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Triều Tiên cũng thường xuyên thiếu hụt nguồn lực.
Trong báo cáo của WHO về Chiến lược Hợp tác Quốc gia 2014-2019, mỗi làng của Triều tiên có 1-2 phòng khám hoặc bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện đều có thiết bị chụp X-quang nhưng Tổ chức Y tế thế giới không rõ về khả năng hoạt động của các thiết bị này.
Thay đổi lập trường?
Suốt 2 năm qua, quốc gia Đông Bắc Á nhiều lần từ chối đề nghị viện trợ vaccine từ các nhóm cứu trợ, WHO, kể cả là người láng giềng thân thiết Trung Quốc.
Nhưng mọi chuyện có thể thay đổi những ngày tới.
Giới quan sát đánh giá việc truyền thông Triều Tiên đăng tải thông tin dày đặc về dịch cũng như việc nước này ban bố tình trạng “khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng” cho thấy với Bình Nhưỡng hiện tại, tình hình đang hết sức cấp bách.
“Việc tiết lộ dịch bệnh bùng phát thông qua KCNA, kênh chính Triều Tiên sử dụng liên lạc với bên ngoài cho thấy rằng nước có thể tìm kiếm sự hỗ trợ về vaccine. Cô lập và kiểm soát là không đủ để giúp vượt qua cơn khủng hoảng mà không cần vaccine”, Yang Moo-jin - giáo sư tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul cho hay.
Chia sẻ cùng quan điểm, ông Kim Sin Gon - giáo sư tại Đại học Y khoa Seoul Hàn Quốc dự đoán Bình Nhưỡng có khả năng thay đổi lập trường, bắt đầu tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị để đối phó với tình hình trong nước.
Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga gần đây đều bày tỏ họ sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên chống dịch.
“Nếu Triều Tiên yêu cầu điều gì đó họ muốn, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng và thảo luận nghiêm túc về vấn đề này", một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho hay.
Nga cũng khẳng định nước này sẽ nhanh chóng xử lý đề nghị hỗ trợ vaccine COVID-19 nếu Bình Nhưỡng yêu cầu.
"Họ hiểu chúng tôi có nhiều kinh nghiệm với COVID-19. Nếu Bình Nhưỡng đề nghị, chúng tôi sẽ nhanh chóng xử lý", ông Peskov nói, nhưng cho biết thêm điện Kremlin chưa nhận được đề nghị nào từ Bình Nhưỡng.
Trong buổi họp báo hôm 13/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ thông cảm với tình dịch ở Triều Tiên, cam kết sẵn sàng hỗ trợ.
Trong khi đó, Mỹ nói nước này ủng hộ cung cấp viện trợ cho Triều Tiên, nhưng Washington hiện chưa có kế hoạch chia sẻ vaccine.
"Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tiêm chủng nhanh chóng cho người dân", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Người phát ngôn của Liên minh toàn cầu về vacine và Tiêm chủng (GAVI) khẳng định nếu Triều Tiên chấp nhận, cơ chế COVAX sẵn sàng cung cấp đủ liều lượng để nước này bắt kịp mục tiêu tiêm chủng quốc tế.
Nhưng kể cả khi tiếp nhận viện trợ, các chuyên gia cũng lo ngại về khả năng lưu trữ vaccine của Triều Tiên.
Cũng có những ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng vẫn sẽ duy trì chính sách 2 năm qua, nói không với viện trợ bởi động thái này vô hình trung phủ nhận nỗ lực chống dịch suốt 2 năm qua của Triều Tiên. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng lo ngại việc các nước chính trị hóa các khoản hỗ trợ.
Go Myong Hyun, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul cho rằng Bình Nhưỡng chỉ đang phát đi thông tin mà họ cho là sớm muộn thế giới cũng phát hiện chứ không phải để cầu cứu.
Các chuyên gia nước ngoài từ lâu hoài nghi về khả năng ứng phó của Triều Tiên đối với một đợt bùng phát dịch quy mô lớn.
Trong trường hợp áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt như Trung Quốc, Triều Tiên chắc chắn sẽ phải gồng mình giải bài toán kinh tế như cách mà quốc gia láng giềng đang phải đau đầu tính toán.
Giới quan sát dự đoán thời gian tới, Bình Nhưỡng sẽ siết chặt việc đi lại của người dân và hạn chế lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Điều này chắc chắn sẽ làm gián đoạn tới nguồn cung và sản xuất.
Nếu không kiểm soát được dịch, Triều Tiên sẽ phải chi một nguồn ngân sách lớn cho việc xét nghiệm và điều trị.
“Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng và tình trạng hỗn loạn mà chúng ta thấy ở Trung Quốc gần đây", Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong ở Hàn Quốc phân tích.
Người dân ở nhiều thành phố Trung Quốc, đặc biệt là Thượng Hải thời gian qua liên tục phàn nàn về tình trạng thiếu hụt thực phẩm, không thể ra khỏi nhà trong nhiều tuần sống trong cảnh phong tỏa ngặt nghèo.
Ở bất cứ kịch bản nào, đợt dịch này được dự đoán sẽ làm căng thẳng thêm nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc trong nhiều năm và thời gian đóng cửa biên giới với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Bình luận