• Zalo

Lan đột biến tiền tỷ biến thành 'của nợ'

Thị trườngThứ Sáu, 27/08/2021 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dịch bệnh COVID-19 hoành hành làm lan đột biến mất giá 7 - 8 lần, những người trót đổ tiền ra mua để nuôi mộng làm giàu giờ chỉ biết ngậm ngùi ngắm và lo trả nợ.

Sau cơn sốt bỏng tay, "bong bóng" lan đột biến vỡ tan vì trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, người chơi không còn điều kiện săn hàng, đầu tư nữa. Lan rớt giá thảm hại khiến những người trót ôm và không kịp xả hàng đành ngậm "trái đắng", mong ngày thị trường hồi phục.

Lan rớt giá thảm, rao bán như... rau

Dạo một vòng quanh những nhóm chơi lan và lan đột biến (lan var) trên mạng xã hội, có thể bắt gặp những bài viết rao bán lan hay những đoạn phát trực tiếp mời tham quan vườn lan và người phát khéo léo mời gọi “giao lưu”, “sưu tầm”.

Thị trường lan vẫn sôi động trong mùa dịch, tuy nhiên người bán thì nhiều còn người mua thì ít. Ở thời điểm hiện tại, giá lan đang rất thấp. Vẫn còn những cây lan đột biến giá cả trăm triệu nhưng cao hơn nữa và đặc biệt là tiền tỷ thì tuyệt nhiên vắng bóng. Trong khi đó, những cây lan giá "mềm" trăm nghìn thì rất nhiều.

Để mời gọi khách mua, nhiều người rao bán ví von đây là “thời điểm vàng bắt đáy” và là “cơ hội” cho những ai muốn đầu tư vào lan. Tuy dày công "đánh bóng" với những mỹ từ nhưng dường như sức nóng của lan không chống chọi được với đại dịch.

Lan đột biến tiền tỷ biến thành 'của nợ' - 1

Hoa lan được rao bán nhiều nhưng người mua thì rất ít.

Anh Hoàng Hoá, chủ một vườn lan tại Hòa Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, do tác động của COVID-19, giá lan rớt rất thảm, có loại đã giảm khoảng 8 lần so với trước dịch.

“Thị trường lan thường sẽ biến động theo chu kỳ mùa. Khi mầm gốc dài lên thì giá sẽ xuống. Đến tháng 9, tháng 10, thời điểm lan thắt ngọn, đứng cây thì giá của lan sẽ cao lên. Tuy nhiên do COVID-19 mà thời điểm đáng lẽ lan cao giá thành ra lại mất giá kỷ lục”, anh Hóa chia sẻ.

Một số chủ vườn lan ở Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Bình Phước cũng xác nhận hiện lan đang mất giá đến khoảng 7 - 8 lần. Đây cũng là đợt rớt giá kỷ lục của thị trường lan trong nước.

Anh Thế Anh, chủ một vườn lan tại Bình Phước dẫn giải, giá lan đang ở mức thấp kỷ lục, mất khoảng gần chục lần so với thời điểm tháng 6/2021: “Lấy ví dụ như loại lan Phú Thọ thời điểm tháng 6/2021 có giá khoảng 1 triệu đồng/cm thì hiện tại giá chỉ còn 200.000 đồng/cm”.

Phần lớn các chủ vườn lan đều khẳng định, đại dịch khiến nhiều người thắt chặt chi tiêu, không còn mặn mà với những thú chơi xa xỉ. Chưa kể, sau khi cơn sốt lan đột biến qua đi, nhiều vụ việc lừa đảo bị phanh phui và cơ quan chức năng vào cuộc, cảnh báo thì người mua cũng cảnh giác hơn. "COVID-19 cũng khiến khách không thể đến giao dịch trực tiếp tại vườn, điều này làm hạn chế thêm sự tin tưởng của khách", anh Thế Anh nói. 

Ngậm ngùi vừa ôm lan vừa lo trả nợ

Mặc dù không muốn chia sẻ về tổng thiệt hại của đợt rớt giá thảm này, nhưng với vườn lan khoảng hơn 1.000 gốc đủ loại, thường có, đột biến có, kie (cây con) mầm có, loại dài hàng chục cm cũng có, áng chừng vườn lan của anh Thế Anh đã mất đi ít nhất hơn 2,5 tỷ đồng.

Anh cho biết, gần đây, chính vào thời điểm lan vẫn khá đắt đỏ (tháng 6/2021) anh cũng đã bỏ ra tiền tỷ để đầu tư thêm khoảng 30 gốc lan Phú Thọ. Kie con của mỗi gốc này khoảng từ 1,5 - 3,5cm. Lúc mua thì 1 triệu đồng/cm, còn giá hiện tại là 200.000 đồng/cm.

Anh Thế Anh thừa nhận, với những người làm kinh tế, chơi lan theo kiểu lướt sóng, mong đổi đời nhanh chóng thì chắc chắn khó vượt qua cú sốc này. Phần lớn những người này thường dốc tiền, mong bán nhanh trong thời gian ngắn để hưởng chênh lệch. Càng mong làm giàu nhanh, họ càng đổ nhiều tiền và thiệt hại vì thế càng lớn.

“Những người xuống tiền khoảng từ tháng 3 - 4, chăm cây đợi đến tháng 9 - 10 giá lên thì bán chắc sẽ cảm thấy mất mát nhiều lắm”, anh Thế Anh nói.

Một người chơi lan (giấu tên) ở Hòa Bình cho biết, hồi đầu năm 2021, anh mua một cây phi điệp Hồng Liên Anh với giá gần 2 tỷ đồng qua sự giới thiệu của một người quen cùng hội nhóm chơi lan. Người bạn này khẳng định với anh rằng, đây là cây chuẩn, vì cây đã ra hoa với bộ cánh màu trắng, đôi mắt và chiếc mũi màu hồng nổi bật, lưỡi hoa màu trắng, gọn gàng... Hơn nữa, loại lan này đang rất được ưa chuộng, giá sẽ nhanh chóng tăng. Nghĩ đây là cơ hội kiếm lời dễ dàng, anh chấp nhận mua, bất chấp việc phải thế chấp tài sản.

Tuy nhiên, mua không được bao lâu thì ở Hà Nội bùng dịch. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, thị trường lan đột biến đang rớt giá mạnh, cây Phi điệp Hồng Liên Anh của anh không ai hỏi mua. Gần đây, trong nhóm chơi lan, cây của anh được định giá chỉ khoảng 500 triệu đồng và vẫn chưa ai muốn mua.

Không chỉ buồn vì không bán được lan, anh còn lo sốt vó vì khoản nợ ngân hàng đều đặn phải trả. "Tôi sắp không cầm cự được nữa rồi. Tiền nằm một đống ở lan nhưng không thể biến thành tiền mặt để trả nợ, cũng không thể thế chấp. Dịch bệnh ngày càng khiến tình hình tài chính của gia đình kiệt quệ", anh nói.

Lan đột biến tiền tỷ biến thành 'của nợ' - 2

Người chơi lan không tiếc tiền để mua được cây lan quý hiếm rồi sau đó mắc cạn. (Ảnh minh họa).

Anh Thế Anh cho rằng lan đột biến được coi là quý hiếm, khác hẳn với lan thông thường. Tuy vậy, nó chỉ được định giá tự do, tự phát và giá trị thật chỉ người trong giới chơi lan mới hiểu. Những giao dịch mua bán hoa lan là giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện, nhiều người mang hoa về, thì mới phát hiện ra mình bị lừa. Do đó, đây là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng lừa bán lan giả hoặc thổi giá cây.

Thêm vào đó, nhiều người nhìn thấy lan đột biến sốt xình xịch nên muốn đổ tiền vào làm giàu trong khi không có kiến thức gì về lan. Đây là những người dễ mắc lừa nhất vì thiếu hiểu biết, không có quan hệ uy tín, dễ mua phải lan giả từ những người bán không quen biết, khó xác định uy tín.

HẠO NHIÊN
Bình luận
vtcnews.vn