Thượng sĩ công an tên K’Diễm (22 tuổi), người dân tộc Mạ (ngụ tại tỉnh Lâm Đồng), được đưa tới Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng đau đầu dữ dội, choáng, muốn xỉu, tay, chân bên trái bị yếu, liệt khi gắng sức.
Trước đó, bệnh nhân đã 3 lần bị tình trạng trên, nhập viện tại địa phương và vài bệnh viện khác trong thành phố nhưng không điều trị được.
Tại Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân được kiểm tra kỹ và phát hiện có một đoạn phình động mạch máu não ở vị trí vùng đáy sọ. Nếu không được can thiệp gấp, cục máu đông tại đây có nguy cơ trôi lên não, gây tai biến đột quỵ.Bệnh nhân được chỉ định kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị túi phình động mạch cảnh trong phải bằng dụng cụ Stent Graft.
Tuy nhiên, chi phí đặt mua thiết bị Stent Graft tại một công ty sản xuất ở Singapore, có giá lên tới 200 triệu, vượt quá khả năng chi trả của bệnh nhân K’Diễm.
Với quyết tâm bằng mọi giá cứu sống bệnh nhân, Giám đốc BV là Giáo sư Nguyễn Đức Công đã trực tiếp đề nghị với công ty hỗ trợ miễn phí thiết bị, còn toàn bộ ê kíp các bác sĩ thực hiện ca can thiệp khẩn cho bệnh nhân K’Diễm.
TS.BS Trần Chí Cường, Giảng viên ĐH Y dược TPHCM, người thực hiện chính trong ca can thiệp cho biết, đây là một ca rất khó, bệnh nhân bị một túi phình bên phải nhưng túi phình này cũng “nuôi” luôn mạch máu bên trái bán cầu não.
Áp lực cho ê kíp rất lớn, nếu ca can thiệp thất bại, làm hư luôn mạch máu nuôi não phải thì bệnh nhân sẽ tử vong vì không còn mạch máu nuôi cả 2 bán cầu.
Ngoài ra, phải sử dụng thiết bị làm sao vừa bảo tồn được mạch máu, vừa điều trị được túi phình. Đây cũng là một trong những ca đầu tiên của Việt Nam được đặt Stent Graft xử lý túi phình động mạch não thành công.
Cũng trong chiều ngày hôm đó, các bác sĩ tại đây đã thực hiện ca can thiệp dị dạng thông động-tĩnh mạch cho bệnh nhân Tô Khá Nghiếm (27 tuổi), người dân tộc Khơ Me, ngụ tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Bệnh nhân Nghiếm là điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Giồng Riềng, Kiên Giang, mắc bệnh lý dị dạng mạch máu bàn tay trái.
Theo các bác sĩ, bình thường, mạch máu từ động mạch chảy qua hệ thống mao mạch, vào tĩnh mạch đổ về tim nhưng ở bệnh nhân này, dị dạng mạch máu khiến máu từ động mạch đổ thẳng vào tĩnh mạch gây nên nhiều đường máu phồng to dị dạng trong lòng bàn tay và chằng chịt trên mu bàn tay, khiến bệnh nhân không thể cầm nắm được, đau đớn. Nếu không được can thiệp xử lý, sẽ bị mất hoàn toàn chức năng của bàn tay.
Các bác sĩ cho biết, cái khó của ca này là bệnh nhân không bị dị dạng một chỗ mà nhiều chỗ, không chỉ can thiệp một lần là xong. Sau ca can thiệp khoảng 1 tháng, bệnh nhân sẽ phải kiểm tra lại, can thiệp thêm 2-3 lần nữa mới có thể điều trị hết bệnh lý dị dạng mạch máu hiếm gặp ở vùng bàn tay.
Video: Hà Nội: Phụ nữ đột quỵ não nghi do dùng thuốc tránh thai
Bình luận