• Zalo

Lần đầu phát hiện 'hành tinh ma' mờ ảo, không có hình dạng cố định

Khám pháThứ Năm, 06/01/2022 07:53:59 +07:00Google News

Một bóng ma vũ trụ khổng lồ, khó giải thích, đã che mờ tới 75% ánh sáng ngôi sao mẹ mỗi lần bay ngang qua.

Các nhà khoa học sử dụng phương pháp "quá cảnh" - dựa vào sự thay đổi độ sáng của một ngôi sao - để xác định và đo đạc thứ bay ngang nó, thường là các hành tinh. Tuy nhiên những thay đổi xảy ra với một cặp sao cách chúng ta 2.300 năm ánh sáng khiến các nhà khoa học kinh ngạc.

Lần đầu phát hiện 'hành tinh ma' mờ ảo, không có hình dạng cố định - 1

Một vật thể mà các nhà khoa học vẫn chưa biết gọi là gì cho phù hợp, được đặt tên là TIC 400799224, được tìm thấy khi các nhà khoa học từ Trung tâm Vật lý thiên văn Havard-Smithsonian (Mỹ) dùng một AI để sàng lọc dữ liệu từ kính viễn vọng không gian TESS của NASA.

Vật thể lạ quay quanh quỹ đạo của cặp sao đôi y hệt cách một hành tinh quay quanh sao mẹ, với chu kỳ 19,77 ngày. Mỗi lần bay ngang tầm nhìn từ Trái Đất đến cặp sao, nó làm mờ đi ánh sáng từ cặp sao từ 35% đến 75%.

Tuy nhiên dữ liệu cho thấy nó không hề là hành tinh hình cầu gọn gàng, mà như cái gì đó không có hình dạng cổ định, với phần lớn "cơ thể" làm từ những đám mây khí bụi mờ đục. Giống như có cái gì bé nhỏ ở giữa nhưng thải ra nhiều khí bụi đến nỗi tạo thành một đám mây ma quái khổng lồ.

"Bản chất của thiên thể này là khó hiểu vì lượng bụi phát ra rất lớn. Nếu nó được tạo thành bởi sự phân hủy của một vật thể như tiểu hành tinh Ceres của hệ Mặt Trời, nó chỉ tồn tại trong khoảng 8.000 năm trước khi biến mất. Tuy nhiên trong suốt 6 năm mà vật thể này được theo dõi, tính tuần hoàn và lượng bụi nó phát ra vẫn còn nguyên vẹn" - tiến sĩ Karren Collins, thành viên nhóm nghiên cứu, phân tích trên Science Alert.

Theo bài công bố vừa đăng tải trên The Astronomical Journal, có nhiều cách lý giải khả dĩ cho bản chất vật thể này.

Thứ nhất, nó có thể là một hành tinh đang bị phân hủy, chuyển từ thế rắn sang trạng thái khí; thứ hai, nó là một hành tinh nhỏ đang có sự tương tác khốc liệt với chính sao mẹ, làm vỡ ra vật chất liên tục, tạo thành những đám mây khí và bụi. Thứ ba, nó hãy còn là một hành tinh non được vây bọc bởi đám mây khí bụi của đĩa tiền hành tinh của sao mẹ.

Trong đó, các nhà nghiên cứu nghiêng về giả thuyết thứ hai, tuy nhiên cũng nhiều người ủng hộ giả thuyết thứ nhất - hành tinh tan rã.

Các nhà khoa học hy vọng những kính viễn vọng hiện đại hơn mà con người tiếp tục tạo ra sẽ giải quyết được bí ẩn.

(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn