• Zalo

Lần đầu công bố Sách trắng Công nghiệp Việt Nam

Kinh tếThứ Ba, 22/10/2019 16:10:00 +07:00Google News

Sáng nay 22/10, Bộ Công Thương giới thiệu Sách trắng đầu tiên về Công nghiệp Việt Nam năm 2019 tại Hà Nội.

Đây là cuốn sách được ra đời với sự phối hợp thực hiện giữa Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.        

Bộ Công Thương cho biết, việc xây dựng Sách trắng là một trong những nỗ lực của ngành hướng tới thực hiện Nghị Quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sách trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019 phân tích và đánh giá hiện trạng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, chỉ ra những nút thắt và các vấn đề bất cập chính cần phải được khắc phục ở cả cấp vĩ mô và cấp ngành đồng thời đưa ra các kiến nghị chính sách nhằm đạt được mục tiêu của Chính phủ là thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng và cải tiến công nghệ có tính đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và già hóa dân số.

sach

Công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức lớn. 

Phát biểu tại Hội thảo Kết thúc dự án và giới thiệu Sách trắng Công nghiệp Việt Nam 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Sách trắng giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp có được thông tin hữu ích về các ngành công nghiệp Việt Nam, và sẽ là công cụ hữu hiệu trong quá trình phân tích, hoạch định chính sách công nghiệp”.

Với vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước với mức đóng góp GDP tăng từ 12% năm 2010 lên 16% năm 2018, tạo ra 9,7 triệu việc làm và luôn duy trì mức đóng góp trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong suốt thập kỷ qua.

Tuy nhiên, đạt được kết quả như vậy Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nói rõ giai đoạn tới để duy trì tốc độ tăng trưởng, cải thiện hơn nữa vị trí trong Bảng xếp hạng cạnh tranh công nghiệp toàn cầu và bắt kịp các nước trong khu vực, công nghiệp Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức to lớn, đặc biệt là những thách thức đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đến từ những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước xu hướng bảo hộ và cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thứ trưởng Hải chia sẻ: “Những thách thức này đặt ra yêu cầu cho ngành công nghiệp Việt Nam phải duy trì và cải thiện hơn nữa những kết quả đã đạt được trong thời gian qua vừa qua, đặc biệt chú trọng đến các chỉ số phản ánh quy mô và chất lượng giá trị gia tăng trong các ngành chế biến chế tạo (MVA)”.

Theo Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Công nghiệp (CIP) của UNIDO năm 2018, Việt Nam xếp thứ 42 trên toàn cầu và thứ 5 trong nhóm các nước Nam và Đông Nam Á. Chỉ số này cho thấy sự cải thiện đáng kể của Việt Nam từ vị trí thứ 69 vào năm 2006. Tuy nhiên giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo của Việt Nam trong năm 2016 chỉ chiếm 14,3% tổng giá trị quốc nội (GDP), giảm so với năm 2006 (19,4%). Tỷ lệ này của khu vực Đông Nam Á là 20,9%. 

(Nguồn: petrotimes.vn)
Bình luận
vtcnews.vn