Làm thế nào ngăn chặn thói quen mút ngón tay ở trẻ nhỏ

Sức khỏeChủ Nhật, 07/07/2019 06:27:00 +07:00

Mút tay là thói quen xấu cần bỏ, nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết cách để trẻ quên đi điều này.

Đeo găng tay

Theo các chuyên gia, đeo găng tay cho con trước khi ngủ là biện pháp tạm thời để ngăn chặn thói quen của trẻ nhỏ nhưng lại rất hữu ích. Bởi để bé làm quen với găng tay không hề đơn giản, cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn đang “bất lực” với thói quen xấu của con mình, hãy tham khảo cách này.

1

 Mút tay là thói quen xấu cần bỏ ở trẻ nhỏ.

Đánh lạc hướng

Cố gắng đánh lạc hướng sự tập trung của trẻ, giúp trẻ phân tâm, không nghĩ đến việc mút tay là phương pháp hữu hiệu hơn cả. Nhưng cũng giống như đeo găng tay, đánh lạc hướng là phương pháp đòi hỏi sự kiên trì của cha mẹ. 

Giải thích cho con hiểu

Bằng lời nói hay hành động (tùy vào độ tuổi và nhận thức của trẻ), cha mẹ nên giải thích cho con việc mút ngón tay ảnh hưởng tới sức khỏe thế nào. Tuy đây là cách làm không mang lại ngay phản ứng bất ngờ và hiệu quả, nhưng sẽ giúp con của bạn hình thành nhận thức mút tay là thói quen xấu, cần bỏ. Theo các chuyên gia, đây được coi là biện pháp khuyên dùng và đem lại hiệu quả nhất.

Không quát mắng con

Đây là một điểm đặc biệt lưu ý khi cố gắng bỏ cho trẻ một thói quen xấu mà các bậc cha mẹ cần nhớ. Bởi hành động quát mắng sẽ gây hại tới sự phát triển của trẻ nhỏ, tạo sự căng thẳng, thậm chí khiến trẻ cảm thấy xấu hổ trước mặt người khác. Ngoài ra, tâm lý của trẻ thường xuyên bị quát mắng lúc nhỏ khi lớn lên sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Tăng cường hoạt động ngoài trời

Thay vì khư khư giữ con trong nhà, bạn nên đưa trẻ ra ngoài chơi đùa cùng những đứa trẻ khác. Một số nghiên cứu đã chứng minh, việc làm này giúp trẻ tránh hình thành thói quen mút tay khi còn nhỏ, tăng cường sự năng động và hỗ trợ mang lại một sức khỏe tốt.

Hãy kiên nhẫn chờ đợi

Để trẻ từ bỏ thói quen mút ngón tay đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn của các bậc phụ huynh, thậm chí, có những người đã thử rất nhiều phương pháp nhưng vẫn chưa cho thấy sự hiệu quả. Bởi việc giúp trẻ hình thành thói quen tốt cần rất nhiều thời gian, công sức mới mong có kết quả. Vì vậy, thay vì nôn nóng, bạn nên kiên nhẫn chờ đợi, con bạn sẽ dần thay đổi tích cực.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn