Mưa sao băng Orionids là gì?
Sao băng Orionids được tạo ra từ những hạt bụi bị cháy của Sao chổi Halley (là sao chổi đi qua mặt trời 75 năm một lần và để lại những vệt bụi dài trên không trung).
Trái đất trên hành trình quay quanh Mặt trời đã đi ngang qua đám bụi này, các hạt bụi bốc cháy ở khí quyển của trái đất, tạo thành mưa sao băng.
Mỗi năm quỹ đạo của Trái đất giao với quỹ đạo của Sao chổi Halley 2 lần. Một lần vào tháng 5 (trận mưa sao băng Eta Aquarid), một lần vào tháng 10 (mưa sao băng Orionids).
Theo chuyên gia khí tượng NASA Bill Cooke, năm nay Mặt trăng sẽ lặn sớm, nhường lại ánh hào quanh cho những hạt bụi Orionids. Như vậy, thời điểm lý tưởng nhất cho việc theo dõi hiện tượng này là vào rạng sáng ngày 21/10, trong khoảng từ 2h đến trước lúc bình minh.
Mưa sao băng Orionids có thể rơi với tần suất 20 hoặc 30 thiên thạch mỗi giờ, có lúc có thể lên tới 80.
Làm thế nào để xem được mưa sao băng Orionids?
Hiện tượng kỳ thú này có thể quan sát được bằng mắt thường, và ở mọi nơi trên thế giới. Tất cả những gì bạn cần làm là tránh ánh sáng trực tiếp 20 phút trước khi bắt đầu quan sát để mắt có thời gian thích ứng với bóng tối.
Hãy nhìn về phía Đông, hơi chếch sang Đông Nam và tìm chòm Orion. Chòm sao này gồm ba ngôi sao sáng nằm thẳng hàng và cách đều nhau tạo thành thắt lưng của Orion.
Nên tìm nơi rộng rãi, ít bị cản trở bởi cây cối hay các tòa nhà cao, hạn chế những nơi có nhiều ánh sáng nhân tạo, vì khi một bóng đèn chiếu vào thì sẽ khó quan sát được bầu trời tối phía trên.
Một số Orionids sẽ xuất hiện rất nhanh và sáng, có tốc độ lên đến 148.000 dặm/giờ (238.000 km/h). Đừng lo sợ rằng các thiện thạch có thể rơi xuống và làm tổn thương chúng ta, hầu hết các thiên thạch tan rã trước khi rơi xuống mặt đất.
Tuy nhiên, bạn chỉ có thể quan sát hiện tượng mưa sao băng Orionids khi trời không mây hoặc rất ít mây. Mặt khác, những khu vực đô thị có mức độ ô nhiễm cao cũng làm ảnh hưởng rất lớn tới việc quan sát.
Bình luận