• Zalo

Làm thế nào để Việt Nam thành cường quốc robot?

Giáo dụcThứ Sáu, 19/10/2012 08:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sẽ có nhiều kỹ sư và các chuyên gia phần mềm từ Việt Nam đi khắp thế giới. Sẽ có nhiều chuyên gia robot thế giới tìm đến Việt Nam.

(VTC News) - Trong những ngày này, dư luận cả nước đang xôn xao về chuyện một số trường tiểu học ở Việt Nam đã đưa môn học hoàn toàn mới mẻ, cực kỳ hiện đại, đó là môn robot vào giảng dạy. Thậm chí, tại Việt Nam, vào ngày 27/10 này, sẽ diễn ra Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em năm 2012.

Ông Lim Een Hong, Giám đốc điều hành Công ty Eduspec Holdings Berhad (Malaysia) 
Môn học tưởng chừng chỉ có ở một vài nước phát triển, lại đã có mặt ở Việt Nam, gây chú ý rất lớn cho các bậc phụ huynh, thậm chí nhà quản lý giáo dục, công nghệ. Phần lớn ý kiến ủng hộ việc đưa môn học này vào nền giáo dục nước nhà, song cũng có một số ý kiến còn bày tỏ sự băn khoăn.

Để rộng đường dư luận, Báo điện tử VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Lim Een Hong, Giám đốc điều hành Công ty Eduspec Holdings Berhad (Malaysia), một công ty đa quốc gia chuyên tìm kiếm sự sáng tạo trong ngành giáo dục.

- Được biết, Malaysia là nước đã đưa môn học robot vào giảng dạy từ mấy năm nay và đào tạo ngay từ tiểu học. Chắc chắn rằng lãnh đạo ngành giáo dục ở đất nước ông đã xác định được tầm quan trọng của môn học này.

Nhưng Việt Nam, nền khoa học công nghệ cũng còn chưa phát triển, theo quan điểm của ông, việc đầu tư cho môn học này vào bậc tiểu học đã cần thiết?


Robot là thiết bị điện tử và các thiết bị cơ khí kết hợp với nhau để tạo thành một thiết bị thuận tiện cho người dân. Hiện tại hay trong tương lai, con người trên khắp thế giới sẽ không ngừng tìm kiếm các thiết bị có thể trợ giúp con người trong cuộc sống hàng ngày vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Robot đặc biệt quan trọng trong các trường hợp có thảm họa nguy hiểm xảy ra. Những môi trường làm việc phức tạp, nguy hiểm, ô nhiễm, cũng cần sự có mặt của robot. Điều này đã được chứng minh từ nhiều chục năm nay. Dù là robot sơ khai, nhưng cũng đã thay con người thực hiện vô số việc mà con người không thể tự tay làm được.

Các bạn đừng nghĩ Việt Nam nghèo, hay còn lạc hậu về công nghệ. Thế giới bây giờ là thế giới phẳng. Ở Mỹ có Iphone, thì ở Việt Nam cũng có chỉ sau vài ngày. Ở Việt Nam người ta cũng đã tạo ra một robot có thể chơi bóng bàn với người, và đó là một thành tựu tuyệt vời đối với một nước đang phát triển.

Tôi tin rằng, nếu phát triển môn học robot, thì trong tương lai, người Việt sẽ làm chủ công nghệ phức tạp này. Sẽ có nhiều kỹ sư và các chuyên gia phần mềm từ Việt Nam đi khắp thế giới. Sẽ có nhiều chuyên gia robot thế giới tìm đến Việt Nam. Việt Nam sẽ nhận được sự đầu tư và sự trợ giúp hiệu quả từ các quốc gia khác. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có cơ hội thành cường quốc robot.

- Qua nhiều năm đưa môn học sáng tạo robot vào trường tiểu học, ông nhận thấy trẻ em tiếp thu môn học này như thế nào? Học sinh lớp 1 ở nước ông tiếp thu môn học cao siêu này có tốt không?

Chúng tôi thậm chí có chương trình robot cho học sinh mầm non. Trẻ em tầm 4 tuổi đang ở đỉnh cao của sự phát triển nhận thức, tư duy logic và những trí tuệ khác. Chúng có thể tiếp thu kiến thức như một miếng bọt biển.

Nếu có sự hướng dẫn đúng đắn thì các em sẽ được học lập trình phần mềm khi còn nhỏ, và loại bỏ tất cả sự căng thẳng từ các học giả, để tập trung và hoàn thành nhiệm vụ được đưa ra cùng với đồng đội.


Đừng nghĩ robot là môn học cao siêu, của những trí tuệ lớn. Môn robot không có gì là khó học cả, vấn đề là học sinh liệu có sẵn sàng để học hay không mà thôi. Nếu các em yêu thích thì sẽ học say mê, tiếp thu rất nhanh, còn không thích thì không nên cưỡng ép. Đây nên coi là môn học tự nguyện, như là môn năng khiếu.

Ông Lim Een Hong: "Cần thiết đưa môn học robotics vào bậc tiểu học... 

- Ngoài những giá trị mà các chuyên gia đánh giá, ông thấy còn có lợi ích gì khác từ môn học này?

Phòng thí nghiệm Robotics là sự tổng hợp của chương trình học thuật với việc học thực nghiệm ngoài lớp. Khóa học này khá thú vị và có thể khuấy động niềm đam mê học tập trong mỗi học sinh. Thông qua làm việc theo nhóm, nhóm 3 học sinh có thể lập kế hoạch chiến lược, nâng cao kỹ năng giao tiếp và tăng cường mối liên kết khi tham gia vào các cuộc thi.

Các em sẽ có cơ hội giao tiếp, học tập từ các bạn bè trên toàn thế giới. Các em sẽ tham gia vào thế giới ảo, thế giới phẳng một cách tự nhiên, hồn nhiên nhất. Đây là nền tảng hoàn hảo cho học sinh có thể vui vẻ học tập thông qua trò chơi, qua đó nâng cao phương châm của Eduspec là "Vì trẻ em, vì tương lai".

- Tư duy của người Việt và các nước khác là khác nhau. Việt Nam chưa thể tự sản xuất được hệ thống robot và giáo trình, mà phải nhập khẩu. Vậy những thứ đó có phù hợp với học sinh Việt Nam hay không?

Chương trình "Robotics cho các trường học" mà Tập đoàn DTT của Việt Nam đã chọn để giảng dạy cũng được sử dụng rộng rãi trong các trường học đối tác khác của chúng tôi tại khắp các quốc gia ASEAN. Bộ Giáo dục của nhiều nước tham gia cũng đang theo dõi chặt chẽ và giám sát chương trình này để đưa vào thực hiện trong kế hoạch giáo dục của nước mình.

Phòng thí nghiệm Robotics cho trường tiểu học bao gồm 6 cấp độ của chương trình đào tạo đã được lên cấu trúc bao gồm các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán. Khóa học được dễ dàng tiếp thu với tất cả các tài liệu được cung cấp trên hình thức đa phương tiện, vui nhộn. Học sinh lúc nào cũng tìm được điều gì đó mới mẻ mỗi ngày trong phòng thí nghiệm robotics.
Học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm quyết tâm giành huy chương quan trọng trong cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em tổ chức ở Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nộivào ngày 27-10 

- Rồi còn đội ngũ giáo viên, đâu phải ngày một ngày hai mà Việt Nam đào tạo được?


 

Tôi tin rằng, nếu phát triển môn học robot, thì trong tương lai, người Việt sẽ làm chủ công nghệ phức tạp này. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có cơ hội thành cường quốc robot.

ông Lim Een Hong
 
Sáng kiến nghiên cứu và phát triển robotics của Eduspec, DES, đã đào tạo các giáo viên Việt Nam. Tập đoàn DTT với các chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu cũng tham gia công tác đào tạo.

Các giáo viên Việt Nam đã được đào tạo bài bản, đủ khả năng để giảng dạy, kiểm soát kỷ luật, và các hướng dẫn kỹ thuật đối với sự chuyển động cho robot.


Tất cả các tài liệu khóa học của chúng tôi đã được thiết kế riêng ở hình thức tài liệu đa phương tiện nhằm giúp giáo viên dạy tốt hơn trong môi trường lớp học.

Hãy tưởng tượng học sinh trung học đi vào phòng thí nghiệm khoa học để tiến hành các thí nghiệm. Tất cả các giáo viên Việt Nam được đào tạo đã vượt qua chương trình đào tạo thành công.


Các nước trên thế giới có phương thức giảng dạy robotics giống phương thức được giảng dạy trong trường học Việt Nam. Trong Eduspec, chúng tôi chuẩn hóa tất cả bài học robot của chúng tôi, cho dù là giảng dạy ở Indonesia, Việt Nam hay Malaysia thì cũng đều tương tự.

Thông qua một môi trường học tập đa phương tiện, học sinh mỗi nhóm (gồm 3 em) sẽ học thiết kế, chế tạo, tải về phần mềm và chạy các robot theo yêu cầu bài học.

 

- Xin lỗi, tò mò một chút. Ý kiến các bậc phụ huynh ở nước ông về môn học robotics thế nào?


Tất cả các bậc cha mẹ đều ủng hộ ý tưởng của một nền tảng thúc đẩy giao lưu văn hóa, hữu nghị và đoàn kết. Thông qua kinh nghiệm quá khứ của chúng tôi trong việc tổ chức các Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em (Digital Youth Awards – DYA), chúng tôi thấy số lượng của các đội tham gia ngày càng tăng.

Mỗi năm, cuộc thi được tổ chức ở một quốc gia khác nhau. Các bậc cha mẹ hỗ trợ đủ để cho phép con cái của mình dù còn nhỏ nhưng vẫn có thể đi du lịch đến các nước khác nhau để tham gia vào cuộc thi robot quốc tế này. Một số cha mẹ đã cố gắng hơn và dành thời gian để đi cùng.


- Ông sẽ giúp đỡ Việt Nam như thế nào để hệ thống giáo dục Việt Nam theo kịp thế giới ở môn học đặc biệt này?


Mỗi quốc gia đang đều đang cố gắng nâng cấp hệ thống giáo dục của mình. Nói chung, việc gửi con đến trường sẽ tạo ra bệ phóng cho các nhà lãnh đạo của ngày mai. Trong một thế giới luôn thay đổi, hệ thống giáo dục đưa ra phải có khả năng đáp ứng yêu cầu của ngày mai.

Nếu chúng ta phụ thuộc vào kiến thức đã lỗi thời thì các em sẽ không có khả năng để theo kịp với công nghệ và do đó cũng không thể theo kịp đông đảo giới lao động tri thức thế giới.

Đội tuyển Robotics Việt Nam thi đấu ở Indonesia năm 2011 

Phòng thí nghiệm Robotics sử dụng công nghệ robot như một công cụ học tập để giúp học sinh học tập thông qua trò chơi. Với nhiều chủ đề thú vị và cạnh tranh khác nhau, học sinh được yêu cầu phải hoàn thành nhiệm vụ trong một nhóm 3 học sinh.

Nếu Việt Nam ở trong khu vực đang phát triển thì cần xem xét môn robotics trong trường học, để nâng cao chất lượng tổng thể của trường, nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ của ngày mai, đồng thời tạo ra được những công nhân tri thức lành nghề và đủ kỹ năng.


Qua thực tế nhiều lần tại nước bạn, bản thân tôi thấy rằng môn học robotics được học sinh Việt Nam chấp nhận và chúng tôi đang xem xét tăng số lượng tuyển sinh của các trường học và học sinh tham gia trong cuộc cách mạng toàn cầu robotics.

Xin cảm ơn ông!
Ông Lim Een Hong là Giám đốc điều hành Công ty Eduspec Holdings Berhad (EHB).

Khi khởi nghiệp, ông Lim là một luật sư. Trước khi tham gia vào Công ty EHB, ông Lim là người sáng lập và đối tác quản lý của Messrs EH Lim, Lee & Partners (Advocates & Solicitors).

Từ khi tham gia vào ngành giáo dục, ông Lim đã cung cấp nhiều chương trình và hệ thống có chất lượng tốt hơn cho ngành này. Tập đoàn EHB đang làm việc rất hiệu quả với nhiều công ty đa quốc gia như Microsoft, Educare of Singapore và Bộ giáo dục (MOEs) của các nước Đông Nam Á.

Ông cũng đã chủ động ký hợp đồng với nhiều đối tác khác trong ngành công nghiệp nhằm tìm kiếm sự phát triển tốt hơn về chất lượng của ngành giáo dục.

Bên cạnh Malaysia và Singapore, Ông Lim còn mở rộng chi nhánh ở các quốc gia khác như Indonesia, Việt Nam và Philippines.

Ông Lim cũng là Giám đốc Phi Điều hành Độc lập của Tập đoàn Ecofirst Consolidated BErhad, một tập đoàn đa quốc gia về phát triển đồn điền, nhà cửa, và khai thác mỏ.

Eduspec là nhà cung cấp những tài liệu công nghệ thông tin cho các trường tiểu học và trung học kể từ năm 1984. Eduspec tin rằng tích hợp công nghệ thông tin truyền thông vào hệ thống giảng dạy sẽ đáp ứng được tri thức cho lực lượng lao động thế kỷ 21. Eduspec cũng đã xây dựng nhiều giáo trình công nghệ thông tin và phần mềm giáo dục nhằm đổi mới công tác dạy học trong trường học.

Quân Anh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn