• Zalo

Làm thế nào để sống dư dả trên thành phố đắt đỏ nhất hành tinh

Kinh tếThứ Tư, 18/03/2015 07:26:00 +07:00 Google News

Những cách để sống dư dả trên thành phố đắt đỏ nhất hành tinh

(VTC News) - Trong khi chi phí để sống tại Singapore - thành phố đắt đỏ nhất hàng tinh đang tăng đều hàng năm thì vẫn có những cách để người dân sống thoải mái, dư dả mà không lo túng thiếu tại thành phố này.

1. Về phương tiện đi lại

Dù Singapore đã tăng phí xe bus từ 2 lên 5 cent trong tháng 4 thì việc sử dụng phương tiện công cộng vẫn tiết kiệm chi phí hơn so với nhiều thành phố khác trên thế giới.

Theo một so sánh đưa ra bởi Hội đồng Giao thông vận tải Singapore trong tháng 1/2015, với quãng đường 10km thì việc dùng xe bus chỉ tốn khoảng 1,33 USD, còn tàu điện ngầm là 1,48 USD. Mức giá này rẻ hơn so với ở Hồng Kong (1,67 USD – 2,92 USD), New York (3,28 USD) và Tokyo (4,17 USD).

Một vài trung tâm thương mại còn có dịch vụ xe buýt miễn phí trong khung giờ nghỉ trưa hoặc vào những ngày cuối tuần. Có thể kể tới trung tâm thương mại Parkway Parade thuộc tập đoàn Marine Parade, trung tâm thương mại Marina Square hay như tập đoàn đồ nội thất IKEA, chuỗi của hàng Tampines...

Dịch vụ xe buýt đưa đón miễn phí giữa ga tàu điện ngầm Bukit Gombak và trung tâm mua sắm HillV2.
Để tiết kiệm trong việc đi lại, việc bắt taxi trong giờ thấp điểm cũng là một phương án.
Chi phí cho một quãng đường 10km bằng phương tiện taxi trong giờ thấp điểm là 9,8 USD, đã bao gồm phí đợi trong 5 phút. Nếu ở Hong Kong thì mức giá sẽ vào khoảng 14,71 USD, tại New York là 26,62 USD.

Gửi xe miễn phí vào một số khung giờ nhất định cũng sẽ giúp tiết kiệm kha khá, tuy nhiên chỉ dành cho những người có ý định chỉ thăm quan mà không mua sắm khi đến các trung tâm thương mại.

Bãi đỗ xe của HDB không tính phí từ 7 đến 10h30 các sáng chủ nhật và những ngày lễ.
Bãi đỗ xe của HDB thường không tính phí từ 7 đến 10h30 nhưng chỉ trong các sáng chủ nhật và những ngày lễ. Trung tâm thương mại City Square cũng chỉ miễn phí đỗ xe cho khách hàng trong 1 tiểng 30 phút đầu tiên vào khung giờ 12h - 14h các ngày trong tuần.

2. Về thực phẩm ăn uống

Với những người đang cần phải tiết kiệm chi tiêu thì các quán ăn và quán cà phê ngoài trời là một lựa chọn thông minh. Nhà hàng Avenue Deen tại King George vẫn bán bánh Prata đồng giá 80 cent, trong khi ở những nơi khác là 1 USD.

Bánh Prata
Một bát mì chả cá chỉ với 2,5 USD tại Le Cong Noodle House ở phía nam phố Bedok, còn ở các quán khác trung bình một bát là 3 USD. Tương tự một đĩa cơm trộn rau và thịt tại nhà hàng Fei Zai ở Trung tâm ăn uống Maxwell, phố Kadayanallur có giá chỉ khoảng 2,5 USD, rẻ hơn 0,5 USD so với giá thông thường.

Với 1 USD, tại trung tâm ăn uống Maxwell người ta có thể mua được 6 miếng bánh hum-chim-peng, một loại bánh bột chiên của Singapore, hoặc cũng có thể thưởng thức một bát súp đậu phộng.Số tiền này còn có thể dùng để mua một chiếc hotdog ở IKEA.

Một cốc sữa đậu nành với mức giá rẻ không tưởng, chỉ 30 cent ở chợ Kovan Hougang. Mức giá này đã được giữ trong nhiều năm qua, rẻ hơn cả giá của một ly nước khoáng trong một số cửa hàng thực phẩm khác.

3. Về chăm sóc sức khỏe

Tại Singapore có một số chương trình trợ cấp cho người dân như Medisave, Medifund, Medishield và Eldershield. Ngoài ra còn có các chương trình hỗ trợ khác như Để án Y tế Cộng đồng hoặc chương trình Chas.

Đây là những chương trình giúp giảm gánh nặng về chi phí y tế cho người cao tuổi, cũng như cho những thành viên trong các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình.


Một số phòng khám đa khoa tư nhân cũng cung cấp một số gói dịch vụ giá rẻ. Chi phí để được tư vấn y tế đối với người dân Singapore là khoảng 11 USD, trong khi đối với người nước ngoài là là từ 41,7 USD đến 44,62 USD.

Tại Singapore cũng có những phòng khám giá rẻ như phòng khám Buddhist chuyên cung cấp các dịch vụ y học truyền thống của Trung Quốc. Trong đó một vài dịch vụ châm cứu và điều trị mà người dân không phải trả phí, chỉ phải đóng 1 USD để đăng ký điều trị.
Phòng khám Buddhist Singapore
Cũng giống như phòng khám Buddhist, nhiều phòng khám công cộng khác cũng cung cấp các dịch vụ y tế với giá rẻ, chi phí chỉ khoảng 2 USD cho mỗi lần đăng ký. Bên cạnh đó có Viện Y khoa Chung Hwa cũng cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí hoặc với mức giá rẻ so với những nơi khác.

Theo công bố của ngân hàng Deutsche, chi phí cho bảo hiểm y tế cơ bản tại Singapore hàng năm là khoảng hơn 113 USD.Gói bảo hiểm y tế cơ bản ở Singapore được xem là có giá phải chăng hơn nhiều so với ở các nước như Úc, Nhật Bản, Pháp thường có giá từ 1.500 USD tới 2.000 USD. Ở Mỹ, chi phí bảo hiểm y tế còn lên tới 5.884 USD/năm.

4. Về vui chơi giải trí

Một suất xem phim vào cuối tuần có giá từ 12 – 13 USD vào những ngày cuối tuần. Trên thực tế thì mức giá này vẫn rẻ hơn so với ở Trung Quốc (16 - 24 USD) và Nhật Bản (22 USD). Tuy nhiên thay vì việc phải bỏ ra 1 khoản tiền như vậy, người Singapore hoàn toàn có thể được xem phim miễn phí.

MovieMob, một hãng chuyên tổ chức các buổi chiếu phim ngoài trời sẽ có những buổi chiếu phim miễn phí thường xuyên tại quảng trường Marina Bay Sands.
Một số buổi chiếu phim miễn phí khác cũng được tổ chức ở trung tâm mua sắm và trung tâm cộng đồng đông đúc của thành phố.

Một buổi chiếu phim “Chiến tranh giữa các vì sao” trong đợt chiếu phim miễn phí của MovieMob
Với chiến dịch tiếp cận cộng đồng của dàn nhạc giao hưởng Singapore, khá nhiều buổi hòa nhạc được tổ chức miễn phí tại các địa điểm ngoài trời như vườn Botanic hay Gardens By The Bay. Tại nhà hát Esplanade Concourse cũng thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn miễn phí vào mỗi tối cho công chúng.

Một buổi hòa nhạc ngoài trời miễn phí của dàn nhạc giao hưởng Singapore
Tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, nơi có những bộ sưu tập nghệ thuật Đông Nam Á đương đại lớn nhất thế giới thường mở cửa tự do cho khách vào tham quan mỗi sáng thứ sáu, từ 6h – 9h.

Về việc mượn sách, đọc sách tại thư viện công cộng của Singapore, mọi người dân đều có thể mượn sách và tài liệu miễn phí từ 27 chi nhánh thư viện trên cả nước, người nước ngoài thì chỉ phải trả 42,8 USD để đăng ký làm thành viên trong vòng một năm.

Trong trường hợp chậm hạn trả sách thì tiền phạt của thư viện cũng không quá đắt, trừ khi người đó trễ hạn quá lâu. Phí quá hạn là 15 cent/ngày cho một cuốn sách hay một tờ tạp chí, 50 cent/ngày với một tài liệu đa phương tiện.

Khám phá vũ trụ là một sở thích đắt đỏ đòi hỏi phải đầu tư một khoản tiền kha khá vào các loại kính thiên văn và một số loại thiết bị khác. Tuy nhiên người Singapore có thể thỏa mãn sở thích đó mà không mất đồng nào.

Những khách thăm quen ngắm sao Kim qua một kính viễn vọng tại Đài quan sát của Trung tâm Khoa học tại Nhà hát Omni.
Trung tâm Khoa học Singapore tại Nhà hát Omni thường mở cửa miễn phí Đài quan sát thiên văn vào mỗi tối thứ Sáu. Đây cũng là lúc các nhóm yêu thiên văn học tổ chức các bài giảng miễn phí và thực hành việc sử dụng các loại kính viễn vọng.

Tại Singapore còn hay có các khu vui chơi miễn phí dành cho trẻ em, như tại công viên East Coast, công viên Gardens By The Bay hay tại các trung tâm mua sắm như Marina Square, sân bay quốc tế Changi.

5. Về tham quan, du lịch

Nếu chỉ đi dạo và thưởng ngoạn kiến trúc độc đáo của khu Supertrees trong tổ hợp công viên rộng lớn Gardens By the Bay thì quan khách sẽ không mất đồng nào. Đây là điểm nhấn của công viên này với những kiến trúc độc đáo, được mô phỏng theo hình thân cây thẳng đứng cao tới 50m.

Du khách đang thưởng ngoạn một màn biểu diễn ánh sáng ngoạn mục tại khu Supertrees thuộc tổ hợp Gardens By The Bay.
Công viên Botanic là di sản thế giới đầu tiên của Singapore được UNESCO công nhận. Và để vào thăm quan tại đây sẽ không cần phải mua vé. Trong công viên có những đồng cỏ trải dài cho khách ngồi đắm mình trong ánh sáng mặt trời, ngắm nhìn mọi người xung quanh đi dạo và vui đùa với những chú cún cưng của mình.

Điểm tham quan Singapore từ trên cao không phải lúc nào cũng đi kèm với mức phí đắt đỏ. Tầng 56 của tòa nhà ION Orchard cao 218m so với mặt đất cho phép mọi người đến chiêm ngưỡng Singapore từ trên cao mà không cần phải mua vé, mở cửa liên tục từ 10h30 -20h00 hàng ngày.

Cảnh đẹp Singapore nhìn từ trên cao
Về du lịch, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore còn thường tổ chức những chuyến thăm quan toàn thành phố cho các du khách muốn khám phá vẻ đẹp của quốc gia này. Trong chương trình, người tham gia sẽ được miễn phí về đi lại, được cung cấp đồ uống và có hướng dẫn viên đi cùng.

Ngoài ra, nằm trong chiến dịch Tourism50 của Hội đồng Du lịch Singapore khuyến khích người dân Singapore đến thăm những điểm du lịch trong nước, công viên Haw Par Villa được mở cửa miễn phí cho tất cả mọi người.

Haw Par Villa hấp dẫn khách du lịch bởi 1.000 bức tượng miêu tả nét văn hóa dân gian Trung Quốc.

6. Về mua sắm

Để mua được những món đồ với giá hời, người dân ở đây thường đi tới những khu mua sắm truyền thống như Bugis Village hoặc Far East Plaza, ngoài ra còn có các cửa hàng trong khu vực Yishun, Toa Payoh và Ang Mo Kio. Ở những nơi này, người ta sẽ mua được một đôi xăng-đan đẹp với giá chỉ từ 10 đến 15 USD.

7. Về thể dục thể thao


Thay vì trả tiền để trở thành thành viên của một trung tâm thể dục, người ta có thể sử dụng phòng tập thể dục công cộng trong khu phố mình ở, những hồ bơi công cộng cũng chỉ mất phí 1 USD vào các ngày trong tuần, 1,3 USD cho các ngày cuối tuần.

Những vận động viên trong một cuộc đua đi bộ tại Trung tâm thể thao Singapore vào ngày 27 tháng 6 năm 2014.
Sử dụng sân cầu lông công cộng sẽ chỉ mất từ 3 - 9 USD/giờ, tùy thuộc vào giờ cao điểm hay vào các tối ngày cuối tuần, tuy nhiên cũng có một số sân bóng rổ, sân cầu lông hay sân bóng đá công cộng miễn phí ở một số khu phố.

Người dân ở Singapore cũng có thể nhận được vé miễn phí để xem các môn thể thao như điền kinh, quần vợt và bowling trong SEA Games sắp tới tại Singapore. Các lượt thi đấu sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 16/6, và sẽ được tổ chức tại 31 địa điểm thi đấu trong ba cụm thuộc Kallang, Marina Bay và khu vực Singapore Expo.

Huyền Trân (theo Straitstimes)
Bình luận
vtcnews.vn