Chiều 18/11, Trung tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an đã có buổi chia sẻ với các học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) về chủ đề: “Kỹ năng phòng ngừa tội phạm chiếm đoạt bắt cóc trẻ em”.
Đây là một trong số các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng sống dành cho các em học sinh của trường. Tại buổi nói chuyện, Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc nhận biết các dấu hiệu của loại tội phạm bắt cóc trẻ em, nhất là đối với các em học sinh. Mở đầu chương trình, Trung tá Hiếu đặt câu hỏi các em học sinh sẽ làm gì khi bị lạc bố mẹ trên bãi biển hoặc công viên đông người? Trả lời câu hỏi của Trung tá Hiếu, có em nói sẽ chủ động tìm tới những đồn công an gần nhất, em khác thì chỉ gọi to và nhờ người lớn trợ giúp… “Đối với những người đã từng quen biết với gia đình nhưng lâu rồi không có liên lạc, qua lại gì thì các em tuyệt đối không được nghe theo lời dụ dỗ của họ đi chỗ nọ chỗ kia. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy các em sẽ rất có thể trở thành nạn nhân của tội phạm bắt cóc trẻ em”, Trung tá Hiếu nhận định. Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, việc các em học sinh công khai thông tin cá nhân của mình như địa chỉ, số điện thoại… lên mạng xã hội đã vô tình góp phần làm tăng nguy cơ bị các đối tượng buôn người nhắm tới và tìm cơ hội để ra tay. Tuy nhiên, thực tế sẽ diễn ra rất nhiều tình huống phức tạp khác nhau. Điều này đòi hỏi các em học sinh cũng cần phải bình tĩnh, suy xét chọn cách xử trí thông minh nhất để thoát thân. Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học (Bộ công an) nói: "Tội phạm buôn người thường nhắm đến trường học vì vậy việc trang bị kỹ năng là rất cần thiết để các con ứng phó khôn khéo khi gặp tình huống xấu. Qua buổi học tôi thấy các con nhận thức rất tốt." Hơn bao giờ hết, việc dạy cho trẻ những kỹ năng tự vệ là rất cần thiết để các em có thể ứng phó với những tình huống nguy hiểm khi bị bọn buôn người bắt cóc. Trao đổi với PV, bà Văn Quỳnh Giao, Phó Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nói: "Sau buổi thực hành hôm nay các cháu có thể trạng bị cho mình những kỹ năng cơ bản nhất tối thiếu con phải làm gì khi gặp kẻ xấu. Tôi cũng mong không chỉ Hà Nội mà còn nhân rộng ra các địa phương nhất là miền núi nơi bọn buôn người hoạt động nhiều." Bà cho biết thêm, theo thống kê, tại Việt Nam, chỉ trong vòng 5 năm (2011 – 2015) cơ quan chức năng phát hiện và phá hơn 2200 vụ án. Cùng với đó là gần 4300 nạn nhân trở thành “hàng sống” trong các đường dây buôn bán người. Video: Tóm gọn 'mẹ mìn' máu lạnh bắt cóc bé gái 4 tháng tuổi từ Nam ra Bắc
Tùng Lâm
Bình luận