Bụi bẩn có mặt ở khắp nơi trong nhà, ảnh hưởng tai hại đối với sức khỏe và sinh hoạt của con người. Dù bạn đã dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không lâu sau đó bụi vẫn xuất hiện.
Làm thế nào để hạn chế bụi bẩn trong nhà?
Bụi và bụi mịn có kích thước rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy được. Vì thế, dù cho bạn đóng kín cửa, vô số hạt bụi mịn vẫn "thừa sức" len lỏi qua khe cửa nhỏ để vào nhà. Có đến 80% lượng bụi hình thành ngay trong nhà bạn, 20% còn lại đến từ môi trường bên ngoài.
Làm thế nào để hạn chế bụi bẩn trong nhà? Hãy làm theo các gợi ý sau:
Trồng cây xanh
Cây xanh sẽ tạo thêm không gian đệm giữa nhà với khu vực có nhiều khói bụi. Khoảng sân vườn với cây xanh hay hồ nước trước nhà sẽ giúp tạo môi trường sống thoáng đãng, mát mẻ. Đối với những căn hộ chung cư, việc trồng cây ở ban công, cửa sổ vừa tạo mảng xanh đẹp mắt, vừa che nắng, ngăn bụi và tiếng ồn.
Trồng cây xanh trong nhà cũng là cách được nhiều người sử dụng hiệu quả. Những cây thích hợp để trồng trong nhà là lưỡi hổ, tuyết tùng, lan Ý, dây nhện, trầu bà…
Giữ cửa luôn đóng
Để không bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn ở bên ngoài, bạn nên đóng cửa sau khi dọn dẹp xong từng khu vực. Nếu chỉ sử dụng các tấm chắn cửa sổ và cửa ra vào, bạn cũng không ngăn được phấn hoa và các hạt bụi nhỏ. Do đó, nên đóng cửa sổ và cửa ra vào để giảm bụi bên trong.
Quét và lau nhà thường xuyên
Việc đơn giản để hạn chế bụi bẩn mà bạn nên làm mỗi ngày chính là quét và lau nhà thường xuyên. Khi quét, nên chú ý những khu vực có xu hướng tích tụ nhiều bụi như hành lang, lối ra vào..., sau đó lau ướt sàn để gom bụi bỏ sót sau khi quét.
Sử dụng máy hút bụi
Để giảm đi lượng bụi tích tụ trong nhà một cách đáng kể, bạn đừng quên hút bụi ít nhất 2 lần một tuần. Cần đặc biệt chú ý hút bụi ở những chỗ mà bạn không thể quét hay lau sạch như các kẽ nhỏ, vị trí bên dưới đồ nội thất...
Để đảm bảo máy hút bụi hoạt động tốt, bạn hãy thay bộ lọc định kỳ.
Lắp đặt máy lọc không khí
Máy lọc không khí sẽ giúp lọc khói, nấm mốc, bụi kích thước siêu nhỏ..., đem lại bầu không khí trong lành, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Bạn nên thay thế, vệ sinh bộ lọc của máy điều hòa, máy lọc không khí thường xuyên để đảm bảo hiệu quả lọc bụi bẩn tốt nhất.
Lau bụi bằng khăn vải sợi nhỏ
Khăn lau chất liệu thun hay lụa sẽ không giúp làm sạch bụi bẩn. Bạn nên sử dụng khăn vải sợi nhỏ (microfiber) vì loại khăn này có thiết kế bắt bụi.
Để tăng hiệu quả làm sạch bụi, bạn có thể làm ướt khăn trước. Tuy nhiên, không nên dùng khăn ướt để lau các bề mặt bằng gỗ. Sau khi dùng xong, bạn mang đi khăn giặt sạch, phơi khô để dùng cho lần sau.
Bỏ đi những đồ không cần thiết
Những đồ vật lâu không dùng tới chính là nơi tích tụ rất nhiều bụi. Vì vậy để hạn chế bụi bẩn vào nhà, bạn nên thường xuyên kiểm tra những món đồ này. Với những thứ bạn muốn giữ lại dùng, nên lau sạch theo định kỳ, còn món nào không cần thiết thì hãy bỏ đi để chúng không trở thành nơi trú ngụ của bụi bẩn, nấm mốc...
Giặt chăn ga, rèm cửa, đệm, thảm thường xuyên
Chăn, ga, gối, đệm là những món đồ rất dễ tích bụi. Mỗi lần bạn lên xuống giường là một lần bạn vô tình đẩy bụi vào không khí. Vì vậy nếu không làm sạch chăn, ga, gối, đệm thường xuyên, bạn sẽ phải hít bụi đó khi ngủ.
Để hạn chế bụi tích tụ cũng như giúp không khí sạch hơn, nên giặt ga gối mỗi tuần một lần; chăn nên được giặt 3 - 4 tuần một lần. Khoảng một tháng một lần, bạn đem đệm ra chỗ trống phơi, đập nhiều lần cho bụi bay ra khỏi đệm rồi dùng máy hút bụi hút lại cho sạch.
Để giày dép bẩn ngoài cửa
Có một cách khá hiệu quả trong việc giảm bụi vào nhà là yêu cầu mọi người bỏ giày dép ở ngoài cửa trước khi bước vào. Cách này giúp gom bụi bẩn lại một chỗ, dễ dọn dẹp, và khiến bụi không phát tán trong nhà.
Sử dụng nội thất đơn giản
Có một số bề mặt trong nhà dễ bị bám bụi hơn, chẳng hạn như ghế bọc vải có nhiều bụi hơn nhiều so với đồ nội thất bọc da hoặc không bọc. Rèm che cửa sổ dày cũng sẽ bám nhiều bụi hơn so với rèm nhẹ có thể giặt thường xuyên.
Cây giả có khả năng bám bụi nhiều hơn cây sống, tuy nhiên chúng có thể rửa sạch dưới vòi hoa sen một cách nhanh chóng.
Bạn nên cân nhắc trong việc lựa chọn đồ dùng, nội thất để giảm thiểu lượng bụi bị đọng lại.
Chăm sóc thú cưng
Thú cưng là vật nuôi góp phần đáng kể vào lượng bụi trong nhà. Vì vậy, hãy thường xuyên tắm cho vật nuôi và cân nhắc giữ số lượng vật nuôi vừa đủ, giúp cho ngôi nhà của bạn luôn sạch sẽ.
Bình luận