Trong phiên thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội chiều nay (30/5), đại biểu Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) bày tỏ quan tâm tới việc phòng chống thông tin độc hại trên không gian mạng.
Dẫn số liệu Việt Nam đang có hơn 60 triệu người thường xuyên sử dụng internet, ông Tuấn ví "internet như con dao sắc", nếu không được quản lý tốt, đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại cho cá nhân, xã hội.
Vị đại biểu Nam Định nêu có nhiều người bị lừa, kể cả lừa tình và lừa tiền; có người bị xâm hại tình cảm, thậm chí có người tìm đến cái chết vì xâm hại danh dự trên không gian mạng; có người không kiểm chứng đã lan truyền thông tin độc hại...
"Vì sự phát triển ổn định của đất nước, tương lai dân tộc, cuộc đấu tranh phòng chống thông tin độc hại cần được quan tâm hơn nữa", ông Tuấn kêu gọi và cho rằng trách nhiệm không chỉ riêng cơ quan quản lý mà của mỗi người.
"Có cháu học sinh nữ bỏ học vì bị vu khống trên mạng xã hội. Khi đó, cơ quan nào sẽ giúp cháu gỡ bỏ thông tin ác ý đó. Cơ quan nào sẽ truy tìm kẻ ác tâm giấu mặt? Trách nhiệm này thuộc về ngành công an, truyền thông hay giáo dục? Điều này chưa rõ ràng", đại biểu tỉnh Nam Định đặt vấn đề.
Từ đó, ông kiến nghị cần có sự phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với không gian mạng.
Theo ông Tuấn, những vi phạm trên không gian mạng cũng như đời thực đều để lại dấu vết, bằng biện pháp kỹ thuật đều có thể xác minh nguồn gốc thông tin. Vậy tại sao những vi phạm như vậy không xử lý ngay, xử lý, răn đe kịp thời người vi phạm, khẳng định rõ vai trò và khả năng quản lý của cơ quan nhà nước trong không gian mạng?
Ông Tuấn đề nghị Chính phủ cần tăng cường tuyên truyền nghĩa vụ của công dân khi tham gia mạng xã hội, giúp mỗi người nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi truy cập internet, khai thác, cung cấp thông tin trên mạng.
Có thực tế hiện nay, khi vào mạng, trước những thông tin xấu độ, chúng ta thường lướt qua mà không tỏ chính kiến, chỉ khi đồng tình thì mới "like", "comment"... và ta thấy phần nhiều là đồng tình, ít phản đối. Điều này làm cho những người ngộ nhận, không phân rõ đúng- sai, xấu- tốt, thật- giả.
Từ phân tích trên, đại biểu Trương Anh Tuấn đề nghị, mỗi người khi truy cập mạng nên dành một chút thời gian để bày tỏ thái độ, phân tích đúng sai ngay trên trang thông tin đó.
"Đấy chính là đấu tranh trực tiếp với cái sai, cái độc hại của thông tin. Nếu số đông ứng xử được như vậy, cái xấu sẽ bị cô lập, lên án và điều đó cảnh tỉnh những người có nhận thức sai, có ý đồ xấu. Như vậy là đã tham gia góp phần giúp không gian mạng lành mạnh hơn, để "chính thắng tà" trên không gian mạng", ông Tuấn nói.
Sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, từ ngày 1/1/2019, Luật an ninh mạng chính thức có hiệu lực với 7 chương, 43 điều luật quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.
Luật an ninh mạng được kỳ vọng sẽ xử lý triệt để tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng để truyền bá những thông tin xấu, những tin tức giả mạo, phát ngôn thù ghét, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục Việt Nam.
Bình luận