Khi Kiatisak Senamuang ôm cây guitar, ngân nga hát "Đôi mắt Pleiku" giữa biển người trong buổi ra mắt ở quán cafe Ông Bầu trưa hôm qua (2/1), ông đã tạo ra một hình ảnh đẹp. 16 năm trước, khi chàng trai trẻ Kiatisak nổi danh ở Thái Lan đến với đội bóng HAGL vô danh ở hạng Nhất Việt Nam, ông cũng mang tới thiện cảm như vậy.
"Sắc" nói sõi tiếng Việt, thích hát nhạc Việt, được đồn đoán thích thầm một cô gái Việt, vẫn luôn mang những bản tình ca như "Đôi mắt Pleiku" hay "Hát với dòng sông" bên mình. HAGL luôn trong trái tim Kiatisak, nhưng đội bóng ông dẫn dắt hôm nay đã khác xa 16 năm trước.
Một "đội tuyển quốc gia" thu nhỏ của "Sắc", liệu có tạo được kỳ tích ở V-League 2021?
Động lực từ Kiatisak
Kiatisak nhận thức được khác biệt của HAGL hôm nay và HAGL của 16 năm trước. "Tôi muốn cầu thủ cố gắng tập trung 100%. Bóng đá có thắng, có thua, nhưng tôi không thích thua. Lâu quá rồi HAGL chưa vô địch, 16 năm rồi. Ngày xưa, khi tôi thi đấu, HAGL dự Champions League hai năm liên tiếp", HLV người Thái Lan nhấn mạnh.
HAGL trượt dài từ sau danh hiệu V-League cuối cùng năm 2004. Giai đoạn 2009-2012, bầu Đức cố cứu vãn tình thế, khi bổ nhiệm Kiatisak, rồi Dusit Chalermsan ngồi ghế "lái trưởng", ký hợp đồng với ngôi sao Việt kiều Lee Nguyễn, nhưng HAGL giỏi lắm chỉ vào đến chung kết Cúp Quốc gia.
Đội chủ sân Pleiku xa dần đỉnh cao. Đến khi lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện Arsenal-JMG được đôn lên đá V-League, "mâm" của HAGL là những ngày chật vật đua tranh trụ hạng.
Động lực, thứ Kiatisak nói đến, cũng là vấn đề lớn nhất của HAGL. Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn... đều là những cầu thủ giỏi và giàu hoài bão. Tuy nhiên, khát vọng của từng cá nhân đơn lẻ đã không tạo thành khối động lực tập thể.
Dẫn dắt CLB phố Núi ở mùa 2015, HLV Guillaume Graechen khẳng định cầu thủ HAGL "sợ hãi khi có quả bóng trong chân", sau khi nếm trải quá nhiều va vấp. Lứa trẻ của HAGL bị "chín ép", rơi vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp đầy mưu mẹo, cạm bẫy chỉ bằng hành trang là tư duy bóng đá thuần chất, trắng tinh chưa bị người lớn tô vẽ lên.
Công Phượng, Văn Toàn phải đá V-League khi chưa đủ sẵn sàng, cộng với thất bại liên miên trong nhiều năm đã dập tắt sự tự tin vừa được nhen nhóm của lứa cầu thủ trẻ giàu triển vọng.
Kiatisak được đưa về để thắp lại ngọn lửa ấy, giống cách "Sắc" đã chung tay vực dậy bóng đá Thái Lan sau cuộc khủng hoảng cuối năm 2010.
Vấn đề của HAGL không chỉ là HLV giỏi. Những "bại tướng" phố Núi như Graechen, Chung Hae Seong hay Lee Tae Hoon thực chất không hề kém tài. Kiatisak cũng nhìn thấy vấn đề này. "Tại sao một đội bóng nhiều tuyển thủ quốc gia lại thất bại liên tục?", HLV người Thái Lan đặt câu hỏi.
Đáp án trước tiên nằm ở động lực, mà gương mặt mới mà cũ như Kiatisak có thể là đáp án. HAGL cần một cú hích về tinh thần để đạp đổ quân domino đầu tiên, rồi mới tính đến câu chuyện chuyên môn. Cầu thủ HAGL được huấn luyện bởi một người thầy do họ đề đạt đưa về. Như vậy, Kiatisak có sự vị nể của lãnh đạo CLB lẫn cầu thủ.
Ông là biểu tượng cho thành công gần nhất ở phố Núi. Vinh quang quá khứ chưa chắc giúp Kiatisak đưa HAGL lên đỉnh cao, nhưng muốn biết đỉnh cao của HAGL ở đâu, cầu thủ chỉ cần nhìn Kiatisak.
Kiatisak bắt đầu từ đâu?
Mùa giải 2020 là lần đầu tiên sau sáu năm đá V-League, HAGL không lo xuống hạng ở lượt về. Thể thức mới giúp đội bóng của bầu Đức sớm an toàn, nhưng ngược lại, cũng triệt tiêu động lực của cả tập thể. Sáu trận thua liên tiếp trong giai đoạn hai, nhiều nhất lịch sử CLB, là minh chứng cho một HAGL mất lái trong mùa giải có thứ hạng tốt nhất trong sáu năm.
Nhưng HAGL không chỉ yếu ở động lực. Hai rào cản lớn ngăn HAGL tiến lên là sự yếu kém trong khâu tổ chức phòng ngự và tư duy chơi bóng "ngây thơ".
Yếu tố thứ hai đang được giải quyết, khi các cầu thủ nhẵn mặt dần với V-League. Bầu Đức từng tự treo giò một cầu thủ ở mùa 2018 vì "đá láo". Ông không cho phép cầu thủ chơi thô bạo, thứ dù xấu xí, nhưng đã là một phần của bóng đá đỉnh cao. HLV Lee Tae Hoon cũng nói cầu thủ HAGL hơi thiếu mạnh mẽ trong chơi bóng. Dù vậy, sau thời gian "bầm dập" và được trui rèn ở cả cấp độ ĐTQG, những Tuấn Anh, Công Phượng không còn dễ bị bắt nạt.
Yếu tố phòng ngự mới là thách thức tiên quyết. Sáu năm qua, có tới ba mùa giải HAGL thủng lưới 50 bàn trở lên tại V-League. Đội bóng phố Núi luôn là đội nhận nhiều bàn thua nhất giải, nên dẫu có tới 3 mùa ghi trên dưới 40 bàn, HAGL vẫn lênh đênh ở nhóm cuối.
Khác với thời Kiatisak, HAGL chơi bóng kiểu "đầu voi đuôi chuột", có hàng hậu vệ kém chất lượng ở từng cá nhân lẫn khâu tổ chức thi đấu. Bầu Đức đã thay bốn lượt HLV, nhưng không ai chữa được căn bệnh này. Kiatisak giành rất ít thành công khi dẫn dắt CLB, lại nổi danh ở Thái Lan nhờ khả năng huấn luyện tấn công hơn là phòng ngự, nên không dễ để "Sắc" giúp HAGL thủ tốt hơn, nhất là khi chỉ có một bổ sung ở hàng hậu vệ mang tên Nguyễn Hữu Tuấn.
Với lực lượng hiện có, khả dĩ nhất cho Kiatisak vẫn là lấy công bù thủ, cải thiện tính tổ chức trong lối chơi để khắc phục yếu kém phòng ngự. May mắn cho Kiatisak khi đây là lần đầu sau 3 năm, lứa HAGL khóa đầu đã tập hợp đầy đủ. Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh vẫn là những cầu thủ đẳng cấp. Nếu được chơi bóng cùng nhau và đặt trong hệ thống hợp lý, nhóm cầu thủ này cùng với Văn Toàn, Văn Thanh sẽ giúp HAGL có bộ khung ấn tượng.
Cuộc phiêu lưu lần thứ ba của Kiatisak bắt đầu ngay khi ông ngồi xem học trò đá bóng ở khu cách ly. Khác với lần cầm sa bàn năm 2010, Kiatisak không bị đặt nặng danh hiệu, nhưng ông sẽ phải tự thúc đẩy bản thân và học trò, nếu không muốn thành công ở HAGL chỉ là những hoài niệm miên man như khúc hát "Đôi mắt Pleiku" năm nào.
Bình luận