(VTC News) – “Nếu chẳng may gặp bọn cướp giật tài sản ngoài đường, các nạn nhân nên đến trình báo tại trụ sở Công an gần nhất, nhớ biển số xe cùng với mô tả hình dạng kẻ cướp…”
Hiệp sĩ đường phố Nguyễn Văn Minh Tiến (Ảnh: N.D) |
Nói về những tuyến đường thường hay xảy ra nạn cướp giật tại TP.HCM, mà mình đã có được kinh nghiệm khi đi tuần tra, bắt cướp, anh Tiến cho biết: “Những tuyến đường thường hay có cướp giật, trộm cắp tài sản là các tuyến đường Lữ Gia (phường 15 – Q.11 hay phường 9 – quận Tân Bình), đường Trương Công Định (phường 14 – quận Tân Bình), đường ấp Bắc (quận Tân Bình), đường Nguyễn Văn Trỗi và Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận)…
- Thông thường bọn cướp hay cướp giật những vật dụng nào của người đi đường?
Tôi cho rằng, người dân đi trên đường hiện nay có nhiều trường hợp rất sơ hở. Phổ biến nhất là nghe điện thoại di động ở ngoài đường, nhất là đối với các loại điện thoại có giá trị cao. Chỉ cần mất cảnh giác là bọn cướp có thể lấy đi tài sản của chúng ta bất cứ lúc nào. Thêm nữa, khi ra đường chúng ta thường đeo vòng vàng, lắc, dây chuyền và những tài sản có giá trị khác. Nếu nhận thấy “con mồi” thì ngay lập tức bọn cướp sẽ ra tay ngay.
- Anh có thể cho bạn đọc báo điện tử VTC News biết về những dấu hiệu nhận dạng kẻ cướp khi đi ngoài đường?
Cách nhận biết rất là đơn giản. Thông thường, bọn cướp giật thường hay đi từ 1 - 2 người trên cùng 1 xe máy, nhất là thanh niên, ăn mặc trông “bụi đời”. Khi gặp chúng ta thì bọn cướp thường đi xe gắn máy kè kè, hoặc đi sát mình, lúc đó rất có thể bọn chúng đang chuẩn bị ra tay cướp.
Cách phòng chống cướp giật, trộm cắp tài sản thì người dân khi ra ngoài đường nên “ngó trước ngó sau” trong vòng bán kính từ 10 – 20m. Nếu đi về khuya thì lại càng phải nhìn, quan sát kĩ hơn. Nếu trên 1 con đường vắng, mà có 1 nhóm thanh niên từ 1 – 3 người đi theo, kèm sát mình thì đích thực là sắp có 1 vụ cưỡng đoạt tài sản xảy ra.
- Nếu đi trên đường, chẳng may gặp cướp, bị mất đồ thì chúng ta nên làm những gì đầu tiên, thưa anh?
Nếu chẳng may gặp cướp, trước tiên là chúng ta phải tới trụ sở cơ quan Công an quản lý địa bàn đó trình báo. Việc trình báo này nhằm cho Công an làm các thủ tục điều tra, truy xét. Việc trình báo có thể trước mắt chưa có tác dụng, nhưng về lâu dài, khi cơ quan Công an truy bắt ra 1 băng trộm cướp tài sản nào đó, lúc truy tìm tang vật, rất có thể tìm thấy tài sản của chúng ta đã bị đánh cắp. Báo cho Công an biết trong trường hợp này rất có ích, chứ không phải là việc thừa như suy nghĩ của 1 số người.
Việc trình báo này có đến 80% mang lại tác dụng. Khi đi trình báo, chúng ta phải nhớ được biển số xe của kẻ cướp (cho dù là mang biển số xe giả). Ngoài ra, cần phải biết thêm 1 số các chi tiết như thời gian, địa điểm nơi xảy ra vụ cướp, hình dạng của bọn cướp.
Cuối cùng, tôi muốn nhắc nhở tất cả mọi người là khi ra ngoài đường, nên hết sức cảnh giác, cẩn thận trước các thủ đoạn của bọn cướp giật ngày càng tinh vi. Cách hay nhất là tài sản của chúng ta nên biết cách tự bảo vệ mình trước khi được sự bảo vệ của các cơ quan thực thi pháp luật hoặc các Hiệp sĩ bắt cướp ngoài đường phố.
Việt Dũng (thực hiện)
Bình luận