• Zalo

Làm sao để phụ nữ cân bằng kiếm tiền giỏi, dạy con ngoan?

Diễn đànThứ Tư, 30/08/2023 15:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Phụ nữ ngày nay nhiều áp lực khi vừa phải kiếm tiền, vừa phải chăm lo cho gia đình, khi không biết cách cân bằng họ sẽ rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng.

Bận 'bù đầu, bù cổ'

Trước đây, phụ nữ thường bị bó buộc ở nhà với chuyện con cái, bếp núc, là cái bóng sau lưng chồng. Phụ nữ ngày nay không chỉ lo “tề gia nội trợ” mà đã bước ra ngoài xã hội, cũng làm việc, kiếm tiền, phát triển sự nghiệp như nam giới. Gánh nặng kép “lên được phòng khách, xuống được phòng bếp” khiến nhiều chị em luôn bận rộn, làm không hết việc.

"Bận bù đầu bù cổ, có lúc tôi cảm thấy không còn thời gian để thở, chỉ ước ngày có 48 tiếng”, đó là lời giãi bày của chị Mỹ Hạnh (36 tuổi, Hà Nội).

Lịch trình hàng ngày của chị Hạnh luôn trong tình trạng chật kín. Sáng dậy sớm lo bữa sáng cho cả nhà rồi đưa con đi học. Sau đó là 8 tiếng làm kế toán ở công ty, giải quyết giấy tờ sổ sách. Tan làm, chị lại vội vã về đi chợ, cơm nước.

Buổi tối, chồng trông con trai thứ hai 3 tuổi, còn chị tranh thủ kèm cặp con gái lớn 7 tuổi học bài. Hôm nào chồng bận thì chị kiêm luôn cả việc chơi với đứa bé, dạy cho đứa lớn. Đến khi xong xuôi mọi việc để lên giường đi ngủ thì người đã mệt rã rời.

“Chồng tôi cũng bận, lại không biết làm nhiều việc nhà nên thường chỉ đỡ đần được vợ khoản trông con thôi”, chị chia sẻ.

Chị em mệt mỏi vì vừa phải làm việc kiếm tiền vừa chăm sóc gia đình, con cái (Ảnh minh họa).

Chị em mệt mỏi vì vừa phải làm việc kiếm tiền vừa chăm sóc gia đình, con cái (Ảnh minh họa).

Theo báo cáo của Tổ chức lao động thế giới, hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động - cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu (47,2%). Phụ nữ Việt dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để làm việc nhà, chăm sóc con cái, trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Thậm chí, gần 1/5 nam giới không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà.

Vừa cáng đáng công việc xã hội, vừa chăm lo gia đình không phải chuyện dễ. Có những chị em bị đặt vào tình thế phải cân nhắc, chọn lựa công việc hay gia đình.

Chị Hà Anh (40 tuổi, TP.HCM) có sự nghiệp thành công, là giám đốc một công ty truyền thông, nhưng chị thành đạt trong công việc bao nhiêu, thì gia đình lại bất ổn bấy nhiêu.

“Công việc quá bận khiến tôi không có nhiều thời gian cho gia đình. Con trai lớn của tôi nghiện game, học hành sa sút. Vì thế, tôi hay bị chồng trách là chỉ ham kiếm tiền mà quên mất gia đình, đổ lỗi “con hư tại mẹ”. Trong khi anh ấy có nhiều thời gian rảnh hơn tôi nhưng không kèm cặp, uốn nắn con từ sớm. Lắm lúc tôi cũng nảy sinh suy nghĩ liệu có nên dừng lại sự nghiệp để tập trung làm vợ, làm mẹ cho tốt không”, chị kể.

Làm sao để cân bằng công việc và gia đình?

Từng tham vấn cho nhiều chị em phụ nữ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, đã rất nhiều lần cô nghe chị em than thở về áp lực vừa phải lo kinh tế, vừa phải cố gắng chu toàn việc nhà cửa, chồng con. Thậm chí có những người căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian dài dẫn tới rối loạn lo âu, trầm cảm.

Theo cô Lanh, để tìm được sự cân bằng giữa công việc và gia đình, chị em cần đề ra những thứ tự ưu tiên trong từng thời điểm khác nhau. Có những giai đoạn sẽ cần ưu tiên kiếm tiền và sự nghiệp hơn, cũng có thời điểm cần đặt gia đình, con cái lên hàng đầu.

Song song với đó, chị em cần hiểu rằng việc nhà không phải của riêng phụ nữ. Từ đó, chia sẻ thẳng thắn với chồng để chồng chung tay giúp sức trong một số đầu việc.

“Không chỉ nam giới mà đôi khi chính phụ nữ cũng có định kiến việc nhà là “việc của đàn bà”, chăm sóc con là thiên chức nên ôm đồm hết việc  nội trợ, con cái vào mình dẫn đến quá tải, mệt mỏi. Số khác thì cho rằng chồng lóng ngóng, không biết làm việc nhà, dạy con học thì nóng tính, hay quát tháo nên thà tự mình làm cho xong. Đây đều là những cách hành xử chưa đúng”, cô Lanh phân tích.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh.

Nữ chuyên gia cho biết, sự sẻ chia, thấu hiểu là yếu tố rất quan trọng để gắn kết và duy trì hạnh phúc gia đình. Chị em có thể san sẻ bớt một số việc nhà cho chồng, mong muốn chồng giúp gì thì nên nói thẳng, không nên trông chờ chồng tự hiểu, tự làm.

Có thể nhiều việc trước đây các anh chưa từng làm nên khi bắt đầu sẽ lóng ngóng, vụng về. Chị em không nên chê trách mà cần hướng dẫn, động viên để các anh quen dần, làm nhiều sẽ trở nên thành thạo.

Được chồng chia sẻ việc nhà không chỉ khiến chị em giảm tải khối lượng việc, mà còn giúp chị em thoải mái hơn về mặt tinh thần, không bị bức xúc, khó chịu vì mình thì cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp, làm không ngơi tay, trong khi chồng ngồi gác chân thảnh thơi xem tivi, dùng điện thoại.

Tô Hải
Bình luận
vtcnews.vn