Số vốn đầu tư 35 tỉ đồng do vùng Ile de France (Pháp) tài trợ đã được đầu tư vào dự án hạn chế xe cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng xe buýt. Liệu rằng, số tiền khiêm tốn này có “lôi kéo” người dân sử dụng phương tiện công cộng hay không vẫn là bài toán khó cho những người làm giao thông?
Trước đó, đề án đầu tư 35 tỉ đồng do vùng Ile de France (Pháp) tài trợ, vừa được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất nhằm mục tiêu hạn chế xe cá nhân, khuyến khích người dân Thủ đô đi lại bằng phương tiện xe buýt. Bên cạnh đó, dự án còn nhằm nâng cao hình ảnh và chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt, góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Tại Đề án vừa được trình lên UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: Đề án 35 tỉ đồng sẽ được tập trung đầu tư cải tạo hạ tầng xe buýt (đoạn hành lang điểm trung chuyển Long Biên – Yên Phụ – đường Thanh Niên; xây dựng điểm trung chuyển Hoàng Quốc Việt; xây dựng làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Hoàng Quốc Việt từ đoạn giao với đường Phạm Văn Đồng đến nút giao với đường Bưởi; mua sắm xe buýt tiêu chuẩn…).
Ngoài cải thiện hạ tầng mạng lưới vận tải xe buýt, mua sắm xe buýt tiêu chuẩn, dự án còn nhằm nâng cao hình ảnh và chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt, góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thủ đô. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 35 tỉ đồng, trong đó vốn chuẩn bị đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố hơn 580 triệu đồng; vốn viện trợ không hoàn lại hơn 32 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 – 2013.
Với số vốn khiên tốn này, một số chuyên gia về giao thông cho rằng đó là sự đầu tư cần thiết trong bối cảnh hiện nay loại hình phương tiện cá nhân đang tăng đột biến, trong khi người dân lại chưa mấy thiện cảm với vận tải công cộng.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, vấn đề đầu tiên phải quan tâm lúc này là đầu tư, nâng cấp hạ tầng vận tải công cộng. Cụ thể, việc nâng cấp cần tập trung vào điểm trung chuyển, điểm tạm dừng của xe buýt. Mặt khác ngành Giao thông Vận tải cũng cần lưu tâm, củng cố hệ thống hành lang xe buýt trên địa bàn thủ đô.
Ngoài vấn đề hạ tầng, Tiến sĩ Hùng còn cho biết, lúc này Hà Nội cũng cần mua sắm một số xe buýt mẫu đạt chất lượng để thí điểm. Tuy nhiên để hoàn thiện hệ thống xe buýt đạt chất lượng trên địa bàn thủ đô, theo Tiến sĩ Hùng phải tiếp tục có cơ chế, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào loại hình vận tải công cộng. Thực tế hiện nay phương tiện sạch đạt tiêu chuẩn thì các doanh nghiệp đều e ngại, vì giá mỗi loại xe này không phải rẻ.
Tiến sĩ Hùng nhận định, năm 2012 Hà Nội chỉ đầu tư một số đề án nho nhỏ để chuẩn bị cho việc đầu tư lâu dài với các dự án lớn. Một trong những dự án được trông đợi nhiều là đề án đầu tư 270 tỉ đồng, quản lý xe buýt thông minh qua hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Đánh giá về loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đang tồn tại một bất cập lớn giữa xe công cộng và xe cá nhân, thậm chí ngay ở chính hệ thống xe buýt cũng còn nhiều nghịch lý đáng bàn.
Trước đây, đã có thời kỳ chúng ta khuyến khích cho nhập khẩu động cơ hai bánh, ô tô… để thể hiện chất lượng, thu nhập của người dân. Nhưng ngược lại hệ thống giao thông công cộng chúng tai lại chưa xử lý tương thích. Với một thành phố hơn 6 triệu dân, nhưng hiện nay chúng ta chỉ có 1.000 xe buýt trên địa bàn thủ đô, trong khi xe điện ngầm lại chưa có. Mặt khác loại hình xe buýt hiện nay lại chủ yếu là xe to, cồng kềnh, gây tác động ngược trở lại đến giao thông.
Theo Tiến sĩ Nghiêm, để việc đầu tư đạt hiệu quả cho loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt, chúng ta phải học tập và triển khai theo một số nước phát triển đang áp dụng như Braxin, Trung Quốc…
Theo Petrotimes
Bình luận