Theo TS Trần Minh Ngọc – Phó Cục Trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế), thị trường dược liệu thế giới đang rất tiềm năng, nhu cầu các sản phẩm từ dược liệu để phục vụ chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm.
Cần người dẫn để đưa dược liệu ra quốc tế
Hàng năm trị giá khoảng 230 tỷ USD và dự kiến đến năm 2028 có thể lên tới khoảng hơn 400 tỷ USD. Với tiềm năng thảo dược của Việt Nam các sản phẩm chế biến từ dược liệu, đem lại kinh tế là rất lớn.
Do đó, chúng ta cần mở rộng khai thác, ứng dụng của dược liệu trong nhiều lĩnh vực, không chỉ chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp, có thể sang thị trường nước uống, ứng dụng trong ngành nông nghiệp, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Tuy nhiên, muốn kinh doanh thương mại và xuất khẩu dược liệu ra quốc tế, Việt Nam cần hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn gen, quy trình khai thác, nuôi trồng, quy chuẩn sản xuất, phân phối, phải đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường hướng đến và có thể truy xuất kịp thời trên hệ thống thông qua việc gắn mã QR cho từng loại sản phẩm.
Theo TS Trần Minh Ngọc, việc xây dựng hệ thống truy xuất dữ liệu, để công tác xúc tiến thương mại hướng đến toàn cầu được hiệu quả, chúng ta cần có đơn vị đủ lớn để dẫn dắt thị trường dược liệu.
Đơn vị này định hướng phát triển, định hướng cho người tiêu dùng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài khi họ muốn mua dược liệu Việt Nam. Từ đó định hướng để các doanh nghiệp trong nước biết thế giới cần gì, Việt Nam sản xuất, cung cấp cái đó và ngược lại.
Ông cũng cho rằng, Việt Nam cũng cần có đơn vị đầu mối về các dữ liệu thống kê chính thức về nhu cầu thị trường dược liệu, giá trị xuất khẩu hàng năm trên thị trường quốc tế. Từ đó xây dựng và mở rộng chuỗi giá trị của dược liệu, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới.
Hệ thống truy xuất làm tăng niềm tin người tiêu dùng
Theo ông Ngọc, vấn đề phát triển ngành dược liệu nói chung và với cây sâm nói riêng ở Việt Nam có rất nhiều nội dung cần phải quan tâm. Thời gian qua, nguồn gốc xuất xứ đối với dược liệu nói chung và sâm nói riêng cần nhìn lại rõ ràng và chính xác.
Sâm là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Khi không xác định rõ nguồn gốc xuất xứ giữa cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, thì đã có tình trạng di chuyển sâm Lai Châu vào Kon Tum, Quảng Nam để bán với giá cao hơn gây ảnh hưởng đến thị trường và lòng tin.
“Vì vậy, cần có hệ thống mã số về nguồn gốc xuất xứ hoàn chỉnh để người dân tin tưởng từ việc truy xuất nguồn gốc”, ông Minh nói.
Theo đại diện Cục Y, dược cổ truyền, Bộ Y tế đã đề xuất triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với dược liệu cũng như các sản phẩm từ dược liệu. Việc truy xuất nguồn gốc ở đây được thực hiện tất cả các nội dung liên quan như: nguồn gene của cây cho đến nguồn giống, chủng loại nằm trong hệ động thực vật hoang dã nào, phải kiểm soát theo công ước quốc tế ra sao.
Cũng theo TS Trần Minh Ngọc, việc truy xuất nguồn gốc dược liệu không chỉ xác định nguồn gốc rõ ràng, minh bạch đối với sản phẩm dược liệu, mà còn góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng, chứng minh sản phẩm có chất lượng tốt, thúc đẩy hoạt động mua hàng.
Hệ thống truy xuất cũng cho thấy mọi công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản sản phẩm được theo dõi một cách chặt chẽ và khi phát sinh sản phẩm lỗi, hư hỏng thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định được khâu nào gây ra sản phẩm lỗi, hư hỏng, từ đó có những biện pháp khắc phục kịp thời, giảm tối đa sự thất thoát, hư hỏng.
Nếu có hệ thống truy xuất doanh nghiệp dễ dàng xác minh sản phẩm đang lưu hành trên thị trường là hàng chính hãng hay hàng trôi nổi, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng.
Còn người tiêu dùng thì có thể sử dụng hệ thống truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm để xác định sản phẩm nào là hàng chính hãng, uy tín, sản phẩm nào là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó mới có thể đưa sản phẩm ra các thị trường thế giới.
Bình luận