• Zalo

Làm sao để di dân khỏi các đô thị lõi Hà Nội?

Kinh tếThứ Năm, 15/11/2018 12:22:00 +07:00Google News

Tại Việt Nam, các đô thị được quy hoạch đưa nhiều công trình kiến trúc đẹp vào trung tâm thành phố, điều này ngược với nhiều thành phố trên thế giới, khiến bài toán quá tải hạ tầng, ách tắc giao thông khó có lời giải.

Nhu cầu sống và làm việc của người dân tại trung tâm Hà Nội và TP. HCM, hai đô thị lớn nhất cả nước đang ngày càng tăng cao. Riêng tại Hà Nội, để giải quyết việc tăng dân số nhanh sau khi mở rộng địa giới năm 2008, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các khu đô thị vệ tinh như Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn để giãn mật độ dân cư.

Lợi nhuận làm biến dạng quy hoạch

Sau một thập kỷ được triển khai, hầu hết các "đô thị vệ tinh" của Thủ đô vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ. Các khu đô thị này không thể thu hút cư dân từ khu vực trung tâm về đó sinh sống, làm việc như kỳ vọng.

Trong khi đó, 10 năm qua, nội thành Hà Nội ngày càng đông, mật độ dân số ngày càng cao, bởi hàng chục, hàng trăm cao ốc ùn ùn mọc lên. Đặc biệt, các khu vực như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, nhiều tòa chung cư 30-40 tầng mới xây dựng đã gây áp lực quá tải hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông.

hang-dao

 Khu phố Hàng Đào - một trong những khu phố cổ có mật độ dân cư đông đúc. (Ảnh: Lê Linh).

Cụ thể, con đường Kim Mã - Nguyễn Thái Học hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Không xa nữa, một số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ lại càng gây thêm áp lực, quá tải lên hạ tầng giao thông. Tuyến đường Lê Văn Lương nối vào Cát Linh cũng phải "cõng" rất nhiều dự án bất động sản, khiến quy hoạch trở nên lộn xộn.

Lý giải việc ngày càng nhiều dòng người và các dự án bất động sản lớn tập trung tại trung tâm thành phố, gây quá tải hạ tầng, ông Trần Như Trung, Phó Tổng Giám đốc Capital House, cho rằng, điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Dưới góc độ kinh tế học, nơi nào có hiệu quả sinh lời cao thì nơi đó có dòng tiền đầu tư.

Ông Trung lấy ví dụ về quy hoạch khu đô thị Linh Đàm, những năm 2000, đây là khu đô thị kiểu mẫu, các nhà quy hoạch, kiến trúc sư đã gửi gắm những điều tốt đẹp vào đó, thậm chí là một trong những dự án bất động sản hút khách nhất thời bấy giờ, nhưng về sau nơi này bị thay đổi trở thành quá tải hạ tầng.

"Tôi cho đó là do sự biến động về lợi nhuận. Nhu cầu về lợi nhuận khiến bức tranh quy hoạch bị biến dạng", ông Trần Như Trung cho hay.

Cần giãn dân tự nhiên

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), để có lời giải cho việc quy hoạch các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay, kinh nghiệm từ Tây Ban Nha cho thấy rõ điều này.

Bà Thục cho biết, do mọi hạng mục trong thành phố đã quá tải, chính quyền nơi đây muốn tái thiết lập Barcelona, một đô thị cổ và thủ đô của Tây Ban Nha, trở thành một đô thị có tiếng nói của thế kỷ 21, nhưng vẫn giữ được toàn bộ khu vực lõi đô thị cổ cần được bảo tồn.

Giải pháp của kiến trúc sư đưa ra là thiết lập một vành đai xanh áp vào giữa núi và biển, chạy từ bờ biển phía đông sang phía tây tại vùng ngoại vi của thành phố cổ này.

Với giải pháp quy hoạch này, các kiến trúc sư đã tạo ra không gian phát triển mới cho thành phố, đồng thời không xâm phạm đến không gian kiến trúc cổ của khu vực trung tâm cần được bảo tồn. Vì thế, các dự án bất động sản đã "tự động" điều chỉnh, giãn ra khu vực đó.

Thêm bài học từ Singapore, một quốc đảo có diện tích nhỏ bé, nhưng đất nước này đã quy hoạch vùng ngoại vi tốt hơn hẳn khu vực trung tâm với đầy đủ các tiện ích phục vụ đời sống của cư dân, khiến người dân tự giãn ra các vùng lân cận.

Theo bà Thục, các đô thị tại Việt Nam hiện nay đang đi theo một lối mòn, bài toán giao thông và phát triển đô thị nhằm giãn dân mãi chưa có lời giải, hệ quả tất yếu là xuất hiện ngày càng nhiều những cung đường đông nghịt và ách tắc như hiện nay.

"Hiện nay, chúng ta đang quy hoạch đô thị ngược, đưa tất cả những gì tốt đẹp nhất vào trung tâm thành phố. Từ đó dẫn đến sự tích tụ đô thị khủng khiếp, gây tắc đường, quá tải hạ tầng", bà Thục cho hay.

Để giải quyết được thực trạng này, Chính phủ nên xây dựng một quy hoạch đô thị nương theo "sự giãn dân tự nhiên", tức là khu vực nào có điều kiện sống tốt, thì người dân sẽ tự khắc chuyển đến đó ở. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy và tầm nhìn chiến lược để xây dựng được những chính sách quy hoạch đúng đắn, vì người dân.

>>> Đọc thêm: Sốc: Nhà phố cổ Hà Nội giá 5 triệu đồng/m2, bán không ai mua

Khánh An
Bình luận
vtcnews.vn