Ngày 14/5, người dân miền Tây bàn tán xôn xao trước thông tin một doanh nghiệp đang nuôi nhốt hai con rắn nặng 60 kg (mỗi con 30 kg) tại khu du lịch trên đồi Tức Dụp, thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn (An Giang).
Theo chủ doanh nghiệp thì cặp rắn này được nhóm công nhân bắt được trong quá trình thi công hệ thống điện mặt trời dưới chân núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn Lý Kim Định cho biết đơn vị đã cử lực lượng đến khu du lịch ở đồi Tức Dụp để kiểm tra khi nhận được thông tin từ báo chí. Theo ông Định, nếu là rắn hổ mây thì thuộc loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IB.
Động vật hoang dã trong nhóm này thuộc diện nghiêm cấm khai thác, buôn bán với mục đích thương mại. Vì vậy, cá nhân hay đơn vị nào muốn nuôi nhốt loại động vật quý hiếm như rắn hổ mây thì phải xin phép của ngành kiểm lâm.
"Hiện, doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các bước theo quy định mà lại trưng bày cho khách tham quan là không đúng", ông Định nói.
Trao đổi với PV, ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết trước mắt cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc của cặp rắn. Nếu thật sự là rắn hổ mây thì phải tiến hành các bước để bảo tồn loài động vật quý hiếm này.
Cùng quan điểm, ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên của Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, nói rằng đơn vị sẽ mời lãnh đạo doanh nghiệp đến làm việc và đưa ra hướng xử lý phù hợp với các quy định hiện hành. Cụ thể là sẽ tiến hành lập biên bản vụ việc để tịch thu 2 con rắn hổ mây rồi giao trại rắn Đồng Tâm quản lý vì nơi đây có đủ điều kiện gây nuôi.
"Nếu doanh nghiệp không chịu giao thì ngành chức năng phải cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu có ý kiến nào khác của lãnh đạo của tỉnh thì cần phải xem xét thêm", ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, đối với loại rắn này thì ngành kiểm lâm cũng không được cấp phép cho cá nhân nào nuôi nhốt. Còn cá nhân nuôi nhốt trái phép thì phải xử lý hình sự.
Hai con rắn doanh nghiệp đang nuôi nhốt rất to, khỏe. Người dân địa phương cho biết đây là loài rắn hổ mây có trọng lượng khủng.
Rắn hổ mây hay rắn hổ mang chúa (tên khoa học Ophiophagus hannah) là loài rắn thuộc họ Elapidae (họ Rắn hổ) phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là khoảng 7 m.
Bình luận