• Zalo

Làm ngơ chuyện giảm giá cước vận tải

Thời sựChủ Nhật, 17/06/2012 05:22:00 +07:00Google News

Bắt đầu xuất hiện tình trạng “ngược chiều”, khi giá xăng dầu tiếp tục giảm còn nhiều loại giá cước vận tải vẫn đứng yên.

Bắt đầu xuất hiện tình trạng “ngược chiều”, khi giá xăng dầu tiếp tục giảm còn nhiều loại giá cước vận tải vẫn đứng yên.

Taxi có thể giảm ít nhất 500 đồng/km

Tính từ đầu năm tới nay, giá xăng tăng tổng cộng 3.000 đồng/lít, nhưng đã giảm 1.900 đồng/lít sau 3 lần giảm giá. Một ngày sau khi giá xăng dầu giảm vào chiều 7.6, hãng taxi Vinasun đã tiên phong công bố giảm giá cước với mức giảm 500 đồng/km. Tiếp theo, hãng taxi Mai Linh cũng quyết định kể từ ngày 12.6 điều chỉnh giá cước taxi giảm từ 200 - 1.000 đồng/km tùy theo từng loại xe và tùy từng khu vực. Mai Linh cho biết mức giá cước mới thấp hơn so với thị trường ở thời điểm hiện tại từ 500 - 1.000 đồng/km.

Không nhiều doanh nghiệp giảm giá cước như 2 hãng taxi lớn là Vinasun và Mai Linh.

Trước đó, sau khi giá xăng tăng vọt thêm 3.000 đồng/lít, các DN taxi đã đồng loạt tăng giá cước thêm từ 500 - 1.500 đồng/km. Hiện mới chỉ có 1 hãng taxi tại Hà Nội cho biết sẽ hạ giá khoảng 500 đồng/km, nhưng các hãng còn lại chưa có kế hoạch hạ với lý do mức xăng giảm xuống chưa bằng mức tăng trước đó. Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, trên thực tế, nếu tính dựa theo tỷ lệ giá xăng trên cơ cấu giá thành và tỷ lệ giảm giá xăng dầu đến thời điểm hiện nay, giá taxi có thể giảm khoảng 600 - 700 đồng/km, trừ đi các chi phí đầu vào khác tăng nhẹ trong hai tháng qua, giá cước taxi vẫn có thể giảm khoảng 500 đồng/km. Việc hai hãng taxi lớn như Vinasun và Mai Linh giảm 500 - 1.000 đồng/km là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Với lĩnh vực vận tải khách tuyến cố định, theo ông Liên, do nhiều DN đợt tăng giá xăng dầu đã không tăng giá vé, nên không thể giảm khi giá xăng dầu giảm. Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cũng cho biết, do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong thời kỳ kinh tế khó khăn nên hầu hết các hãng xe đều giữ nguyên giá cước. Một số ít đơn vị trước đây có tăng giá nhẹ, giờ vẫn giữ nguyên giá do các chi phí đầu vào như lương tài xế, giá vật tư tăng.

Cước hàng hóa không chịu giảm

Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM Thái Văn Chung cho rằng, việc giá dầu giảm là một tín hiệu tích cực đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, giá cước có giảm hay không còn căn cứ vào hợp đồng kinh tế giữa đơn vị vận tải và chủ hàng. Theo ông Chung, giá cước vận tải hàng hóa bị điều chỉnh bởi quy luật của thị trường, chủ hàng có lý do để yêu cầu giảm giá cước, cho nên đơn vị vận tải có muốn giữ giá hay tăng giá cũng không được.

Cụ thể hơn, theo ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, vì giá dầu chưa giảm về hết mức so với đợt tăng trước, nên giá cước chỉ có thể điều chỉnh một phần, khoảng 1,5 - 2% so với giá hiện tại. Ông Trung cho biết, sở dĩ giá cước hàng hóa không thể giảm thêm do nhiều chi phí đầu vào khác như giá nhân công, bến bãi, vỏ lốp… (chiếm khoảng 60% giá cước) chưa được điều chỉnh trong ngắn hạn. Việc giảm giá cước có thể thực hiện được dựa trên sự thỏa thuận giữa DN với khách hàng.

Nhưng đáng nói, nhiều DN đã lờ đi việc giảm giá mà vẫn giữ giá cước cũ. Lấy lý do Vietnam Airlines thay đổi mức thu phụ phí xăng dầu hàng không cộng thêm đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên những chặng bay nội địa, Công ty CP dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (NASCO) đã áp dụng mức phụ phí xăng dầu mới đối với dịch vụ chuyển phát, áp dụng từ ngày 26.3, với 2 mức thu là 1.500 đồng/kg và 2.500 đồng/kg tùy theo chặng bay.

Đến ngày 15.5, NASCO lại thông báo điều chỉnh lại mức giá cước vận chuyển hàng hóa với lý do mức giá cước hiện không còn phù hợp sau một thời gian biến động của mặt bằng giá và để bù đắp một phần do việc chi phí vận chuyển tăng, đồng thời Vietnam Airlines triển khai bảng giá cước vận chuyển hàng hóa mới. Theo đó, giá cước vận chuyển đối với mặt hàng báo chí tăng thêm 4.500 đồng/kg, từ 8.000 đồng/kg (thời điểm ngày 1.7.2011) lên 12.500 đồng/kg trên chặng bay TP.HCM - Hà Nội và tăng thêm 1.000 đồng/kg, từ 5.000 đồng/kg (thời điểm ngày 1.7.2011) lên 6.000 đồng/kg trên chặng bay TP.HCM - Đà Nẵng. Giá vận chuyển báo chí đã tăng cao như vậy nhưng chỉ bằng 50% giá cước áp dụng cho lô hàng dưới 45 kg. Trong khi giá xăng dầu giảm mà giá cước vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường hàng không vẫn chưa giảm là điều không thể chấp nhận.

Theo TNO

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Bình luận
vtcnews.vn