Ngày 3/4, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng Thanh Trì, SN 1796, ở Thanh Trì, Hà Nội); Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng Thạch Thất, SN 1974, ở Thạch Thất, Hà Nội); Nguyễn Ngọc Thịnh (SN 1956, ở Hoàng Mai, Hà Nội) mỗi bị cáo 24 tháng tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Làm giả hồ sơ xe sang
Theo cáo trạng, ngày 3/4/2015, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội nhận công văn của phòng CSGT Công an TP Hà Nội đề nghị xác minh việc chuyển hồ sơ 1 ô tô ACURA của Dũng Thanh Trì cho một công dân khác.
Cơ quan điều tra làm rõ, bị cáo Thịnh được Nguyễn Bá Thái (đã mất) nhờ tìm người đứng tên đấu giá xe ô tô các tỉnh để làm thủ tục đăng ký tại Hà Nội. Thịnh đã nhờ Dũng Thạch Thất và Dũng Thanh Trì đứng tên đăng ký xe vì Dũng Thanh Trì có hộ khẩu Hà Nội.
Sau đó, Dũng Thanh Trì đã nhận nhiều hồ sơ xe ô tô mua đấu giá tại các tỉnh thành để nộp thuế trước bạ và làm thủ tục đăng ký tại Phòng CSGT đường bộ đường sắt Hà Nội (PC67).
Khi làm thủ tục, ông Thái và bị cáo Thịnh lái xe (không rõ nguồn gốc) đến trụ sở PC 67 và bàn giao cho Dũng Thạch Thất và Dũng Thanh Trì để những người này đưa CSGT ra kiểm tra thực tế. Kiểm tra xong, xe được giao lại cho Thái.
Để không bị nghi ngờ, Dũng Thanh Trì còn đưa bản phô tô chứng minh của vợ và anh trai đưa vào hồ sơ mua đấu giá xe ô tô.
Tổng cộng, từ 2007 – 2010, các đối tượng đã làm giả 22 bộ hồ sơ mua xe ô tô đấu giá tại nhiều tỉnh thành như: Lạng Sơn, Tây Ninh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bình Thuận. Đa số các ô tô này thuộc dạng “siêu xe” thuộc các nhãn hiệu Toyota Lexus, BMW, Honda ACURA… Mỗi khi hoàn thiện hồ sơ như trên, các đối tượng được hưởng từ 1 - 2 triệu đồng.
Quá trình xác minh, cơ quan chức năng các tỉnh trên khẳng định không tịch thu, bán sung công các ô tô trên; các con dấu của sở - ngành và UBND các cấp trong hồ sơ mua đấu giá do các đối tượng nộp lên PC 67 là giả…
Công an đã khởi tố vụ án và thu hồi được 4 ô tô gồm 2 Lexus, 1 ACURA, 1 CRV. Còn lại 18 ô tô khác, công an xác định là vật chứng trong vụ án và đã ra thông báo gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các đơn vị địa phương để tìm kiếm nhưng vẫn chưa có tung tích.
Trong số 22 xe trên, có 2 ô tô hiệu ACURA và Lexus được ghi trong tờ khai trước bạ là Honda Odyssey và Corolla. Các cán bộ kiểm tra thực tế 2 xe này gồm các ông Đoàn Văn Thọ (đã nghỉ hưu) và Nguyễn Hữu Huy (hiện là công an phường Tân Mai, Hoàng Mai).
Sai phạm của 2 người có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên công an đã gửi văn bản đề nghị Cục Hải quan TP Hà Nội xác định 2 ô tô trên có phải xe nhập khẩu không? Nếu là xe nhập trái phép, tiền thuế bị thất thu bao nhiêu.
Do phía hải quan chưa trả lời và thời hạn điều tra đã hết nên Công an TP Hà Nội đã quyết định tách rút tài liệu với các ông Thọ, Huy để điều tra xử lý sau.
Nhiều cán bộ công an liên đới trách nhiệm
Đáng chú ý, cơ quan điều tra xác định vụ án có trách nhiệm của một số cán bộ PC 67 Công an Hà Nội gồm các ông Đào Vịnh Thắng, Bùi Bá Mạnh – cùng nguyên Phó phòng PC67; Đinh Văn Hòa – Phó đội trưởng Đội đăng ký và quản lý phương tiện cơ giới đường bộ…
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Dũng Thạch Thất khai khi làm thủ tục cho 22 xe trên, không phải nộp khoản tiền nào cho cán bộ phòng PC 67 nhưng theo quy định, xe ô tô có nguồn gốc mua đấu giá không phải bắt buộc tiến hành giám định tài liệu hồ sơ xe.
Cơ quan điều tra cho rằng, với toàn bộ 22 xe trên, hồ sơ không thể hiện chủng loại và các thông số kỹ thuật; cán bộ phụ trách kiể tra, tiếp nhận phải yêu cầu chủ xe hoàn thiện hồ sơ mới có căn cứ kiểm tra thực tế và đối chiếu.
Tuy vậy, cán bộ PC 67 đã chỉ kiểm tra số khung, số máy và nhãn hiệu xe sau đó đề xuất cấp Giấy chứng nhận đăng ký và Biểm kiểm soát cho 22 xe trên. Tuy nhiên, đây không phải nguyên nhân chính dẫn đến “lọt lưới” 22 hồ sơ đăng ký của các bị cáo nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự với các cán bộ, lãnh đạo PC 67.
Bình luận