(VTC News) – Phải chịu mức phí giao dịch liên mạng “đắt đỏ”, nhưng khi xảy ra sự cố, các chủ thẻ ATM vẫn phải tự “cứu” lấy mình.
Mặc dù phải chịu mức phí giao dịch rút tiền liên ngân hàng ở mức trần là 3.300 đồng/giao dịch và mức phí giao dịch vấn tin liên ngân hàng ở mức trần 1.650 đồng/giao dịch như hiện nay, nhưng khi xảy ra sự cố, khách hàng vẫn phải tự “cứu” lấy mình.
Hiện nay, xảy ra rất nhiều trường hợp rút tiền không thành công (máy báo lỗi) và không "nhè" tiền ra, nhưng chủ thẻ ATM vẫn bị trừ tiền trong tài khoản khi thực hiện giao dịch tại cây ATM của một ngân hàng khác.
Với những trường hợp như vậy, ông Phạm Lê Như Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ của BIDV cho biết: “Trong trường hợp khách hàng (chủ thẻ) có phát sinh khiếu nại, theo quy định của các ngân hàng thì khách hàng cần đến ngân hàng nơi mở thẻ để kiểm tra thông tin và xử lý triệt để”.
Trong khi đó, một vị lãnh đạo của Vietinbank cho hay: “Khi xảy ra sự cố, khách hàng cần liên hệ ngay với ngân hàng quản lý cây ATM yêu cầu làm các thủ tục tra soát, đồng thời liên hệ ngay với ngân hàng phát hành thẻ để được tư vấn, hỗ trợ. Hoặc khách hàng cũng có thể gọi điện tới đường dây nóng của ngân hàng phát hành thẻ để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời”.
Tuy nhiên, thiết nghĩ với những thủ tục “khá cồng kềnh” và tốn nhiều thời gian như hiện nay tại một số ngân hàng thì các chủ thẻ ATM nên học cách “tự cứu” lấy mình trước khi nhận được “phao cứu hộ”.
VTC News xin gửi tới độc giả “vài chiêu” giúp bạn có thể xử lý nhanh gọn khi gặp phải sự cố với ATM như sau:
Bạn rút tiền trong nước, tại chính máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ mà ATM không chịu nhả tiền?
(Ảnh chỉ có tính minh hoạ - K.V)
Trước tiên, bạn cần gọi điện hoặc tới ngay chi nhánh ngân hàng – nơi quản lý cây ATM mà bạn vừa rút tiền. Trong trường hợp bạn không biết địa chỉ của chi nhánh đó, bạn có thể gọi điện tới số điện thoại hỗ trợ khách hàng (đường dây nóng) có in ngay mặt sau của thẻ ATM để được hỗ trợ.
Sau khi đến chi nhánh, bạn yêu cầu nhân viên ở đó viết tra soát giao dịch (trong đó bao gồm ngày giờ giao dịch, số tiền bạn rút, số tài khoản của bạn …). Nhân viên ở đó sẽ có trách nhiệm hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng thực hiện tra soát cũng như thông tin cho ngân hàng phát hành giải quyết thoả đáng quyền lợi của khách hàng.
Bạn rút tiền trong nước, tại máy ATM của một ngân hàng khác, nhưng ATM không chịu nhả tiền?
Trong trường hợp này, bạn cũng nên tới ngay chi nhánh ngân hàng – nơi quản lý cây ATM mà bạn vừa rút tiền. Tại đây, nhân viên của chi nhánh đó sẽ phải có trách nhiệm hướng dẫn bạn thực hiện các thủ tục tra soát hoặc liên hệ với ngân hàng phát hành thẻ cho bạn để hỗ trợ giải quyết cho khách hàng kịp thời.
(Ảnh chỉ có tính minh hoạ - K.V)
Hoặc bạn cũng có thể tới chi nhánh ngân hàng – nơi phát hành thẻ cho mình để yêu cầu tra soát khiếu nại (thời điểm rút tiền, số tiền, số tài khoản, rút tại máy ATM nào…).
Tuy nhiên, cách hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất vẫn là bạn làm đồng thời cả 2 việc trên. Tức là khi xảy ra sự cố, bạn cần liên hệ ngay với ngân hàng quản lý cây ATM yêu cầu làm các thủ tục tra soát, đồng thời liên hệ ngay với ngân hàng phát hành thẻ để được tư vấn, hỗ trợ.
Bạn thực hiện giao dịch rút tiền liên mạng ở nước ngoài, với các tổ chức Visa/Master/Amex … mà ATM của ngân hàng khác không chịu “nhả” tiền?
Trước hết, bạn cần giữ lại biên lai giao dịch. Sau đó, bạn gọi điện tới đường dây nóng của ngân hàng phát hành thẻ cho mình tại Việt Nam (trong giờ hành chính), yêu cầu họ cung cấp cụ thể các thông tin về giao dịch bạn vừa thực hiện. Ngoài ra, bạn cũng yêu cầu họ gửi một lệnh xác nhận giao dịch đã thành công, tài khoản của bạn đã bị trừ số tiền là bao nhiêu tới ngân hàng – nơi quản lý cây ATM mà bạn vừa thực hiện giao dịch.
Sau đó, bạn tới chi nhánh của ngân hàng – nơi quản lý cây ATM mà bạn vừa thực hiện giao dịch, đưa lại cho họ hoá đơn giao dịch không thành công, đồng thời yêu cầu họ kiểm tra lại các thông tin mà phía ngân hàng phát hành thẻ cho bạn tại Việt Nam vừa gửi sang để họ có biện pháp xử lý kịp thời.
M.Q
Bình luận