• Zalo

Làm gì để giảng viên không còn phải 'dạy chay' trong trường đại học?

Giáo dụcThứ Bảy, 17/12/2016 18:28:00 +07:00Google News

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng để nâng cao được chất lượng giáo dục thì cần phải khắc phục được tình trạng "dạy chay" của các giảng viên trong các trường đại học.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng chất lượng giáo dục hiện nay không cao bởi một phần nguyên nhân do không được đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất. Vì vậy, chất lượng thực hành, thực nghiệm của học sinh, sinh viên Việt Nam còn yếu kém.

Ðã hàng chục năm nay, dư luận liên tục cảnh báo về việc "dạy chay, học chay". Vì vậy, việc giảng dạy theo kiểu thầy đọc, trò chép, không có thí nghiệm thực hành, thực nghiệm liên hệ với đời sống, sản xuất đang diễn ra rất phổ biến.

phong thi nghiem

 Sinh viên hiện đang thiếu phòng thí nghiệm, phòng thực hành để nâng cao tay nghề

Một khảo sát của Cục Cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em (Bộ Giáo dục  và Đào tạo) cho thấy 50% trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam có điều kiện cơ sở vật chất ở mức dưới chuẩn.

Nhiều người đã gọi đó là “thảm cảnh” của nền giáo dục đại học ở Việt Nam. Song đó là một thực tế đã nhiều năm, khi các trường đại học tồn tại, phát triển không theo một kế hoạch và quy chuẩn chung nào về cơ sở vật chất.

Ngân sách giáo dục hạn chế được coi là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nghèo nàn, lạc hậu về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường đại học, cao đẳng.

Dù ông Nguyễn Trường Giang, Vụ Ngân sách tài chính sự nghiệp - Bộ Tài chính, vẫn khẳng định ngân sách dành cho giáo dục đại học đã được ưu tiên “hết mức có thể” nhưng không thể tìm sự đột phá ở việc tăng chi ngân sách cho giáo dục đại học hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng việc cải tạo và hiện đại hóa cơ sở vật chất hiện có chỉ là giải pháp mang tính đối phó trước mắt nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của từng trường chứ không phải giải pháp cơ bản để giải quyết bất cập về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.

Ngay tại các trường cũng chỉ có thể 20-30% đáp ứng được nhu cầu thí nghiệm, thực hành cho sinh viên chứ không thể đáp ứng hết được.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến các trường có tình trạng “dạy chay, học chay” vì hoàn toàn không hề có phòng thí nghiệm, thực hành cho sinh viên thực tập. 

Dh-cong-nghe-dong-nai-1

Sinh viên ĐH Công nghệ Đồng Nai 

Trước vấn đề "sống còn" để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, TS Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Đồng Nai cho biết đã có nhiều biện pháp khắc phục tình trạng "dạy chay, học chay".

TS Phan Ngọc Sơn cho biết vì xác định được tầm quan trọng của vấn đề này nên nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho các sinh viên. Không gian trường khang trang, sạch sẽ và bề thế sẽ là điểm thu hút đầu tiên khi sinh viên bắt đầu bước vào ngôi trường này.

"Với tư cách là một nhà quản lý giáo dục, tôi luôn có một trăn trở làm sao đào tạo được con người có thể tự nuôi được chính họ. Nghĩa là sinh viên sau khi ra trường thì phải có việc làm mà là việc làm tốt để nuôi bản thân và gia đình", TS Sơn nói.

Vì thế, vị hiệu trưởng ĐH Công nghệ Đồng Nai cho rằng phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn.

Sản phẩm khoa học phải ứng dụng được, mang lại lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng. Việc này không phải chỉ riêng trong đội ngũ giáo sư mà phải ở tất cả các giảng viên, cả các em sinh viên.

Nhà trường phải tạo được điều kiện tốt hay còn gọi là sân chơi để các em phát huy mọi ý tưởng sáng tạo bên cạnh giỏi tay nghề, thuần thục các kỹ năng.

DH-Cong-nghe-DongNai-2

Sinh viên đến nhập học tại ĐH Công nghệ Đồng Nai

"Tôi không mơ ước trường phải có thật nhiều sinh viên mà mơ ước trường có nhiều sinh viên giỏi. Ít sinh viên nhưng phải thật giỏi, thật chất lượng, nghĩa là phải đào tạo thật sự chất lượng, theo kịp nhu cầu xã hội. Chuẩn bị đủ mọi điều kiện để làm sao trong 5 năm tới đào tạo bậc tiến sỹ, được phong học hàm, học vị", TS Sơn thông tin.

Vị hiệu trưởng ĐH Công nghệ Đồng Nai cho rằng sự thiếu hụt lao động có tình độ chuyên môn, tay nghề cao làm cho nền kinh tế càng ngày càng khó phát triển, khó đáp ứng nhu cầu xã hội.

"Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã cho các trường tự chủ trong vấn đề kinh tế, đây cũng là một bài toán cần được chính các lãnh đạo trường giải đáp để tìm hướng đi cho chính sinh viên và giảng viên nhà trường của mình. Đây cũng là điều mà trường Đại học công nghệ Đồng Nai định hướng và phát triển trong thời gian qua", ông Sơn nói.

Hải Yến
Bình luận
vtcnews.vn