• Zalo

Làm gì để bảo đảm an toàn cho công nhân xây dựng

Thời sựThứ Sáu, 18/09/2015 04:40:00 +07:00Google News

Sáu tháng đầu năm 2015 cả nước đã xảy ra hơn 3416 vụ tai nạn lao động. Số người chết và bị thương lên đến gần 3499 người.

(VTC News) - Sáu tháng đầu năm 2015 cả nước đã xảy ra hơn 3416 vụ tai nạn lao động. Số người chết và bị thương lên đến gần 3499 người. 

Riêng tháng 7 đã xảy ra hơn 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng ở Tp. Hồ Chí Minh. Số vụ tai nạn lao động gây chết người trong lĩnh vực xây dựng ngày càng gia tăng. Các tỉnh thành có nhiều vụ tai nạn như Bình Dương, Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình, Long An, Bình Định, Hà Nam….
Một số vụ nghiêm trọng xảy ra như: Vụ tai nạn ngày 09/01/2015 sập sàn bê tông tầng 7 tại số 1196 đường 3/2 quận 11 TP.Hồ Chí Minh của Trung tâm khoa học công nghệ làm 8 người bị thương. Vụ sập giàn giáo xảy ra ngày 25/3/2015 làm 13 người chết, 29 người bị thương tại công trình thi công sản xuất và lắp đặt thùng chìm trọng lực trong cảng Sơn Dương của công ty Sam Sung tại dự án Fomusa khu kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh. 
Vụ tai nạn sụt lở lò xảy ra ngày 20/5/2015 tại Xí nghiệp khai thác và kinh doanh than Đông Triều thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh làm 2 người chết. Vụ nổ lò sinh khí, xảy ra vào ngày 08/3/2015 làm 2 người chết tại Công ty cổ phần gốm màu Hoàng Hà, huyện Đông Triều Quảng Ninh. 
Ngày 10/7/2015 sập giàn giáo công trình tòa nhà 17 tầng Mapletree đường Nguyễn Văn Linh phường Tân Phong, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh làm chết 3 người, bị thương 5 người. Đấy là những vụ tai nạn trầm trọng làm thương vong đến tính mạng nhiều người.
Ở đây vấn đề được đặt ra là: 
Đối với nhà thầu thi công: một số đơn vị chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân; chưa thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn vệ sinh lao động cho người lao động trước khi giao việc ở công trường; chưa áp dụng các biện pháp phòng, tránh tai nạn, nhiều khu vực có môi trường làm việc thiếu an toàn như không có hệ thống che chắn, sàn thao tác an toàn, lan can bảo vệ, thiếu hệ thống đèn tín hiệu, biển báo nguy hiểm…; người sử dụng lao động không biết tình trạng sức khỏe người lao động khi tuyển dụng để bố trí công việc phù hợp; chưa tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đầy đủ cho người lao động theo quy định của pháp luật; chưa bố trí lao động có tay nghề theo đúng ngành nghề chuyên môn được đào tạo. 
Công tác kiểm tra đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố gây nguy hại tại nơi làm việc (công trường); kiểm tra thiết bị, các máy móc, kho tàng còn hạn chế, chưa đúng theo quy định (không có biên bản kiểm tra, nội dung kiểm tra không cụ thể…).
Đối với người lao động: Do đặc thù hoạt động xây dựng diễn ra ở mọi nơi, từ những công trình trọng điểm của nhà nước đến những công trình xây dựng khu công nghiệp dân sinh; phần lớn đối tượng lao động tham gia trong xây dựng là lao động tự do, lao động thời vụ, chưa được đào tạo đầy đủ, nghiêm túc. 
Do vậy, ý thức bảo hộ lao động chưa cao, mặt khác do phụ thuộc vào yếu tố cần có công ăn việc làm, chấp nhận làm việc trong những điều kiện lao động không đảm bảo an toàn, không yêu cầu người sử dụng lao động thiết lập quan hệ lao động (ký kết hợp đồng lao động) để đảm bảo quyền lợi của mình trong các tranh chấp lao động xảy ra nếu có.
 

Để đảm bảo cho người lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng chúng tôi đề nghị một số các biện pháp như sau:
Với cơ quan nhà nước quản lý về lao động trên địa bàn, cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền về pháp luật, ý thức an toàn vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp xây dựng và người lao động bằng các kênh truyền thông gián tiếp và truyền thông trực tiếp. 
Cần in ấn phân phát tờ rơi, áp phích, tuyên truyền trên báo, đài truyền hình, tổ chức tập huấn, huấn luyện cho người sử dụng lao động…. Đoàn thanh, kiểm tra của các tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn lao động và bảo vệ quyền được làm việc trong môi trường an toàn cho người lao động theo quy định của pháp luật. 
Với chủ đầu tư nên lựa chọn nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực xây dựng đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, có phương án tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho từng hạng mục công trình; có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn trong quá trình thi công, cương quyết đình chỉ, tạm dừng thi công khi nhận thấy có các nguy cơ xảy ra sự cố và tai nạn lao động.
Với nhà thầu thi công: Tổ chức triển khai nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động theo phương án đã được phê duyệt; tuyển dụng lao động phải được khám sức khỏe đầy đủ để bố trí công việc phù hợp; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động và phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. 
Đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải thực hiện việc kiểm định và đăng ký với cơ quan nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi đặt thiết bị để hoạt động; công nhân vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được huấn luyện kỹ năng an toàn lao động và được cấp chứng chỉ của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức huấn luyện công tác an toàn vệ sinh lao động cho toàn bộ người lao động theo quy định tại Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.
Đối với người lao động: Khi tham gia lao động trong lĩnh vực xây dựng phải yêu cầu nhà thầu thi công ký hợp đồng lao động để bảo đảm các quyền lợi của mình trong quan hệ lao động được thiết lập; tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện công tác an toàn vệ sinh lao động do nhà thầu thi công tổ chức; tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các biện pháp an toàn vệ sinh lao động của nhà thầu thi công trong thực hiện nhiệm vụ như: sử dụng, bảo quản đầy đủ và đúng cách các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cấp phát, trước khi bắt tay vào một công việc nào đó luôn luôn tìm xem tại vị trí mình làm việc có những nguy cơ, rủi do gì có thể xảy ra tai nạn lao động để có biện pháp phòng tránh, tự bảo vệ cho bản thân; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành an toàn vệ sinh lao động phòng ngừa các tai nạn lao động, hiểu được “An toàn lao động chính là bảo vệ chính bản thân mình”. 
Video: Tổng hợp các vụ tai nạn nghề nghiệp

Trong thời đại kiến thiết và phát triển đất nước hiện nay, xây dựng là một trong những lĩnh vực quan trọng nhưng dễ xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, gây chết người. Việc thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định của pháp luật về kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động và PCCN đảm bảo an toàn tại công trường, công trình cần được quan tâm đặt lên hàng đầu. 
Người sử dụng lao động và người lao động trong lĩnh vực xây dựng cần nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, phải xem việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động là công tác thường xuyên, liên tục. Qua đó sẽ giúp loại bỏ được những nguy cơ tai nạn, yếu tố nguy hiểm giảm thiểu được tối đa các vụ tai nạn lao động trong các công trình xây dựng. Đó là những giải pháp hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho người lao động./.
Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Quỳnh Như – An Phú 

Bình luận
vtcnews.vn