Để góp phần nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường, từ đó thay đổi hành vi bảo vệ môi trường, cùng với đó là giải đáp thắc mắc của người dân về vấn đề liên quan đến chủ đề này, kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Đài Tiếng nói Việt Nam đã lập ra hộp thư “Giảm thiểu ô nhiễm - Bảo vệ môi trường và hành động của bạn”.
Sau khi hộp thư được thành lập, chương trình nhận được rất nhiều các thắc mắc, câu hỏi của các thính giả về nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó, chủ đề "Không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường” nhận được sự quan tâm lớn của nhiều bạn thính giả.
Tại những tỉnh/thành phố có người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề bất cập như chưa được triển khai hiệu quả, đúng cách, dẫn tới hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên của môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Câu hỏi đầu tiên là của thính giả Trịnh Văn Mạnh ở tỉnh Hòa Bình. Thính giả đã gọi điện thoại đến số hotline của chương trình và đặt câu hỏi như sau:
"Cảm ơn Kênh VOV Sức khỏe đã phát sóng Hộp thư bảo vệ môi trường để chúng tôi có thể phản ánh những vấn đề về ô nhiễm. Hôm nay, tôi rất mong chương trình giải đáp, nhà tôi trồng lúa ít khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên những ruộng bên cạnh sử dụng rất nhiều, việc này có ảnh hưởng đến đất trồng lúa nhà tôi không?”
Với câu hỏi này, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới gửi câu giải đáp đến với bạn thính giả.
Theo TS Nghĩa, tất cả những thuốc bảo vệ thực vật nếu được sử dụng không hợp lý thì sẽ ảnh hưởng đến quần thể sinh vật, vi sinh vật ở trong đất.
"Nó tiêu diệt những vi sinh vật có lợi, côn trùng. Ngoài ra, khi nó dư thừa thì sẽ ngấm vào nước ngầm, ảnh hưởng tới động vật, thực vật thủy sinh. Về con người chúng ta hít phải, ăn phải và sử dụng trên nền nước sinh hoạt thì sẽ dễ bị mắc bệnh. Đây cũng là nguyên nhân gây ung thư ở nước ta”, TS Nghĩa nhấn mạnh.
Như vậy, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ gây tổn hại môi trường đất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, người dân nên sử dụng đúng loại thuốc được phép sử dụng, đúng liều lượng và nồng độ, cùng với đó thu hoạch đúng thời gian cho phép.
Hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đang ở trong tình trạng đáng báo động. Người dân chủ yếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo thói quen mà chưa áp dụng 4 đúng trong sử dụng thuốc: đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng phương pháp.
Một ví dụ cho thấy đó là ngoài việc phun tưới các loại thuốc kích thích sinh trưởng, người nông dân cứ thấy có dấu hiệu sâu bệnh là tiến hành phun thuốc phòng trừ, thậm chí không có dấu hiệu nhưng cứ phun thuốc phòng ngừa cho chắc. Có những trường hợp vừa phun xong, gặp mưa thì người hôm sau phun lại để đảm bảo thuốc có tác dụng.
Một trường hợp khác thường gặp đó là người dân ra mua thuốc về sử dụng, thấy không hiệu quả lại đổi sang sử dụng thuốc khác. Mỗi lần sử dụng thì không cho đủ liều lượng, nghĩ rằng càng cho nhiều thì càng có hiệu quả nên thường tưới đẫm thuốc bảo vệ thực vật.
Một số nhà nông thì lựa chọn cách chăm sóc cây "chắc ăn" hơn, đó là thấy cây trồng bị bệnh thì phun thuốc trị sâu bệnh, còn không bị bệnh thì phun thuốc phòng bệnh. Để cho chắc chắn, nhiều người phun thuốc phòng bệnh trước, sau đó nếu thấy cây bị sâu bệnh thì phun thêm thuốc trừ sâu, do đó cây trồng nào cũng bị "ngập" trong thuốc.
Các cán bộ chuyên môn đánh giá rằng, tất cả các cách làm trên đều là lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không làm tăng năng suất cây trồng mà còn ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, kinh tế.
Hiện nay, để giảm tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, cần sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, đơn vị liên quan như Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn các tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ hộ kinh doanh và nông dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giúp nông dân cập nhật thông tin kịp thời, xác định cụ thể thời gian, lựa chọn đúng loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ khi dịch hại xuất hiện.
Các cơ quan trên có trách nhiệm chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn; tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nông dân để thực hiện đúng các quy tắc trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; tạo ra các bể chứa thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật để giảm thiểu xả rác ra môi trường.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được chú trọng để góp phần nâng cao ý thức của nông dân, chủ cơ sở, cửa hàng kinh doanh, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Cần xử phạt nghiêm các hộ gia đình, hộ kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ các quy định về kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây nguy hại đến môi trường và an toàn sức khỏe người dân.
Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần hướng dẫn người dân chuyển sang các phương pháp canh tác an toàn hơn, tránh việc phụ thuộc vào thuốc. Cụ thể, có thể sử dụng các cách như:
- Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM): Bên cạnh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì việc áp dụng các biện pháp canh tác cơ bản như vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối, luân canh, xen canh cây trồng, sử dụng giống kháng và tuân thủ lịch thời vụ cũng có thể làm sâu bệnh ít xuất hiện, giảm việc phun thuốc giai đoạn đầu vụ. Việc giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn đầu vụ làm cho sinh vật có lợi và thiên địch duy trì trên đồng ruộng, làm tăng đa dạng sinh học, giúp khống chế sinh vật hại trong một ngưỡng cho phép. Chương trình IPM được chứng minh là có hiệu quả trong thực tế quản lý dịch bệnh.
- Áp dụng phương pháp đấu tranh sinh học để quản lý sâu hại trên đồng ruộng bằng cách sử dụng thiên địch (bọ xít hoa gai vai nhọn Eocanthecona furcellata), ong ký sinh... từ đó giúp giảm lượng thuốc trừ sâu nông dân sử dụng, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
- Công nghệ sinh thái cũng có thể áp dụng để khống chế sâu hại trên ruộng, làm giảm sử dụng thuốc BVTV. Ven bờ ruộng trồng các loại hoa có phấn hoa (sao nhái, đậu bắp, xuyến chi, ..) nhằm thu hút các loài thiên địch, góp phần làm tăng đa dạng sinh học trên ruộng, giúp khống chế sâu hại.
Bình luận