Năm 2017, hệ thống ngân hàng Việt Nam lần đầu tiên chứng kiến một thành viên cán mốc lợi nhuận vạn tỷ: Vietcombank với 11.018 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Điều mà Vietcombank làm được năm qua, rất có thể sẽ là điều mà 4 ngân hàng theo sau thực hiện được ngay trong năm 2018.
VietinBank, với 9.205 tỷ đồng lợi nhuận năm 2017, hiển nhiên sẽ đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ trong năm nay, thậm chí phá sâu. Trong khi đó, Techcombank đã trình kế hoạch lợi nhuận 2018 đạt 10.000 tỷ đồng, “chỉ” tăng 24% so với năm 2017 – điều hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào mức tăng lợi nhuận lên tới 100% năm qua.
Dù chưa chính thức công bố kế hoạch năm 2018 nhưng với lợi nhuận lên đến 8.126 tỷ đồng năm 2017 cùng đà tăng trưởng “khủng khiếp”, việc cán mốc lợi nhuận vạn tỷ là trong tầm tay VPBank.
Với BIDV, mức lãi năm qua là 8.800 tỷ đồng. Chỉ cần tăng lợi nhuận với tốc độ 14% - tương tự năm 2017, ngân hàng này đã có thể cán mốc 10.000 tỷ. BIDV hoàn toàn có thể phá sâu mức này, trong bối cảnh nợ xấu về cơ bản đã được đưa về mức an toàn.
Với mỗi ngân hàng, mỗi “bước chân” là mỗi khác bởi toan tính và chiến lược riêng. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, những ngân hàng “lợi nhuận vạn tỷ” trên đang cùng đi một hướng: trở về với “thiên chức” vốn có.
“Thiên chức”, hay chức năng cơ bản của ngân hàng, là dẫn vốn phục vụ nhu cầu vốn lưu động (thông qua tín dụng ngắn hạn), nhu cầu tiêu dùng (thông qua tín dụng bán lẻ) và nhu cầu sử dụng dịch vụ của tổ chức, cá nhân; còn cung ứng vốn trung, dài hạn là chức năng của thị trường chứng khoán, chủ yếu thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Năm qua, ở cả 5 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất hệ thống đều có chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng dần tín dụng ngắn hạn, tín dụng bán lẻ cũng như tăng mạnh hoạt động dịch vụ.
Nếu như năm 2016, tín dụng bán lẻ chiếm 33,1% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank thì sang năm 2017, con số đã được nâng lên tới 40,8% và sẵn sàng vượt 50% trong năm 2018. Vietcombank hiện hướng đến mục tiêu số 1 về hoạt động ngân hàng bán lẻ vào năm 2020.
Dù khiêm tốn hơn nhưng năm qua, tín dụng bán lẻ của VietinBank cũng đạt được thành quả đáng kể khi ghi nhận mức dư nợ bình quân 190.377 tỷ đồng, tăng 46.000 tỷ đồng so với bình quân năm 2016, tốc độ tăng tương ứng đạt mức cao 32%.
Với BIDV, điểm nhấn của ngân hàng này nằm ở việc gia tăng mạnh tín dụng ngắn hạn, từ 396.853 tỷ đồng lên 502.439 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 27% - cao hơn khá nhiều mức tăng tổng dư nợ tín dụng (19,7%). Tỷ trọng tín dụng ngắn hạn trên tổng dư nợ theo đó cũng tăng từ 55% năm 2016 lên 58% năm 2017.
Chuyển biến rõ rệt nhất là ở VPBank và Techcombank.
Trong khi 80% doanh thu năm 2017 của VPBank là đến từ khách hàng cá nhân, tài chính tiêu dùng (với “át chủ bài” FE Credit) và doanh nghiệp vừa và nhỏ thì Techcombank lại gây ấn tượng khi đạt mức lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lên tới 3.811 tỷ đồng (tăng 95%), cao nhất hệ thống ngân hàng.
Bản thân cả 2 ngân hàng này năm qua cũng tăng mạnh tỷ trọng tín dụng ngắn hạn trên tổng dư nợ tín dụng, từ 25% lên 32% đối với VPBank và từ 25% lên 33% đối với Techcombank.
Vì sao các ngân hàng lại có xu hướng trở về với “thiên chức” vốn có?
Có thể kể đến ngay một vài nguyên nhân. Thứ nhất, việc cấp tín dụng ngắn hạn dù có biên lợi nhuận thấp nhưng rủi ro cũng thấp – vừa giúp các ngân hàng duy trì thị phần lại giúp giảm thiểu nguy cơ nợ xấu.
Video: Cách chuyển tiền nhận được ngay khi ngân hàng nghỉ Tết
Thứ hai, tín dụng bán lẻ có biên lợi nhuận cao, lại ít cạnh tranh hơn do còn nhiều dư địa. Thứ ba, việc gia tăng hoạt động dịch vụ vừa giúp gia tăng lợi nhuận, lại vừa giúp gia tăng nguồn vốn giá rẻ do các khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn tăng lên.
Ngoài ra, cũng không thể không kể đến nguyên nhân đến từ sự khởi sắc của thị trường vốn nói chung cũng như thị trường chứng khoán nói riêng. Theo thống kê, năm 2017, cung ứng vốn cho nền kinh tế từ hệ thống tài chính ước khoảng 198% GDP, tăng 28,6% so với cuối năm 2016; trong đó, vốn từ hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 18,1%, vốn từ thị trường vốn tăng tới 66,4%.
Trở về với “thiên chức” không chỉ là câu chuyện riêng của các ngân hàng “lợi nhuận vạn tỷ” mà đã trở thành câu chuyện chung của hệ thống ngân hàng, từ những “ông lớn” khác như MB, HDBank, SHB đến các ngân hàng cỡ nhỏ hơn như LienVietPostBank, TPBank.
Bình luận