• Zalo

Làm đề thi đại học như thế nào?

Giáo dục Thứ Bảy, 05/07/2014 10:08:00 +07:00Google News

Sau khi ổn định ăn ở, tổ lịch sử của giáo sư B. và tổ làm đề của những môn thi khác như toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, địa lý, các môn ngoại ngữ bắt tay làm đề.

Sau khi ổn định ăn ở, tổ lịch sử của giáo sư B. và tổ làm đề của những môn thi khác như toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, địa lý, các môn ngoại ngữ bắt tay vào công việc làm đề.

Trước đó mấy hôm, khi tập trung tại Bộ GD-ĐT, lãnh đạo bộ đã gặp gỡ giáo viên ra đề thi để động viên đồng thời chỉ đạo: “Đề thi phải đảm bảo phân loại được thí sinh, không sai sót về chuyên môn, chính tả. Ngôn ngữ trong đề thi phải làm sao cho thí sinh miền Bắc, Trung, Nam, thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc ít người đều hiểu được”.
 Đại úy Trần Khắc Hiếu - trung đoàn cảnh sát cơ động PK20 Công an TP Hà Nội - bảo vệ cẩn mật tại khu vực lưu trữ bài thi.
Đại úy Trần Khắc Hiếu - trung đoàn cảnh sát cơ động PK20 Công an TP Hà Nội - bảo vệ cẩn mật tại khu vực lưu trữ bài thi. 
Bám sát sách giáo khoa

Tại mỗi tổ, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị sẵn sách giáo khoa của từng môn theo chương trình chuẩn, chương trình nâng cao, sách giáo viên, phần giảm tải và cả đề thi đại học những năm trước để giáo viên làm đề thi tham khảo.

“Người ra đề sẽ xem kỹ phần giảm tải trong sách giáo khoa để tránh ra đề vào những phần ấy. Ngoài ra, đề thi đại học những năm gần đó cũng được tham khảo để tránh ra trùng đề” - giáo sư B. nhớ lại.


Tại tổ lịch sử, các cán bộ ra đề thi bắt đầu thảo luận về tỉ lệ lịch sử VN và lịch sử thế giới trong đề thi. “Đề có bốn câu sẽ có ba câu lịch sử VN và một câu lịch sử thế giới.

Những phần kiến thức làm đề thi được khoanh vùng như: dựa vào kiến thức trong chương trình phổ thông, bám sát chương trình sách giáo khoa phổ thông, không ra đề nằm ngoài chương trình, loại những phần đã ra trong những năm gần đây, không ra trong chương trình giảm tải, kiến thức sẽ ra ở lớp 11, 12 và chủ yếu ở lớp 12...” - ông B. nói thêm.


Tại tổ vật lý, PGS.TS L.V. - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - kể thông thường đề thi sẽ ra theo kiểu học gì thi nấy. “Nội dung ra đề đều nằm trong sách giáo khoa hết. Đề thi phải trong chương trình học và không được đánh đố thí sinh”.

Cũng ra đề thi vật lý, một cán bộ ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng ra đề thi môn tự nhiên khó nhất là có một lời giải duy nhất. Vị cán bộ này kể rằng tổ vật lý có một giáo sư đầu ngành, tham gia ra đề thi nhiều năm truyền đạt lại cho những cán bộ ra đề trẻ hơn: “Các bạn ra đề thi làm sao để người học trung bình không bao giờ làm được điểm 10 mà phải giỏi mới làm được”.


Ngoài việc tham khảo sách giáo khoa, một cán bộ làm đề thi môn lịch sử còn tham khảo... những bài báo viết về đề thi môn này trong những năm trước. Ông đóng thành một tập thật dày gồm những bài báo khen, chê đề thi, ý kiến của những chuyên gia, thí sinh, phụ huynh về đề thi đại học. “Tham khảo tất cả các nguồn với mong muốn làm một đề thi tốt nhất cho thí sinh” - cán bộ ra đề thi đến từ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói.
Túi đựng đề thi môn toán kỳ thi tuyển sinh khối A năm 2014 còn nguyên niêm phong.
Túi đựng đề thi môn toán kỳ thi tuyển sinh khối A năm 2014 còn nguyên niêm phong. 
4 nguyên tắc ra đề

Nhiều năm làm công tác ra đề thi đại học, PGS.TS T.Đ. - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - xây dựng cho mình bốn nguyên tắc trong ra đề thi đại học.

Ông nói: “Nguyên tắc thứ nhất là bám sát chương trình sách giáo khoa, cụ thể là lớp 12. Anh ra đề vào lớp 10 là sai nguyên tắc, chết học trò ngay. Nhảy vào đầu lớp 11 xa quá cũng không được. Trong chương trình học của học sinh không học lịch sử Canada, Úc thì cũng không được hỏi. Thứ hai là trong đề thi lịch sử luôn có hai phần: lịch sử VN và lịch sử thế giới. Thường là lịch sử VN chiếm 70% và còn lại là lịch sử thế giới”.

Ông T.Đ. nói thêm: “Nguyên tắc thứ ba là để đạt được mục tiêu của kỳ thi tuyển chọn học sinh vào đại học nên phải có sự phân hóa, sàng lọc sao cho đề dễ một tí, trung bình một tí và khó một tí. Theo tôi, một đề thi đẹp là 50% thí sinh phải làm được 5-6 điểm, 25% làm được 7 điểm trở lên và 25% dưới trung bình.

Phân hóa như thế mới đạt yêu cầu của đề thi. Nguyên tắc thứ tư đề thi phải tường minh, rõ ràng, không thừa một từ và không thiếu một từ. Phải trong sáng, rõ ràng và hiểu một cách rành mạch, không được hiểu khác”.


Trong bốn nguyên tắc trên, người ra đề trăn trở nhất phần thứ ba và thứ tư. “Hoặc khó quá, hoặc dễ quá, hoặc không chính xác cũng không được. Ra đề thi mà bị hiểu sai, hiểu câu hỏi theo những cách khác nhau là hỏng.

Đề thi khó quá thì chết trò, dễ quá xã hội bảo thế này mà cũng thi. Đó là áp lực của người ra đề” - ông T.Đ. ưu tư. Những nguyên tắc ấy được thầy T.Đ. tự xây dựng dựa trên kinh nghiệm của mình và tuân thủ để có một đề thi tốt nhất.


Ở môn lịch sử có nhiều đề được đề xuất sẵn. Những đề này trước đó Bộ GD-ĐT đã mời các chuyên gia đề xuất và giáo viên ra đề dựa vào đó làm đề.

“Người làm đề không được đưa ý nào của mình vào đề cả. Mỗi một đề đã được đề xuất chỉ lấy một ý trong đó thôi. Xong rồi các giáo viên sẽ giải trình trước tổ tại sao mình lấy ý này của đề xuất A. Đây là việc Bộ GD-ĐT quy định để tránh chủ quan của người ra đề với đề thi...” - thầy T.Đ. giải thích.


Quá trình làm đề đã xuất hiện những tình huống khiến tổ làm đề “vò đầu bứt tai” và cả chuyện “cãi nhau đến đỏ mặt”.
Cách ly cả... rác thải

Theo quy tắc bảo mật và biệt lập của khu ra đề, nhiều năm qua, trong thời gian các giáo viên ra đề phải cách ly thì toàn bộ rác thải suốt một tháng trời của hội đồng ra đề cũng chung số phận... cách ly như khổ chủ.

Toàn bộ rác được gom lại trong khu cách ly và chỉ được chuyển ra ngoài xử lý khi kỳ thi kết thúc, các thành viên của hội đồng ra đề cũng được “ra trại” về nhà.

Cũng vì lý do “nội bất xuất, ngoại bất nhập” của khu làm đề, tránh nguy cơ có thể lọt ra ngoài những vật dụng không mong muốn, kể cả một tờ giấy bỏ đi, các thầy cô ra đề phải tuân thủ nguyên tắc quần áo chỉ được giặt trong khu cách ly!

“Những năm đầu nhiều thầy khốn khổ vì ở nhà toàn được vợ con “ưu tiên” giặt giũ hộ, nay vì “vinh dự” vào trại đề mà hết giờ làm lại phải ngồi giặt tay.

Vì thế hiện tại ở mỗi đợt ra đề, Bộ GD-ĐT đều phải lo bố trí máy giặt để các thầy được giải phóng tay chân”- một thành viên ban chỉ đạo thi cho biết. Tuy nhiên, theo một số thầy cô thì cả khu làm đề chỉ có một máy giặt nên các cô giáo vẫn phải giặt đồ bằng tay, nhường máy giặt cho các “đấng mày râu”.

Theo Hải Bình - Ngọc Hà/ Tuổi trẻ

Bình luận
vtcnews.vn