• Zalo

Lạm bàn về 'tâm bão' trong phương án thi THPT quốc gia 2017

Giáo dụcThứ Bảy, 10/09/2016 06:18:00 +07:00Google News

Dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017 đang nhận được nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc, tâm tư và cả bức xúc của học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo trước thay đổi đột ngột của Bộ GD-ĐT.

Một trong những điểm gây “bão” trong phương án 2017 là bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên nhiên (Vậy lí, Hóa học, Sinh học); khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Lý do được viện dẫn nhiều nhất ảnh hưởng rất lớn đến việc xét tuyển của các trường đại học vốn theo tổ hợp các môn thi khối A, B, C, D... trong khi các bài thi tổng hợp lại ghép 3 môn vào chung một khối.

thi thpt quoc gia -19

 Phương án thi THPT quốc gia 2017 được dư luận đặc biệt quan tâm

Trong khi đó, học sinh lớp 12 đã định hướng học theo khối từ lớp 10 sẽ khó có thể hoàn thành trọn vẹn 1 bài thi tổng hợp có những môn không dùng xét tuyển đại học.

Kỳ thi THPT quốc gia không phải là kỳ thi ĐH

Thực tế trên cho thấy dường như vẫn có tâm lý coi kỳ thi THPT quốc gia là một kỳ thi phục vụ xét tuyển cho các trường đại học chứ không phải là kỳ thi đánh giá đúng năng lực học sinh, chất lượng giảng dạy của giáo dục phổ thông.

Là một kỳ thi tốt nghiệp thì tinh thần “học gì thi nấy”, đánh giá toàn diện năng lực học sinh trong một kỳ thi THPT quốc gia là điều không cần bàn cãi.

Thăm dò ý kiến: Có nên sử sụng bài thi tổng hợp trong kỳ thi THPT quốc gia 2017

Phương án 2017 cho phép học sinh được lựa chọn bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội tương ứng với chủ trương đổi mới giáo dục có định hướng phân luồng trong những năm cuối phổ thông.

Còn với ý nghĩa lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để phục vụ các trường đại học xét tuyển có 2 điểm đáng quan tâm. Trước hết, theo Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được hoàn toàn tự chủ tuyển sinh trên cơ sở những thí sinh đã tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể, những năm gần đây Bộ GD-ĐT đã hỗ trợ các trường trong tuyển sinh bằng việc đứng ra tổ chức kỳ thi 3 chung và từ năm 2014 là kỳ thi THPT quốc gia có thêm mục đích xét tuyển đại học.

Việc các trường đại học sử dụng trực tiếp kết quả thi THPT kết hợp học bạ để xét tuyển hoặc làm cơ sở sơ tuyển kết hợp với bài thi đánh giá riêng là quyền của mỗi trường.

Thứ hai, các đợt tuyển sinh ĐH từ năm 2014 trở lại đây, áp lực cạnh tranh chỉ xuất hiện ở nhóm trường tốp trên với khoảng 60.000 - 100.000 thí sinh đăng ký xét tuyển.

Trong khi nhóm trường đại học tốp giữa và tốp dưới không gặp vấn đề trong tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT. Gần đây nhất là đợt xét tuyển ĐH, CĐ 2016 cho thấy đề thi THPT quốc gia đáp ứng được yêu cầu phân hóa để xét tuyển đại học.

Nhưng những điều này không có nghĩa kỳ thi THPT quốc gia là một kỳ thi đại học.

thi-thpt-quoc-gia--24

 Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016

Trả lại ý nghĩa cho kỳ thi tốt nghiệp

Quay trở lại ý nghĩa của kỳ thi THPT quốc gia, quá trình đổi mới nhằm tiến tới mục tiêu cuối cùng là tổ chức kỳ thi đơn giản, nhẹ nhàng, không gây áp lực cho xã hội nhưng bảo đảm đánh giá trung thực, tin cậy về năng lực học sinh, chất lượng giảng dạy chứ không chỉ giới hạn ở tỷ lệ đỗ tốt nghiệp.

Để làm được điều này cần đạt được một số yêu cầu quan trọng nhất trong kỳ thi là học sinh được thi tại trường; đề thi không thể quay cóp, bao phủ toàn diện kiến thức học sinh; chấm thi công bằng chặt chẽ; thời gian thi không kéo dài...

Lý tưởng nhất, theo một số chuyên gia giáo dục là học sinh được thi trên máy tính bằng một bài thi duy nhất như mô hình bài thi tích hợp áp dụng tại một số nước tiên tiến.

Trong điều kiện của Việt Nam 3 năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thử nghiệm và chính thức áp dụng bài thi đánh giá năng lực tổng hợp, tổ chức nhiều đợt thi để xét tuyển thí sinh vào các khoa, trường thành viên với sự tham gia của hàng chục nghìn thí sinh, đồng thời mở rộng ra một số địa phương như Thái Nguyên, Đà Nẵng...

Nhiều học sinh đã “trúng tuyển” vào Đại học Quốc gia Hà Nội trước khi thi tốt nghiệp, không có sự chênh lệch so với kết quả thi THPT sau đó.

Đây là cơ sở để Bộ GD-ĐT có những đổi mới ở kỳ thi THPT quốc gia 2017 dựa trên ngân hàng đề thi trắc nghiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được xây dựng, bổ sung với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, giảng viên, giáo viên, nhà trường, viện nghiên cứu...

Cùng với đó việc xây dựng đề thi phải bảo đảm ít nhất trong 1 phòng thi không có đề thi nào giống nhau, in ra giấy bài thi trắc nghiệm, chấm bằng máy sẽ bảo đảm kết quả công bằng, tin cậy, trung thực cho kỳ thi.

Về phía các trường đại học, việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT như thế nào trong phương án tuyển sinh của mình là quyền của các trường.

Với dự kiến kết cấu bài thi tổng hợp gồm các phần câu hỏi riêng biệt cho từng môn (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa Lí, Giáo dục công dân) vấn đề đặt ra là đề thi phải bảo đảm được sự phân hóa trình độ tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Dù còn có nhiều ý kiến lo ngại nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế là kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH quốc gia Hà Nội gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm ở tất cả các môn đã đáp ứng được yêu cầu phân hóa thí sinh. Tức là năng lực ra đề bài thi tổng hợp có thể đáp ứng được yêu cầu xét tuyển theo tổ hợp môn thi, khối thi của các trường đại học.

Video: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bật mí công tác chấm thi THPT quốc gia 2016

Đề thi 2017 chỉ trong lớp 12

Và sự băn khoăn việc học sinh định hướng theo khối nên có thể khó hoàn thành được bài thi tổng hợp đã được Bộ GD-ĐT giải tỏa.

Bộ GD-ĐT khẳng định, năm 2017 nội dung đề thi chỉ giới hạn trong lớp 12, phần câu hỏi để xét tốt nghiệp là những kiến thức hết sức cơ bản.

Về lâu dài những cải thiện về năng lực ra đề, sự phát triển của ngân hàng đề thi, ứng dụng CNTT để tổ chức thi trên máy tính... sẽ thực sự đưa kỳ thi THPT quốc gia trở thành một kỳ thi đơn giản, nhẹ nhàng, không còn nhiêu khê cho học sinh, gia đình và xã hội.

Từ đó, việc này giúp ngành giáo dục đánh giá trung thực, toàn diện về chất lượng giáo dục phổ thông; cung cấp kết quả, “số đo” tin cậy, khách quan cho các trường đại học làm cơ sở xây dựng phương án tuyển sinh theo đúng quy định của Luật Giáo dục Đại học.

Để đi tới cái đích cuối cùng ngành giáo dục vẫn cần những bước trung gian có cả sự tích cực cùng hạn chế, bất cập. Điều quan trọng những bước đổi mới cần phải được chuẩn bị kỹ càng, khoa học; công khai, minh bạch có giải thích, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp từ người dân, dư luận, xã hội.

Trên cơ sở đó đạt được sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình thực hiện để đạt được mục tiêu cuối cùng trong thời gian ngắn nhất có thể. 

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn