Vừa qua, trong việc xử lý vi phạm hành chính còn nhiều trường hợp lái xe vi phạm cản trở, chống đối lực lượng chức năng như cố thủ trong xe không hợp tác, khóa xe lại bỏ đi, thậm chí chống người thi hành công vụ.
Trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tất cả những hành vi đó đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh.
Những hành vi chống đối sẽ bị áp dụng mức xử phạt hành chính cao nhất, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.
Cụ thể, khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019 quy định, với hành vi không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.
Và Khoản 11, Điều 5 của Nghị định này quy định, với hành vi không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng.
Đây là mức phạt tương đương với mức vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, thực tế cho thấy, có những phương tiện giao thông giá trị thấp hơn mức xử phạt, tuy nhiên, trong trường hợp này người tham giao thông vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt.
Người vi phạm phải nộp tiền phạt nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành, đồng thời bị tước giấy phép lái xe trong thời hạn.
“Nếu không nộp phạt thì không lấy lại được giấy phép lái xe, không được cấp lại giấy phép lái xe và không có cơ hội được tham gia giao thông một cách hợp pháp. Bởi vậy, dù giá trị phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ có nhỏ hơn số tiền nộp phạt thì người tham gia giao thông vẫn có trách nhiệm phải nộp phạt với hành vi vi phạm của mình”- luật sư Cường nói thêm.
Luật sư Cường cho biết, theo quy định pháp luật, nếu người vi phạm chấp hành, ký văn bản thì có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ. Còn trường hợp không chấp hành như: cố thủ trong xe, khóa xe bỏ đi, có hành vi chửi bới lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng hoặc không ký vào văn bản... thì vẫn bị lập biên bản, có người làm chứng và xử lý bình thường. Trường hợp này, người vi phạm sẽ bị xử phạt với mức nặng nhất.
Đối với hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng tùy vào tính chất mức độ của hành vi, hậu quả xảy ra người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với những hành vi tấn công lại lực lượng chức năng thì chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo luật sư Cường, với trường hợp nếu lái xe chốt cửa, cố thủ trong xe và có biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng hoặc có biểu hiện bất thường khác thì để cứu tính mạng của người trong xe, cảnh sát giao thông có thể phá kính, cạy cửa để giải cứu người trong xe.
Còn trường hợp lái xe cố thủ trong xe, không chấp hành yêu cầu kiểm tra phương tiện hoặc kiểm tra nồng độ cồn, có đủ căn cứ xử lý hành chính thì cảnh sát có thể cẩu cả xe lẫn người về nơi tập kết, tạm giữ phương tiện. Thực tiễn đã có nhiều trường hợp vi phạm và đã bị xử lý nghiêm minh.
"Hành vi không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra nồng độ cồn đã được lường trước và quy định ở mức xử phạt cao nhất. Không cần phá cửa kính, cũng không cần đưa tài xế ra ngoài, cảnh sát giao thông vẫn lập biên bản và ra quyết định xử lý. Trường hợp phải giữ phương tiện thì sẽ cẩu cả người và xe về nơi tạm giữ", luật sư Cường nói.
Tại phiên họp thứ 42, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhắc đến trường hợp "lái xe thấy bị công an kiểm tra thì đóng cửa xe bỏ đi, không chấp hành", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng "cần phạt nặng để lần sau phải tuân thủ”.
Bình luận