Lúc mới xâm nhập thị trường Việt Nam, Grab và Uber đã đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng cũng như các đối tác lái xe của mình.
Tuy nhiên, khi thị trường được định hình và đi vào guồng, 2 ông lớn trong ngành taxi công nghệ bắt đầu tung ra nhiều quy định khắt khe như tăng chiết khấu chẳng hạn. Một số đối tác lái xe của Grab và Uber gọi đây là chiêu “bóc lột”.
Uber, Grab “thả thính” thế nào?
Ngày 15/1, hơn một trăm tài xế Grab Car đã tập trung tại tòa nhà ở ngõ 78 Duy Tân, Hà Nội – nơi đặt trụ sở Grab, để phản đối việc tăng mức chiết khấu từ 23,6% lên đến 28,36%.
Nhiều tài xế đồng loạt tắt ứng dụng để bày tỏ sự bức xúc của mình. Tình trạng này kéo dài tới 11h trưa. Sự việc khiến tuyến đường ách tắc, phương tiện khó qua lại.
Đến trưa cùng ngày, tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở văn phòng hỗ trợ đối tác của Uber tại đường Vạn Phúc. Một tài xế còn dán lên thân xe dòng chữ “Chung tay tắt app Grab- Uber. Yêu cầu giảm chiết khấu”. Hiện tại, Uber Việt Nam áp dụng mức chiết khấu là 29,5%.
Trước phản ứng của các đối tác, Uber không cử người đứng ra giải quyết. Nhiều tài xế bày tỏ họ muốn đối thoại nhưng rất bức xúc vì phía Uber đã khoá chặt cửa văn phòng, không tiếp, dù bên trong văn phòng có người làm việc.
Quay trở lại vài năm trước, thời điểm Grab mới bước chân vào thị trường Việt Nam (2014), doanh nghiệp công nghệ này đã vạch ra rất nhiều chiến lược kinh doanh có nhiều “tuyên ngôn” bất hủ như: Với tầm nhìn “Đưa Đông Nam Á tiến về phía trước", Grab đã và đang quyết tâm đưa ra những giải pháp cho các vấn đề giao thông hiện hữu, nhằm mang đến trải nghiệm tự do đi lại cho hàng triệu công dân.
Grab tạo nên một nền tảng giao thông an toàn nhất và khiến việc đi lại trở nên dễ dàng hơn với tất cả mọi người.
Đặc biệt, Grab cam kết vải thiện đời sống của các đối tác: “Một doanh nghiệp hoạt động bền vững không chỉ dừng lại ở việc sinh lợi mà điều quan trọng hơn hết, là cùng nhau chia sẻ và góp phần cải thiện đời sống của tất cả các bên có quan hệ mật thiết với sự sống còn của doanh nghiệp: tài xế, hành khách, chính quyền sở tại và nói rộng hơn - là hướng đến lợi ích xã hội trên diện rộng”, lời giới thiệu của Grab Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, Uber cũng đưa ra nhiều tiêu chí hướng tới cộng đồng, đặc biệt là phía khách hàng cũng như các đối tác của Uber. Trong lời giới thiệu về mình, Uber đưa ra một số nhân vật là đối tác của hãng với thu nhập toàn 30 – 40 – 50 triệu đồng/tháng, gấp 10 lần so với lương bình quân đầu người tại Việt Nam để thu hút đối tác.
Trong những năm 2016 – 2017, Uber và Grab cũng có nhiều chương trình ưu đãi để cạnh nhau nhau, thu hút các đối tác của nhau như tăng cước giờ cao điểm hoặc khung giờ hành chính cho các đối tác lái xe của mình.
Một số các hiệu ứng dây chuyền như truyền thông, quảng bá và những lời chia sẻ của các đối tác với nhau đã khiến Uber, Grab bành trướng tại Việt Nam, lấn át tất cả các doanh nghiệp taxi vận tải trong nước.
Việc “thả thính” của Uber và Grab đã tạo ra một nguồn nhân lực khổng lồ là đối tác của hai nền tảng công nghệ này. Từ các tầng lớp hưu trí, xe ôm truyền thống, công nhân, những người dư thừa thời gian,... cho tới công chức nhà nước, học sinh – sinh viên,.... đều hăm hở đăng ký làm đối tác của Uber, Grab.
Tuy nhiên, khi nguồn “cung” đã bão hòa, Uber và Grab bớt thân thiện hơn. Hai doanh nghiệp tung ra mức chiết khấu cao ngất ngưởng, khiến nhiều đối tác phải bất bình.
Video: Tài xế Grab yêu cầu giảm chiết khấu
"Cá nằm trên thớt"
Nhiều lái xe Uber và Grab cho rằng, mức chiết khấu mới là quá cao. Tài xế Uber Đinh Xuân Vịnh (Thanh Hóa) cho rằng, mức chiết khấu 25% của Uber Việt Nam là quá cao: “Tôi được biết, mức chiết khấu Uber tại Indonesia chỉ 10%, nhưng tại sao về Việt Nam lại cao như vậy?”.
Ngoài phần chiết khấu 25%, tài xế còn phải đóng thêm 4,5% thuế thu nhập cá nhân Uber thu để đóng hộ. Do đó, tài xế tập trung phản đối, yêu cầu Uber đưa chiết khấu về 15% như thời điểm trước đó.
Trong khi đó, tài xế Grab Hoàng V.Tải (Hà Nội) cho rằng, Grab không nên tùy tiện tăng chiết khấu: “Chúng tôi yêu cầu được đối thoại, Grab là một doanh nghiệp lớn, không thể muốn tăng lúc nào thì tăng. Lần trước, Grab cũng tự ý tăng chiết khấu từ 15% - 20%, bất chấp phản đối từ đối tác”.
Anh Tải cho rằng, việc các doanh nghiệp tăng chiết khấu là điều không tránh khỏi, nhưng mức chiết khấu của Grab là quá cao, vô lý và bất ngờ.
“Anh em lái xe công nghệ chúng tôi đa phần mua ô tô trả góp, việc tăng chiết khấu quá cao như thế này không đủ để trả lãi suất ngân hàng. Khác gì ép lái xe vào đường cùng”, anh Tải nói thêm.
Một tài xế GrabCar cho biết, thời gian trước (khoảng năm 2016), lượng GrabCar chưa bùng nổ như hiện nay, một ngày anh này có thể kiếm được 1 – 2 triệu đồng tiền lãi là điều bình thường.
Tuy nhiên, do bùng nổ đối tác, lượng xe Grab hoặc Uber đang rất đông nên cũng ảnh hưởng tới thu nhập của lái xe.
Anh Tải cho biết, nếu chạy xe trong nửa ngày (khoảng 12 – 13 tiếng), mỗi ngày anh Tải chưa kiếm được 1 triệu đồng tiền lãi, chỉ bằng 1 nửa so với thời gian trước.
Vì vậy, việc tăng chiết khấu cao như hiện nay sẽ càng làm tăng gánh nặng, chi phí cho lái xe: “Tôi mua xe trả góp để chạy Grab, số tiền lãi cũng đủ để chi trả cho sinh hoạt của vợ chồng và hai đứa con đang tuổi đi học.
Tuy nhiên, việc chiết khấu tăng sẽ khiến cuộc sống chúng tôi ảnh hưởng ít nhiều, khả năng trả lãi ngân hàng sẽ giảm; thậm chí còn có nguy cơ mất xe”.
Uber và Grab đổ bộ vào Việt Nam đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc vận tải hành khách ở các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Giá cước minh bạch hơn, an toàn hơn và cũng tạo ra nguồn thu nhập cho những người dư thừa thời gian.
Lợi ích của 2 DN này là điều khó có thể phủ nhận, tuy nhiên, những động thái tăng chiết khấu mới đây của Uber, Grab được nhiều đối tác đánh giá là chiêu “bóc lột” và ví mình như "con cá đớp phải thính".
Bình luận