• Zalo

Lãi vay rẻ: Doanh nghiệp phải chờ thêm ít nhất 3 tháng?

Kinh tếThứ Hai, 18/06/2012 04:18:00 +07:00Google News

(VTC News) - Độ trễ nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại phải ít nhất là 3 tháng, doanh nghiệp mới tiếp cận được với mức lãi suất như quy định.

(VTC News) - Điểm nghẽn vốn lúc này lại chính từ doanh nghiệp (DN) không vượt qua được mắt sàng quản trị chất lượng tín dụng của ngân hàng khi nợ cũ vẫn còn và hàng tồn kho chất đống. Không những thế, theo tính toán của giới chuyên gia, độ trễ nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại phải ít nhất là 3 tháng, doanh nghiệp mới tiếp cận được với mức lãi suất như quy định.

Vốn tín dụng vấp hàng tồn kho

Có thể nói, trên nền vốn huy động ngắn hạn 9%/năm, lãi suất cho vay 13%/năm là mặt bằng hợp lý trên thị trường và lãi suất sẽ khó giảm thêm ít nhất đến hết quý III/2012. Vậy nhưng, thực tế, từ mấy tháng nay, lãi vay hiện không còn là vấn đề lớn, quan trọng là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) đến đâu nếu tình trạng sản xuất, kinh doanh còn ỳ ạch.

Theo Bộ Công thương, lượng hàng tồn kho tính đến tháng 5 đã tăng 20 – 25% so với cùng kỳ năm 2011. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng mới được công bố đã lên tới 10%.

Nhiều đại diện DN vẫn kêu rằng lãi suất vay vẫn còn cao so với sức chịu đựng của đa số doanh nghiệp hiện nay, nhất là trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu bị co hẹp, sức cầu trong nước giảm sút. Vốn vay lãi suất thấp luôn là vấn đề quan trọng với DN. Nhưng ở thời điểm này, theo nhiều đại diện DN thì họ cần nhất là chính sách kích cầu một cách hợp lý.

 


Công ty cổ phần (CTCP) Xi măng Hữu Nghị (Phú Thọ), đang khó khăn về vốn nhưng lãnh đạo DN này cho biết “không quá kỳ vọng vào việc vay được vốn lãi suất thấp hay không bởi lẽ lượng hàng tồn kho hiện nay rất lớn, nên mối quan tâm hàng đầu là giải phóng hàng tồn kho, chứ không phải vay mới để sản xuất”.

Đại diện CTCP Xi năm Hữu Nghị cũng nêu kiến nghị: “Chúng tôi mong Chính phủ có giải pháp phát triển thị trường để tiêu thụ hàng tồn kho”. Một số doanh nghiệp đã có những giải pháp khuyến mại để tiêu thụ sản phẩm nhưng vẫn mong “Chính phủ xem xét có các cơ chế hỗ trợ gián tiếp cho DN một cách hữu hiệu”, một lãnh đạo DN này đề xuất.

Cũng lo lắng với núi hàng tồn, ông Phạm Xuân Hồng  - Tổng Giám đốc CTCP May Sài Gòn cho biết, lãi suất có giảm xuống dưới 10%/năm, ngành may mặc hiện tại cũng không có nhu cầu vay mượn do không có đầu ra. Hoạt động đầu tư mới trong các DN may mặc dậm chân tại chỗ trong 5 tháng qua, nhu cầu vốn lưu động gia công hàng quần áo cũng rất hạn chế nên các công ty may không vay vốn ngân hàng. 

Không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn than thở lãi suất vay đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, DN không mong tăng trưởng ở mức lãi vay dù đã mềm hơn. Thêm vào đó, lãi vay giảm nhưng tiếp cận vốn vẫn khó khăn vì DN còn chưa giải quyết được hàng tồn kho, rồi nợ cũ lãi suất cao.

Ông Nguyễn Xuân Trang – Giám đốc Công ty Dược vật tư y tế Hải Dương cũng than thở, tuy lãi suất cho vay có giảm nhưng vẫn ở mức cao, khó đảm bảo DN có lãi. DN hiện đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để sản xuất. Trước đây khi NHNN quy định lãi suất huy động là 12% thì DN phải vay mức 17%. Mới đây lãi suất huy động giảm xuống 9% thì DN đã đề nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Bây giờ lãi suất mà DN đang vay ở mức 15%. Tuy lãi suất có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Những năm trước, tốc độ tăng trưởng của công ty luôn đạt 30-40%/năm. Tuy nhiên, năm 2012 công ty quyết định hoãn đầu tư một số dự án và đưa số tăng trưởng bằng 0 để đảm bảo an toàn cho DN. DN này cũng mong muốn Chính phủ, ngân hàng có những chính sách phù hợp với từng đối tượng để giúp các DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.

Tiếp cận nguồn vốn khó khăn cũng là ý kiến của đại diện DN Vật tư Minh Hải (Hải Dương). Theo DN này, hiện tài sản thế chấp của DN chỉ có nhà xưởng, hàng tồn kho. Trong khi muốn vay vốn ngân hàng buộc phải chứng minh tình hình hoạt động, kinh tế tài chính rõ ràng do kiểm toán của Nhà nước xác nhận. Bên cạnh đó, DN phải hoạt động có lãi, có hiệu quả, có khả năng thanh toán các khoản nợ gốc và lãi tốt. Chưa kể với những thủ tục khó khăn nên khi vay được vốn thì cơ hội kinh doanh đã trôi qua. Bởi vậy lãnh đạo DN này cũng  đề nghị, các ngân hàng cũng nên “cởi mở” hơn tạo điều kiện cho DN tồn tại và phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, cần lựa chọn và phân loại các DN ra từng nhóm, theo một số tiêu chí để có những chính sách vay, mức độ tiền vay cũng như áp dụng lãi suất vay cho hợp lý…

Doanh nghiệp phải chờ thêm ít nhất 3 tháng? 

Theo phía Ngân hàng Nhà nước, chính sách lãi suất hiện nay sẽ góp phần tăng tổng cầu nền kinh tế, tín dụng sắp tới sẽ tăng lên, chi tiêu ngân sách cũng sẽ tăng, người dân đầu tư sẽ sử dụng đồng tiền của mình vào sản xuất. 

Tuy nhiên, theo tính toán của giới chuyên gia, độ trễ nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại phải ít nhất là 3 tháng mới tiếp cận được với mức lãi suất như quy định. Giám đốc một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cũng cho rằng, thị trường cần chờ thêm khoảng 4 tháng nữa mới có nhiều vốn giá rẻ, ngân hàng mới trung hòa được số vốn huy động giá cao trước đây với số vốn huy động trên dưới 10%/năm trong thời điểm hiện nay. Nhiều ngân hàng chỉ lựa chọn DN được xếp hạng tín dụng A + và có ngoại tệ tái táo mới cho vay vốn tiền đồng lãi suất 13 – 14%/năm. Lãnh đạo một số ngân hàng mong muốn giải quyết được nợ xấu để tiếp tục một chu trình cho vay mới, không bị nợ xấu hút vốn. 

 


Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp đã chỉ ra, mặc dù bức tranh về lãi suất đã giảm rất rõ rệt, tuy nhiên vẫn phải có độ trễ, bởi các ngân hàng thương mại đã huy động vốn từ trước với mức cao hơn rất nhiều.

“Ngân hàng có vốn cho vay, nhưng họ cũng là doanh nghiệp nên cũng cần phải đảm bảo an toàn tín dụng, trong khi doanh nghiệp đang bị tồn kho, không bán được hàng, không trả được nợ thì tiếp cận vốn mới không hề đơn giản,” ông Doanh nói.

Trao đổi với những ý kiến của DN, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, khó khăn chung mà các DN phản ánh tập trung vào các vấn đề như hàng tồn kho, đầu ra, tiếp cận vốn, lãi suất cao… Thực tế từ đầu năm, NHNN đã đưa ra lộ trình giảm lãi suất theo từng quý, đến cuối năm sẽ đưa lãi suất huy động về mức 9-10%/năm. Tuy nhiên NHNN đã phản ứng rất nhanh, linh hoạt theo tình hình thị trường. Trong tháng 5 khi lạm phát giảm, NHNN đã quyết định giảm lãi suất huy động xuống 11%/năm và hiện nay là mức 9%/năm để tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất cho vay. Như vậy, lãi suất huy động từ đầu năm đến nay đã giảm 3-4% và lãi suất cho vay giảm từ 2-5%/năm. Từ giờ đến cuối năm, lãi suất sẽ giữ ở mức khá ổn định. Vì vậy DN không nên có tâm lý chờ đợi lãi suất giảm hơn nữa vì có thể sẽ bỏ lỡ thời cơ, cơ hội kinh doanh.

Theo bà Hồng, nếu các DN nào cũng có nhiều phương án để phát triển sản xuất thì đề án tái cơ cấu lại các DN của Chính phủ sẽ rất thành công. Thực tiễn hiện nay, các DN dựa vào vốn vay của các tổ chức tài chính rất lớn. Khi mà lãi suất cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, lúc đó DN sẽ gặp khó. Về nguồn vốn, các DN nên đa dạng hóa nguồn vốn của mình, không quá phụ thuộc vào ngân hàng khi chính sách vĩ mô của Chính phủ thay đổi DN sẽ có phản ứng tích cực hơn.

Chia sẻ những khó khăn của DN, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, hiện các DN đang vướng trong vòng luẩn quẩn. Đó là lượng tồn kho trong DN khá lớn, DN sản xuất ra không bán được, không có tiền trả lãi cho ngân hàng, vì vậy ngân hàng không tiếp tục cho vay khiến DN càng khó khăn hơn. Để giải quyết những khó khăn, DN phải tự đánh giá để tự tái cơ cấu trúc; xây dựng chiến lược kinh doanh mới; tính toán khâu giảm chi phí; có kế hoạch phân bổ, sử dụng lao động; nâng cao trình độ dự báo, dự đoán tình hình để linh hoạt trong hoạt động của mình. Ngoài ra, cần có các giải pháp tổng thể của Chính phủ về chính sách thuế, kích thích sức mua trên thị trường, và các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô khác.

Kim Chi

 

Bình luận
vtcnews.vn