(VTC News) – Lãi suất tiền gửi bằng đô la và vàng tại ngân hàng có thể sẽ về mức 0% nhằm bảo vệ và nâng cao vị thế VND đồng thời chống vàng hóa và đô la hóa.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc áp dụng lãi suất huy động 0/%/ năm đối với tiền gửi ngoại tệ và với vàng chính là giải pháp nhằm giúp bảo vệ và nâng cao vị thế VND đồng thời chống vàng hóa và đô la hóa.
Đây cũng là 1 trong 4 giải pháp VAFI đề xuất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm góp phần bình ổn thị trường tiền tệ. Theo VAFI, để bình ổn thị trường tiền tệ, trước hết NHNN cần giảm lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn trên 1 tháng đối với các tổ chức kinh tế từ mức 14%/năm xuống 10%/năm.
Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, hiện tiền gửi VND của các tổ chức chiếm khoảng 40% trong cơ cấu tiền gửi VND, đây là khoản tiền không nhỏ và hết sức có ý nghĩa trong việc kiểm soát lãi suất cho vay trong điều kiện tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức không quá 20% của toàn hệ thống.
VAFI tin rằng giải pháp này sẽ giúp giảm đáng kể lãi suất huy động đầu vào, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đang quá cao (đa phần từ 20%/- 25%/ năm); tạo điều kiện để giảm các loại lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng; tạo cơ sở để NHNN ban hành mức trần lãi suất cho vay; góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu.
Cũng theo VAFI, trong thời điểm hiện nay, nếu đặt vấn đề giảm lãi suất tiền gửi VND với đối tượng cá nhân là chưa khả thi vì dòng vốn này có thể sẽ bị phân bổ vào các kênh như đầu tư vàng, ngoại tệ. Tuy nhiên, đối với tổ chức thì không đáng ngại vì tiền gửi của các tổ chức trong giai đoạn hiện nay phần lớn là dòng tiền ngắn hạn, hơn nữa mức lãi suất 10%/năm cũng là mức lãi suất hấp dẫn.
Giải pháp thứ 2 mà VAFI đề xuất đó là NHNN nên khống chế trần lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng ở mức không quá 16%/năm.
Giải thích về lý do họ đề xuất giải pháp này, VAFI cho biết: “Nếu như chỉ khống chế lãi suất huy động có kỳ hạn không quá 14%/năm hoặc (nếu NHNN chấp thuận) khống chế lãi suất huy động VND với tổ chức là 10%/năm thì “ có vẻ như “ chỉ có lợi cho các tổ chức tín dụng lớn mà không giải quyết những khó khăn về huy động vốn cho khối ngân hàng nhỏ và vừa, nhìn rộng ra thì hệ thống doanh nghiệp vẫn phải chịu huy động vốn với lãi suất trên 20%/năm, điều này sẽ là bất lợi đối với toàn hệ thống ngân hàng.
Khống chế lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng sẽ làm cho việc huy động vốn của khối ngân hàng nhỏ bớt căng thẳng, đi vào ổn định và từ đó làm cơ sở để hạ lãi suất tín dụng đầu ra cho toàn bộ hệ thống.
Nền kinh tế của ta vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng, trong khủng hoảng thì phải đi tìm ngay sự ổn định, đó là sự ổn định của toàn bộ hệ thống tín dụng, nói như vậy không phải là cần chính sách ưu ái cho một số ngân hàng yếu kém, những đối tượng này không khó khăn gì trong việc chẩn đoán bệnh nếu như các thanh tra ngân hàng làm việc chí công vô tư và những đối tượng này cần nhanh chóng có phương án tái cơ cấu”.
Giải pháp thứ 3 họ đưa ra là nên áp dụng lãi suất huy động O/%/ năm đối với tiền gửi ngoại tệ và với vàng nhằm bảo vệ và nâng cao vị thế VND đồng thời chống vàng hóa và đô la hóa. Theo họ, đây cũng là giải pháp nhằm tạo sức hấp dẫn của mức lãi suất 10% - 14%/năm, tăng cường thu hút VND vào hệ thống ngân hàng thương mại, góp phần bình ổn tỷ giá.
Cuối cùng, VAFI cho rằng NHNN nên khống chế trần lãi suất cho vay ở mức 19%. Họ khẳng định, nếu thực hiện 4 giải pháp này, lãi suất cho vay có thể về mức từ 17%- 19%/năm. Đây là mức “dễ thở” hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vẫn là mức lãi suất quá cao và theo dự đoán của họ, với mức lãi suất cho vay cao như vậy, sẽ ít có doanh nghiệp thực hiện các Dự án đầu tư mới.
M.Q
Bình luận