• Zalo

Lãi suất tiết kiệm: ‘Ông lớn’ giảm sâu, ngân hàng nhỏ vẫn 'neo' kỷ lục

Kinh tếThứ Ba, 27/09/2016 07:52:00 +07:00Google News

Trong khi các “ông lớn” ngân hàng giảm sâu lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn, các ngân hàng nhỏ vẫn neo ở mức cao kỷ lục.

Trong khi lãi suất tiết kiệm đang âm thầm tăng cao, ngày 26/9, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố nhiều tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm.

Ông lớn giảm sâu

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết từ ngày 26/9, một số tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm.

Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các tổ chức tín dụng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3%, tức từ mức 5,1% xuống còn 4,8%. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,4% xuống 5,3%/năm. Trong khi đó, mức lãi suất cao nhất 6,5%/năm cho các kỳ hạn từ 12 trở lên vẫn được duy trì.

tien mat

 

Tại BIDV, lãi suất các kỳ hạn ngắn giảm xuống chỉ còn từ 4,3% đến 4,8%. Đặc biệt, BIDV không chỉ lãi suất ngắn hạn. Lãi suất cao nhất tại BIDV giảm từ 7,2% xuống 6,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Trong khi đó, VietinBank vẫn duy trì mức lãi suất cao nhất 7%/năm cho các kỳ hạn trên 36 tháng. Ở các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng, lãi suất tiết kiệm chỉ còn 4,3%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng nêu trên là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp; qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Ngân hàng nhỏ neo cao

Trong khi các ông lớn ngân hàng điều chỉnh giảm sâu lãi suất ở kỳ hạn ngắn, các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn niêm yết biểu lãi suất với lãi suất vẫn neo cao kỷ lục ở các kỳ hạn dài.

Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đang nắm giữ kỷ lục lãi suất tiết kiệm. Kể từ 5/9, Viet Capital Bank áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, lãi suất tại ngân hàng này tăng vọt từ 7,8%/năm hồi cuối tháng 8 lên 8,2%/năm.

Nếu gửi tiết kiệm online hoặc gói “Tiết kiệm 39+ ưu việt”, khách hàng sẽ được nhận lãi suất 8,3%/năm ở kỳ hạn 18 tháng. 8,3%/năm hiện vẫn là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường.

Hiện tại, Viet Capital Bank vẫn chưa điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn như Vietcombank hay BIDV. Ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, Viet Capital Bank vẫn áp dụng mức 5,35%/năm.

Tại VPBank, lãi suất huy động vẫn được neo ở mức cao. Nếu gửi tiết kiệm trực tuyến với số tiền trên 5 tỷ đồng, khách hàng được hưởng lãi suất 8%/năm. Nếu gửi theo hình thức thông thường, mức cao nhất sẽ là 7,7%/năm.

NCB vẫn giữ nguyên biểu lãi suất được áp dụng từ 3/8. Theo đó, 8%/năm là mức lãi suất cao nhất được áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Thấp hơn một chút là 7,8%/năm ở kỳ hạn 18 tháng.

8%/năm cũng là mức lãi suất cao nhất mà CBBank áp dụng cho kỳ hạn dài. Hiện tại, ngân hàng này chưa công bố biểu lãi suất mới. Tình trạng tương tự diễn ra ở TPBank với mức lãi cao nhất là 7,9%/năm.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn